Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 04/10/2023 08:12 GMT+7

“Lục lạc vàng” reo vui miền biên giới

Biên phòng - Vẫn là vùng đất của Tây Nguyên hùng vĩ, nhưng xã Đắk Wil (huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông) lại có khí hậu tiểu vùng, mưa ít nắng nhiều, mưa muộn, tạnh sớm và đất đai thì cằn cỗi, nên cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước những khó khăn của bà con, những người lính Đồn BP Nậm Na đã “bỏ vốn” để xây dựng “ngân hàng bò” và sẵn sàng “nhường tiêu chuẩn” của mình để bà con có cơ hội làm chủ cuộc sống.

59c9ab597a76dfaffe000490
Cán bộ Đồn BP Nậm Na trò chuyện cùng bà con dân tộc Mông ở xã Đắk Wil. Ảnh: Trúc Hà

Từ Đồn BP Nậm Na, để đi sang xã Đắk Wil (địa bàn do đơn vị quản lý), nếu đi thuận đường thì phải tới thị trấn Đắk Mil (huyện Đắk Mil), tiếp tục đi tới thị trấn Ea Tling (huyện Cư Jut) rồi vào xã Đắk Wil, tính ra trên dưới trăm cây số. Chúng tôi quyết định đi theo đường xuyên qua Vườn quốc gia Yok Đôn, dù khó đi, nhưng quãng đường rút ngắn được một nửa. Sau 2 lần phải nhờ người đi rừng lội bùn ngập gối, đẩy thì chiếc U-oát gầm như voi rống, thả khói đen kịt như cháy xưởng cao su mới chồm qua được vũng lầy.

Đi giữa rừng quốc gia, cây cối um tùm, mát mẻ mà ai nấy mồ hôi vã ra như tắm. Dân cư ở xã Đắk Wil chủ yếu là đồng bào các dân tộc từ các tỉnh phía Bắc di cư vào lập nghiệp. Và thật kỳ lạ, ở giữa Tây Nguyên, thay vì là đất bazan màu mỡ thì ở đây lại xuất hiện những đá tảng, đá hòn. Để canh tác được, người dân phải gom đá lại thành đống hoặc xếp làm hàng rào như ở cao nguyên đá Hà Giang. Đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, Đắk Wil có đầy đủ trở ngại cho người làm nông nghiệp.

Thôn 4, xã Đắk Wil chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông di cư từ các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang từ năm 1995. Đất canh tác ít lại không màu mỡ nên cả thôn có hơn 40 hộ dân tộc Mông thì quá nửa là hộ nghèo và cận nghèo. Thực tế, ở nhiều nơi, những hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành, nhất là ở những vùng chưa được cấp phép sinh hoạt đạo đều duy trì cuộc sống khép kín. Khi cán bộ địa phương, hoặc BĐBP đến, họ thường lảng tránh hoặc hỏi gì cũng chỉ nói “chi pâu” không biết. Thế nhưng, khi chúng tôi vào thôn 4, những chiếc ghế nhanh chóng được mang ra, những khúc mía tím chặt vội ngoài vườn được đem tới mời khách.

Trưởng thôn Dương Văn Anh hào hứng chia sẻ câu chuyện xung quanh việc các hộ dân thôn 4 đã họp xong và thống nhất mỗi hộ cử 1 lao động và đóng thêm 1,6 triệu đồng để làm hơn 1km đường bê tông đi vào thôn. Chuyện người Mông tự bỏ tiền, bỏ công sức ra để làm đường ở thôn 4 khiến các dân tộc khác ở xung quanh phải khâm phục. Trưởng thôn Dương Văn Anh bảo: “Ngày ở Cao Bằng, chúng tôi cũng không đợi được Nhà nước đầu tư làm đường. Mỗi nhà 2 người mang theo dụng cụ, cơm nắm đi làm đường từ xã vào bản. Nhưng cũng vì có cơ sở là con đường đất, chúng tôi tự mở mà chính quyền sau đó đầu tư cho đường bê tông, đường nhựa”.

Rồi câu chuyện chuyển đề tài khi Trưởng thôn Dương Văn Anh khoe mới bán bò, đủ tiền mua được 2,5ha nương của nhà hàng xóm. Điều đáng nói là để có được 2,5ha nương ấy là nhờ con bò của Đồn BP Nậm Na. Năm 2012, Đồn BP Nậm Na tách đàn, giao 1 bò cái cho gia đình ông Dương Văn Anh nuôi. Năm 2013, bò mẹ đẻ ra được 1 bê đực; năm 2014, bò đẻ tiếp 1 bê cái. Và ông Dương Văn Anh cụ thể hóa hiệu quả nuôi bò bằng việc đổi bò lấy đất canh tác.

