Biên phòng - Về mặt thực tiễn, hầu hết khu vực biên giới của nước ta đều có địa hình hiểm trở, điều kiện khí hậu, thời tiết phức tạp, khó khăn. Công tác duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực này có nét đặc thù khác so với các khu vực trong nội địa, phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, gắn liền giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Câu 1: Đề nghị đồng chí cho biết, Luật Biên phòng Việt Nam quy định như thế nào về nhiệm vụ tham mưu cho Bộ Quốc phòng về công tác duy trì an ninh trật tự ở khu vực biên giới của BĐBP?
Trả lời: Khoản 2, Điều 14 Luật Biên phòng Việt Nam về Nhiệm vụ của BĐBP quy định: BĐBP có nhiệm vụ “Tham mưu cho Bộ Quốc phòng về công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu và xây dựng lực lượng BĐBP”. Như vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của BĐBP là tham mưu cho Bộ Quốc phòng về công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Về mặt thực tiễn, hầu hết khu vực biên giới của nước ta đều có địa hình hiểm trở, điều kiện khí hậu, thời tiết phức tạp, khó khăn. Công tác duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực này có nét đặc thù khác so với các khu vực trong nội địa, phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, gắn liền giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Là một lực lượng chuyên trách có tính kỷ luật cao, trong suốt nhiều năm qua, lực lượng BĐBP luôn đóng vai trò chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng trong các hoạt động kiểm soát biên giới, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu; thể hiện rõ nhất trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng như trong nhiệm vụ kiểm soát, phòng, chống các hoạt động tội phạm xuyên biên giới, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn…
Câu 2: Đề nghị đồng chí cho biết, theo Luật Biên phòng Việt Nam, BĐBP có quyền hạn như thế nào trong duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu?
Trả lời: Đối với vấn đề này, Luật Biên phòng Việt Nam đã nêu rõ như sau:
+ Khoản 2, Điều 15 quy định BĐBP có quyền: Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, hệ thống mốc quốc giới, vật đánh dấu, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới, cửa khẩu; cấp, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ thị thực và các loại giấy tờ trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; kiểm tra, kiểm soát phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xử lý phương tiện vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
+ Khoản 3, Điều 15 quy định BĐBP có quyền: Đấu tranh, ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
+ Khoản 7, Điều 15 quy định BĐBP có quyền: Trực tiếp truy đuổi, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật từ biên giới vào nội địa; phối hợp với các lực lượng truy tìm, bắt giữ người có hành vi vi phạm pháp luật trốn chạy vào nội địa; truy đuổi, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật trốn chạy từ trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam ra ngoài phạm vi lãnh hải Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
+ Khoản 8, Điều 15 quy định BĐBP có quyền: Hợp tác, phối hợp với lực lượng chức năng của nước có chung đường biên giới, các nước khác và tổ chức quốc tế trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, cửa khẩu, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Theo đó, Luật Biên phòng Việt Nam quy định BĐBP chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. BĐBP thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên từng lĩnh vực, phạm vi ở địa bàn xã, phường, thị trấn tiếp giáp với đường biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển và cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý đã được xác định trong các điều ước quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam.
Câu 3: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ BĐBP được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hay không? Cụ thể như thế nào?
Trả lời: Căn cứ theo quy định tại Điều 17 Luật Biên phòng Việt Nam 2020, cán bộ, chiến sĩ BĐBP được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Cụ thể là trong những trường hợp sau:
Một là, khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ BĐBP được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Hai là, ngoài các trường hợp nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, khi thi hành nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cán bộ, chiến sĩ BĐBP được nổ súng quân dụng vào tàu thuyền trên biển, sông biên giới, trừ tàu thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, tàu thuyền có chở người hoặc có con tin, để dừng tàu thuyền, thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ;
b) Khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội, vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn;
c) Khi tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, quy định của pháp luật về hình sự cố tình chạy trốn.
Ba là, trường hợp nổ súng quy định tại khoản 2 Điều này, cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào tàu thuyền; phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.
Như vậy, có thể thấy rằng, cán bộ, chiến sĩ BĐBP được sử dụng vũ khí khi thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, vẫn trong giới hạn trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
BBP