Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 01/12/2023 08:13 GMT+7

Luật Biên phòng Việt Nam - những điều cần biết

Biên phòng - Câu 1. Việc luật hóa cụ thể nội dung cơ bản của nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa như thế nào?

Cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 18 BĐBP tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân phường 12, thành phố Vũng Tàu. Ảnh: Minh Nhân

Trả lời: Trước đây, Luật Biên giới quốc gia (BGQG) và các văn bản pháp luật có liên quan mới chỉ dừng lại ở quy định có tính khái quát. Do đó, Điều 5, Luật Biên phòng Việt Nam quy định về “Nhiệm vụ biên phòng” là quy định hết sức quan trọng, xác định rõ tổng thể, toàn diện và đầy đủ về nội dung nhiệm vụ biên phòng với ý nghĩa là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và của cơ quan, tổ chức, cá nhân, với 03 nhóm nhiệm vụ là xây dựng - quản lý - bảo vệ BGQG, khu vực biên giới.

Việc luật hóa cụ thể nội dung cơ bản của nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong Luật Biên phòng Việt Nam đã khắc phục những bất cập của Luật BGQG, luật hóa các quy định còn mang tính nguyên tắc của Nghị định số 140/2004/NĐ-CP ngày 25/6/2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BGQG; đồng thời để thể chế hóa quan điểm của Đảng về Chiến lược bảo vệ BGQG với mục tiêu “Xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp; dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”.

Câu 2: Những nội dung cơ bản về “Nền biên phòng toàn dân”, “Thế trận biên phòng toàn dân” được quy định trong Luật Biên phòng Việt Nam gồm những nội dung gì?

Trả lời: Khoản 1, Điều 9, Luật Biên phòng Việt Nam quy định “Nội dung cơ bản xây dựng nền biên phòng toàn dân” bao gồm:

a) Xây dựng, tổ chức thực hiện Chiến lược bảo vệ BGQG, khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự và kế hoạch phòng thủ ở khu vực biên giới;

b) Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở khu vực biên giới;

c) Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, quân sự, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ biên phòng;

d) Xây dựng lực lượng bảo vệ BGQG toàn dân vững mạnh, rộng khắp; xây dựng Bộ đội Biên phòng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại;

đ) Xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, BGQG, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Bên cạnh đó, “Nội dung cơ bản xây dựng thế trận biên phòng toàn dân” được quy định tại khoản 2, Điều 9 bao gồm:

a) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, bố trí các cụm dân cư đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới;

b) Xây dựng công trình phòng thủ liên hoàn, vững chắc; tổ chức, bố trí lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ biên phòng;

c) Phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, lực lượng phát huy sức mạnh tổng hợp, kịp thời xử lý các tình huống ở biên giới, khu vực biên giới;

d) Tổ chức nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ biên phòng.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Điện Biên phối hợp với dân quân tự vệ và nhân dân địa phương tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: Trung Anh

Câu 3: Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và nhân dân khu vực biên giới đối với việc xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân là gì?

Trả lời: Khoản 5, Điều 5 về nhiệm vụ biên phòng trong Luật Biên phòng Việt Nam chỉ rõ: “Xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện biên giới, phòng thủ dân sự; phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới”.

Để thực hiện nhiệm vụ này, cần có sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, đặc biệt là vai trò của cấp ủy, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới. Luật Biên phòng Việt Nam quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, công dân phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng thực hiện nhiệm vụ. Riêng công dân ở khu vực biên giới có trách nhiệm tham gia xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân và các phong trào bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, BGQG, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Cụ thể, điểm b, điểm d, khoản 2, Điều 33 Luật Biên phòng Việt Nam cũng quy định: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban nhân dân các cấp nơi có BGQG thực hiện quản lý nhà nước về biên phòng và có trách nhiệm: Tập trung và huy động các nguồn lực xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh ở địa phương; thực hiện Ngày biên phòng toàn dân; thực hiện chính sách hậu phương quân đội; chủ trì, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp, cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức phong trào quần chúng nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ BGQG, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở biên giới;

Đồng thời, điểm b, khoản 3, Điều 33 cũng quy định: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp nơi không có BGQG có trách nhiệm tham gia, phối hợp với cơ quan, tổ chức để thực thi nhiệm vụ biên phòng, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biên phòng; tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đối ngoại ở biên giới; thực hiện Ngày biên phòng toàn dân; thực hiện chính sách hậu phương quân đội.

BBP

Bình luận

ZALO