Biên phòng - Châu Âu những ngày qua vừa đạt được bước tiến tích cực trong vấn đề nhập cư hợp pháp với cơ chế mới thu hút nguồn lao động chất lượng cao. Tuy nhiên, di cư bất hợp pháp tăng mạnh cũng đang là vấn đề “nóng” đối với “lục địa già”.

Mới đây, Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu - các cơ quan quyền lực của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về các quy tắc mới đối với việc nhập cảnh và cư trú của lao động có tay nghề cao từ bên ngoài EU. Giới học giả quốc tế trong vấn đề di cư đánh giá, thực trạng thiếu hụt lao động do già hóa dân số đặt ra yêu cầu của thời đại là phải thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ ngoài “lục địa già”. Vì vậy, cơ chế mới này mang lại cho EU một chương trình di cư hợp pháp hiện đại với mục tiêu hướng tới giải quyết tình trạng thiếu nguồn nhân lực.
Luồng ý kiến ủng hộ chính sách này cũng cho rằng, đây là nguồn động lực giúp EU duy trì tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và tăng năng suất để EU vươn lên mạnh mẽ hơn từ cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây nên. Thỏa thuận cũng là một minh chứng cho thấy nỗ lực của EU trong việc chuẩn bị cho mình hệ thống di cư phù hợp với yêu cầu của tương lai.
Theo giới quan sát quốc tế, châu Âu là điểm đến mơ ước của nhiều người di cư nên EU cũng chịu áp lực ngày càng lớn trong vấn đề di cư. Chính sách mới của EU cho phép người lao động có tay nghề cao nhập cư phần nào được cộng đồng quốc tế hưởng ứng, song, điều này không làm nguôi ngoai sự căng thẳng trong vấn đề di cư bất hợp pháp vào châu Âu.
Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis đánh giá, lượng người di cư đến châu Âu tăng rất mạnh. Từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 36.000 người di cư, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Một phần rất lớn người di cư đến châu Âu là từ Bắc Phi, họ không đến châu Âu để chạy trốn chiến tranh, nghèo đói mà chỉ vì muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn hoặc công việc tốt hơn. Đi kèm với việc tăng lượng người di cư là các vấn nạn nghiêm trọng tương tự như cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 như buôn người; người di cư đánh cược mạng sống khi vượt biển; quá tải trại tị nạn;... Thủ tướng Séc bày tỏ quan ngại về việc có thể tái diễn một cuộc khủng hoảng di cư tương tự năm 2015. Đồng thời cho rằng, châu Âu cần mạnh tay thực hiện giải pháp phá bỏ các băng nhóm buôn người và đưa người di cư bất hợp pháp hồi hương.
Trong tuần trước, hình ảnh hàng nghìn người bất chấp mạng sống tràn vào bờ biển thành phố Ceuta, Tây Ban Nha trong nỗ lực tìm cách vào châu Âu đã gây rúng động cộng đồng quốc tế. Thống kê sơ bộ của giới chức sở tại cho biết, khoảng 8.000 người vượt qua biên giới là một con số kỷ lục chưa từng có trong lịch sử. Chính quyền Maroc bị cáo buộc đã nới lỏng kiểm soát biên giới để người di cư tràn vào Tây Ban Nha như một “đòn trả đũa” trong bối cảnh căng thẳng hai nước leo thang.
Theo giới quan sát khu vực, sau cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu năm 2015, EU đã cố gắng giảm bớt dòng người di cư bằng cách tìm kiếm thỏa thuận với các nước trung chuyển người di cư như Maroc, Thổ Nhĩ Kỳ và Libya. Tuy nhiên, tình hình ở Ceuta hiện nay và cuộc khủng hoảng tương tự ở biên giới đất liền của Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp vào năm ngoái cho thấy, những thỏa thuận này chưa mang tính căn cơ để có thể giải quyết được thách thức thực tiễn. Thậm chí, các nước trung chuyển dường như đang sử dụng người di cư như công cụ gây sức ép với 27 quốc gia EU.
Người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi mới đây nhấn mạnh rằng, các nhà lãnh đạo EU là “chìa khóa” quan trọng trong nỗ lực toàn cầu giải quyết vấn đề người di cư. Trong khi giới học giả chỉ ra rằng, một trong những “mấu chốt” trước mắt giúp EU có thể đưa ra những hành động phù hợp với yêu cầu thực tiễn là sự đoàn kết. Bởi, trong khối 27 quốc gia có những bất đồng kéo dài nhiều năm về vấn đề tiếp nhận người di cư. Điều EU rất cần lúc này là đạt được cơ chế cân bằng hợp lý để tất cả quốc thành viên cùng chia sẻ lợi ích và gánh nặng.
Thanh Trúc