Năm 2015, khi bò cái “hoàn thành nghĩa vụ” ở nhà ông Dương Văn Anh, Đồn BP Nậm Na tiếp tục chuyển bò cho nhà anh Sùng A Lành. Năm 2016, bò đẻ được 1 bê đực, anh Sùng A Lành đã các thêm 4 triệu để đổi lấy bò cái đang chửa. Năm 2017, con bò mẹ được chuyển giao cho cặp vợ chồng Đào Văn Đanh, Lý Thị Si. Con nhỏ, cuộc sống vô cùng vất vả nhưng vì bố mẹ cũng nghèo, không giúp đỡ được gì, nên vợ chồng trẻ gặp nhiều khó khăn.

Bởi vậy, khi được nhận nuôi bò của Đồn BP Nậm Na, anh Đanh và chị Si rất mừng, đây là cơ hội có vốn để xây dựng cuộc sống mới.  Và “bài học kinh nghiệm” của ông Dương Văn Anh và Sùng A Lành truyền lại cho đôi vợ chồng trẻ là “có bê rồi phải biết chuyển đổi từ tài sản này sang tài sản khác. Chứ nếu có 1 con bò thì mãi chỉ là 1 con bò thôi”. Vậy là, sau 5 năm triển khai “ngân hàng bò”, từ 1 bò cái của đồn đã cho sinh lời thêm 5 con bê và bò cái vẫn đang tiếp tục xóa nghèo cho các hộ dân ở thôn 4.

Nhưng chủ đề “Lục lạc vàng” (tặng bò cho gia đình nghèo ở các vùng nông thôn, do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện) không dừng ở đó. Mới đây nhất, tháng 6-2017, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Nông phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức chương trình “Biên giới khúc tình ca” lần thứ 22. Các lần trước, chương trình kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị ủng hộ để xây nhà tặng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đang đóng quân ở biên giới.

Năm nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã đề nghị Ban tổ chức chuyển số tiền đó sang cho các hộ nghèo ở khu vực biên giới để mua bò giống. Nhờ đó, sau chương trình “Biên giới khúc tình ca” lần thứ 22, đã có 4 hộ ở xã Đắk Wil được nhận 25 triệu đồng/hộ. Đại úy Nguyễn Văn Dũng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn BP Nậm Na đã trực tiếp đưa các hộ được nhận hỗ trợ sang huyện Krông Nô, đến trang trại bò để lựa chọn. Với 25 triệu đồng, mỗi hộ có thể chọn cho mình 2 con, đánh dấu, đồn BP tổ chức vận chuyển về xã Đắk Wil, bàn giao cho các hộ.

d8e2_10b
Ông Lý A Tu chăm sóc cặp bò của chương trình “Biên giới khúc tình ca”. Ảnh: Trúc Hà

Chúng tôi đến nhà ông Lý Văn Tu thì trời gần trưa. Đang bị đau chân nên ông Tu ở nhà đóng bao nốt số đậu xanh mới phơi khô. Ông Tu từ Thông Nông, Cao Bằng vào đây năm 1995. Vào muộn, đất đai đều có chủ, đất tốt thì người ta giữ làm nương. Có ít tiền, nên ông Tu cùng vợ và các con chỉ mua được đám ruộng xấu. Sinh thêm con, nhưng ruộng vẫn vậy nên nhà ông Tu cứ nghèo mãi.

Đã hơn 20 năm kể từ ngày rời Cao Bằng vào đây, cho đến khi có chương trình “Biên giới khúc tình ca”, gia đình ông Tu mới có khối tài sản là 2 con bò. Chiếc chuồng bò cũng do bộ đội ở Đội công tác của Đồn BP Nậm Na đến giúp. Nhìn 2 chú bò giống đang thong thả nhai cỏ, ông Tu không giấu được niềm vui bảo: “Bò mới về không cho người lạ đến gần. Hằng ngày, các con phải đi lấy cỏ cách đây cả chục cây số, nhưng đứa nào cũng vui. Đợi một thời gian cho bò quen, các hộ có bò sẽ rủ nhau đi chăn tập trung”.

Như vậy, trong khó khăn, thiếu thốn, những người lính quân hàm xanh đã không ngại ngần giúp sức, sẻ chia “bát cơm” với đồng bào. Điều ấy càng ý nghĩa, càng giá trị khi các anh quyết định tặng cho bà con chiếc cần câu thay vì xâu cá. Giờ thì chúng tôi đã hiểu, vì sao mối quan hệ quân dân ở dải đất biên cương khắc nghiệt này lại khăng khít đến thế.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO