Biên phòng - Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 29-8-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đã cụ thể hóa các quan điểm, đường lối quốc phòng, an ninh, thể hiện rõ tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong Nghị quyết đã xác định cụ thể về việc giao Chính phủ tiến hành xây dựng và ban hành Luật Biên phòng Việt Nam, tạo ra một hành lang pháp lý quan trọng, là “kim chỉ nam” xây dựng “lũy thép” biên cương.

Theo Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, xây dựng Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia là mong ước của nhiều thế hệ cán bộ BĐBP. Việc ban hành Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta, qua đó, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ban, ngành Trung ương thống nhất được nhận thức và thấy được trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng, bất khả xâm phạm.
Nghị quyết ra đời đã tạo “chỗ dựa” để Chính phủ, các địa phương có biên giới ban hành cơ chế chính sách, tạo nguồn lực, vật lực, xây dựng và bảo vệ biên giới tốt hơn, vững chắc hơn. “Để xây dựng, bảo vệ biên giới trong tình hình mới, Nghị quyết xác định xây dựng, ban hành Luật Biên phòng Việt Nam; lực lượng BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng, bảo vệ biên giới.
Đây là cơ sở hết sức quan trọng, giúp cho BĐBP tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành nhiều chính sách xây dựng biên giới như: Đưa nhân dân lên biên giới, xây dựng cơ sở hạ tầng trên biên giới, gắn kết nhân dân hai bên biên giới bằng chương trình kết nghĩa bản-bản, kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, tạo nền móng vững chắc để địa bàn biên giới ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, vững chắc về quốc phòng, an ninh” - Thượng tướng Võ Trọng Việt nhấn mạnh.

Việt Nam đã ký Hiệp ước biên giới, Nghị định thư về phân giới cắm mốc với 3 nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia. Đây là hành lang pháp lý mang tầm quốc tế. Hoàn thành việc phân giới cắm mốc Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào và hoàn thành 84% việc phân giới cắm mốc Việt Nam - Campuchia. Giao thương qua lại biên giới ngày càng phát triển, đoàn kết nhân dân hai bên biên giới được tăng cường. Ngoài ra, Quốc hội đã xây dựng, Nhà nước đã ban hành các luật liên quan về biên giới, Biên phòng như: Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Biển Việt Nam, Luật Cảnh sát Biển Việt Nam...
Hoạt động của BĐBP ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người và quyền công dân. Tất cả quyền con người, quyền công dân phải được điều chỉnh bằng pháp luật. Do đó, Pháp lệnh BĐBP không thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới trong tình hình mới. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là điều tất yếu, tạo ra một hệ thống pháp lý giải quyết tốt các vấn đề trên khu vực biên giới, phát huy sức mạnh toàn hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân xây dựng, bảo vệ biên giới.
Thượng tướng Võ Trọng Việt cho rằng, BĐBP muốn hoàn thành chức trách là nòng cốt, chuyên trách thì phải dựa vào dân, vì nhân dân là chủ thể, là “cột mốc sống”, nhân chứng lịch sử trên biên giới, nhân dân là cội nguồn sức mạnh để thực hiện mọi chính sách bảo vệ biên giới. Vì vậy, BĐBP phải dựa vào dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, chăm lo cho nhân dân, thì nhân dân thương yêu, đùm bọc, lúc đó BĐBP mới hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Ngoài ra, trên biên giới có 54 dân tộc anh em, nhưng đời sống vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Quốc hội đã ban hành nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030, nhằm tập trung nguồn lực chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, dần đưa miền núi tiến kịp với đồng bằng. Trong chặng đường hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP đã gắn bó mật thiết với nhân dân, đồng thời, Nghị quyết cũng nêu rất rõ vai trò, vị thế của BĐBP trong việc thực hiện Đề án. Vì vậy, Luật Biên phòng Việt Nam xác định, BĐBP là lực lượng nòng cốt tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới.
“Khi đã có cơ sở pháp lý vững chắc, BĐBP sẽ tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách và chủ động xây dựng các chương trình hành động về biên giới, về đồng bào dân tộc. Đồng thời, mỗi đồn Biên phòng có một chương trình, BĐBP tỉnh có một đề án, cả BĐBP sẽ có nhiều công trình quý giá để chăm lo, giúp cho nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Từ quan hệ “máu thịt” giữa nhân dân với BĐBP sẽ trở thành sức mạnh tổng hợp, không có thế lực nào, đối tượng xấu nào cản phá được sức mạnh đại đoàn kết của các dân tộc trên biên giới” - Thượng tướng Võ Trọng Việt khẳng định.
Trần Đức - Viết Hà