Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:09 GMT+7

“Lục địa già” châu Âu đối mặt với nhiều thách thức lớn

Biên phòng - Giới quan sát chính trị châu Âu nhận định, trong bối cảnh “lục địa già” đương đầu với những thách thức lớn hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) dường như đang lúng túng, chưa thể đưa ra bất kỳ đối sách nào đủ hiệu lực.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong tuần trước. Ảnh: REUTERS

Hiệu lực trong lãnh đạo của EU những ngày qua trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi của giới phân tích chính trị quốc tế với 3 hội nghị thượng đỉnh trong chưa đầy 5 tuần cùng hàng loạt cuộc điện đàm và các khuôn khổ trao đổi nhóm nhỏ. Các nhà lãnh đạo hàng đầu của các quốc gia thành viên EU chưa thể tìm ra giải pháp nào đủ mạnh để giải tỏa áp lực trong nhiều lĩnh vực của châu lục về bất ổn an ninh, tin tặc, kinh tế suy yếu, dịch bệnh hoành hành, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng di cư...

Giới quan sát đánh giá, lãnh đạo các nước thành viên EU đang có tần suất làm việc dày đặc, đặc biệt là Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào tuần trước với lần đầu tiên góp mặt của Tổng thống Joe Biden - Tổng thống Mỹ đầu tiên dự hội nghị thượng đỉnh của EU. Điều này đã ít nhiều cho thấy, các nước phương Tây đang nỗ lực tăng cường gắn kết để đương đầu với khó khăn. Song, điểm đáng buồn là dù nỗ lực rất lớn, song EU chỉ có thể đưa ra những đối sách tương đối mơ hồ, không có bất kỳ quyết định nào mang tính đột phá đối với những vấn đề gai góc của châu lục.

Nội dung thu hút giới phân tích trong Thông cáo chung được công bố sau hội nghị thượng đỉnh vào tuần trước là việc kết nạp thêm thành viên vào EU. Hội nghị thượng đỉnh vừa qua cũng chỉ dừng ở mức kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra quy trình kết nạp một số nước đang có nguyện vọng gia nhập EU. Giới phân tích chỉ ra rằng, thực chất, những kết luận này chỉ mang tính thể hiện sự thiện chí đối với các nước muốn gia nhập EU, bởi quy trình để một quốc gia được kết nạp vào EU vốn luôn mất rất nhiều thời gian, công sức với hàng loạt diễn biến phức tạp.

Theo các nhà phân tích, một “điểm nhấn” quan trọng nhất trong chuỗi hoạt động nghị sự của EU hơn một tháng qua là việc thông qua Định hướng chiến lược của EU tại Hội nghị thượng đỉnh trong tuần trước. Đây là văn kiện có tầm quan trọng rất lớn khi EU đưa ra đánh giá cụ thể về những thách thức hiện hữu và vạch ra đường lối của khối đến năm 2030. Tuy nhiên, giới phân tích chính trị cho rằng, kết quả này vẫn chưa đủ mạnh để thể hiện sức mạnh ứng phó với giai đoạn vô cùng khó khăn hiện nay của EU, đặc biệt là chưa vạch ra những phương hướng cụ thể của khối để phản ứng hiệu quả với cuộc khủng hoảng quốc tế có thể leo thang quy mô lớn. Các nhà quan sát cho rằng, văn kiện này dù là một bước tiến của EU, song chưa đạt đủ tầm để cho thấy EU có phản ứng phù hợp với thực tiễn bất ổn định.

Ở góc độ tích cực, nhiều chuyên gia chính trị châu Âu cho rằng, EU không “chậm chạp” mà đang có những bước đi thể hiện sự thận trọng, chắc chắn. Định hướng chiến lược EU vừa được thông qua bản chất là việc cụ thể hóa những đường hướng đã được các quốc gia thống nhất trước đó, đặc biệt thể hiện phần nào ảnh hưởng đối với tương lai cấu trúc an ninh châu Âu. Ngoài ra, văn kiện này cũng được ban hành một cách nhanh chóng so với quy trình thông thường của EU, cho thấy sự quyết liệt, khẩn trương của khối trước những diễn biến bất ổn, tiềm tàng nhiều nguy cơ xấu chưa rõ ràng. Lâu nay, các quyết sách của EU vẫn luôn bị hoài nghi ở thời điểm mới công bố nên việc dư luận quốc tế tranh cãi về hiệu lực lãnh đạo của EU với những quyết sách vừa được công bố là điều không mới và khó tránh khỏi.

Cũng theo giới chuyên gia chính trị, một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất của châu Âu hiện nay là tình trạng giá năng lượng tăng phi mã và EU sẽ cần phải quyết liệt hơn rất nhiều để giải quyết những tác động lớn của vấn nạn này. Các nước phương Tây nói chung và EU nói riêng sẽ phải đổi mới một cách mạnh mẽ, toàn diện và tăng cường đoàn kết hơn nữa để không còn lúng túng trong việc tạo ra một “đòn bẩy” đủ mạnh giúp “lục địa già” ổn định lại kinh tế - xã hội, cũng như vị thế quốc tế đang đứng trước viễn cảnh “tụt dốc”.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO