Biên phòng - Chính sách của Nhà nước về biên phòng là một bộ phận của chính sách công, bao hàm một chuỗi hành động mang tính quyền lực Nhà nước hướng tới mục tiêu giải quyết các vấn đề thực tiễn hay thúc đẩy các giá trị ưu tiên trong quá trình thực thi nhiệm vụ biên phòng. Chính vì vậy, Điều 3, Luật Biên phòng Việt Nam thể hiện rất rõ chính sách của Nhà nước về biên phòng

Câu 1: Đề nghị Tòa soạn cho biết cụ thể về những chính sách của nhà nước đối với vấn đề Biên phòng?
Trả lời: Chính sách của Nhà nước về biên phòng là một bộ phận của chính sách công, bao hàm một chuỗi hành động mang tính quyền lực Nhà nước hướng tới mục tiêu giải quyết các vấn đề thực tiễn hay thúc đẩy các giá trị ưu tiên trong quá trình thực thi nhiệm vụ biên phòng. Chính vì vậy, Điều 3, Luật Biên phòng Việt Nam thể hiện rất rõ chính sách của Nhà nước về biên phòng, gồm những nội dung sau:
1. Thực hiện chính sách độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài với các nước có chung đường biên giới; mở rộng hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, an ninh, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân.
2. Giải quyết các vấn đề biên giới quốc gia bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Sử dụng các biện pháp chính đáng, thích hợp để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
4. Thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia toàn dân vững mạnh, rộng khắp, Nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.
5. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; ưu tiên nguồn lực đầu tư, hiện đại hóa các công trình biên giới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đối ngoại ở khu vực biên giới.
6. Huy động các nguồn lực của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong thực thi nhiệm vụ biên phòng.
7. Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, tài chính, tinh thần cho thực hiện nhiệm vụ biên phòng trên nguyên tắc tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với pháp luật quốc tế.
Câu 2. Luật Biên phòng Việt Nam có tác động mạnh mẽ đến toàn diện đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới như thế nào?
Trả lời: Đối với đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, Luật Biên phòng Việt Nam sẽ có tác động mạnh mẽ đến toàn diện đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của dân cư khu vực biên giới, đó là việc sắp xếp, quy hoạch khu vực dân cư, việc xây dựng và đầu tư các nguồn lực cho khu vực biên giới. Củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước, mối quan hệ đoàn kết quân dân gắn bó mật thiết, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đồng bào các dân tộc thiểu số trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tích cực tham gia có hiệu quả cùng BĐBP và các lực lượng trong công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm… góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi, xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.

Đây cũng là cơ sở để Đảng, nhà nước có cơ chế, chính sách cũng như các địa phương ở biên giới có điều kiện, nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, sắp xếp ổn định dân cư phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế để xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Đây là ý nghĩa to lớn cả về chính trị, kinh tế, xã hội.
Câu 3: Luật Biên phòng Việt Nam quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng như thế nào?
Trả lời: Về chính sách ưu đãi, chế độ đặc thù đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, Điều 27, Luật Biên phòng Việt Nam quy định:
1. Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng ở khu vực biên giới được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
2. Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được hưởng chính sách ưu đãi về chế độ đặc thù phù hợp với tính chất công tác và địa bàn hoạt động do chính phủ quy định.
Ta có thể thấy rằng, về cơ bản, trên cơ sở chế độ, chính sách ưu đãi đối với BĐBP được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành như: Hưởng lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chế độ trợ cấp; được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, phụ cấp khu vực, phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút, phụ cấp lưu động, phụ cấp độc hại nguy hiểm, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp phục vụ quốc phòng an ninh, phụ cấp công tác lâu năm ở trên tàu, biển, đảo, phụ cấp ngày đi biển, phụ cấp đặc thù đi biển phù hợp với khu vực địa bàn vùng biển, đảo công tác, yêu cầu nhiệm vụ và chế độ, chính sách khác như cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức, viên chức có cùng điều kiện, môi trường làm việc, khu vực địa bàn, biển đảo công tác theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Riêng chế độ đặc thù, Luật Biên phòng Việt Nam quy định giao Chính phủ quy định chi tiết chế độ đặc thù đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP theo hướng kế thừa và phát triển các quy định của Pháp lệnh BĐBP và các văn bản hướng dẫn thi hành; đồng thời bổ sung mới một số chế độ đặc thù đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP, dự kiến gồm một số chế độ đặc thù sau:
(1) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp BĐBP khi làm nhiệm vụ tăng cường xã biên giới có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng % phụ cấp kiêm nhiệm;
(2) Nâng mức % phụ cấp đặc thù đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP thuộc lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy và tội phạm; bổ sung mức % phụ cấp đặc thù đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP thuộc đội vũ trang.
BBP