Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:40 GMT+7

Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy

Biên phòng - Ngày 11-3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 32.

athkwd23p8-11953_f_jt4hlh351_a1
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạch Phiên họp thứ 32. Ảnh: Văn Bình

Theo báo cáo tại tại Phiên họp 32, UBTVQH sẽ cho ý kiến về 5 dự án luật gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Dự án Luật Kiến trúc; Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); Dự án Luật thư viện.

Đồng thời, UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021…

Chiều 11-3, UBTVQH thảo luận về Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

cwrj1vib7t-11953_f_jt4hlh3e2_a2
Thượng tướng Phan Văn Giang trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi): Ảnh: Văn Bình

Cho ý kiến về dự án luật, các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết sửa đổi Luật Dân quân tự vệ và đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra; hoan nghênh Bộ Quốc phòng đã rất kịp thời tiếp thu và có giải trình về 10 nội dung mà Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH đã nêu ra tại Báo cáo thẩm tra sơ bộ. 

Thảo luận dự án Luật, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc chuẩn bị dự án luật rất công phu, sau khi thẩm tra sơ bộ, Bộ Quốc phòng rất nhanh chóng có báo cáo giải trình, tiếp thu và báo cáo thêm một số nội dung đề nghị giữ nguyên như dự thảo với những lý lẽ phân tích khá kỹ.

Để đủ điều kiện báo cáo ra QH tại kỳ họp tới, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát thêm dự án để bảo đảm phù hợp với chủ trương, nghị quyết của Đảng về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, chế độ tiền lương, phụ cấp; tránh quy định chung chung, chưa cụ thể hoặc chưa đầy đủ, trùng lắp với các quy định trong các luật hiện hành có liên quan…

Đồng tình với các đại biểu về sự chuẩn bị công phu của dự án Luật, nhưng Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng băn khoăn, theo quy định hiện hành, khi có tình trạng khẩn cấp về quốc phòng hoặc tình trạng chiến tranh thì người chỉ huy là sỹ quan Quân đội nhân dân. Hiện nay, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là công chức cấp xã, trong khi lực lượng nòng cốt phối hợp là Công an nhân dân đã có sỹ quan chính quy đảm nhiệm nhiệm vụ. Vì vậy, đề nghị thảo luận, nghiên cứu thêm, nên đặt vị trí Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã thế nào, cấp nào để bảo đảm “chỉ huy được” khi xảy ra tình huống theo quy định.

Thảo luận thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, theo nghị quyết của Bộ Chính trị và thực tiễn từ trước tới nay, trong các cuộc chiến tranh đã xảy ra, cơ quan quân sự luôn là cơ quan tham mưu và chủ trì trong hiệp đồng tác chiến. Đây là việc cần chuẩn bị từ thời bình, không phải khi chiến tranh xảy ra mới đưa người về làm chính quy. Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nêu câu hỏi: Công an xã là sỹ quan chính quy, xã đội trưởng chỉ là công chức cấp xã mà phổ biến kế hoạch, phương án tác chiến, xây dựng khu vực phòng thủ thì có đúng với vai trò, vị trí không?

Theo Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ, vị trí Chỉ huy trưởng nếu để Luật Cán bộ công chức điều chỉnh thì giải quyết mối quan hệ với công an xã thế nào? Điểm này vướng, cần nghiên cứu khả thi để bảo đảm vai trò, chức năng, nhiệm vụ và cân đối tương quan giữa hai lực lượng ở cấp xã.

Danh Anh

Bình luận

ZALO