Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:20 GMT+7

Luật Biên phòng Việt Nam nhằm cụ thể hóa quan điểm của Đảng về bảo vệ biên giới quốc gia

Biên phòng - Sáng 19-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN). Qua thảo luận, các đại biểu đều đồng tình cao với sự cần thiết ban hành Luật BPVN để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức vào sự nghiệp bảo vệ biên giới; đồng thời, xây dựng lực lượng BĐBP chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang và nhân dân địa phương tuần tra bảo vệ đường biên mốc giới. Ảnh Viết Hà

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (thành phố Hải Phòng) cho biết: Sau 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP đã có những bất cập hạn chế. Để nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới cần ban hành Luật BPVN nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, hoàn thiện cơ chế chính sách để xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phù hợp với thức tiễn và phù hợp với pháp luật quốc tế; xác định rõ trách nhiệm, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia.

“Đối với quy định tại Điều 5 về Nhiệm vụ biên phòng đã bám sát, cụ thể hóa một bước, có tính nguyên tắc của Luật Biên giới quốc gia và không chồng chéo mâu thuẫn. Đồng thời, khoản 6 Điều 5 bổ sung thêm cụm từ “đáp ứng yêu cầu đặc thù” sau cụm từ “phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội” và viết lại thành “sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội đáp ứng yêu cầu đặc thù trên biên giới”. Bổ sung này để phân biệt sự quan trọng giữa các địa phương biên giới và địa phương khác” - Đại biểu Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh

Không đồng tình trước ý kiến đề nghị đưa nội dung nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang là nòng cốt, BĐBP làm chuyên trách ra khỏi dự thảo Luật, Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (thành phố Hồ Chí Minh) phân tích: Mục đích xây dựng Luật BPVN, cũng như quan điểm chủ đạo xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang là nòng cốt, BĐBP làm chuyên trách. Ban soạn thảo đã thiết kế cụ thể hóa rất nhiều điều khoản, đảm bảo thực thi nhiệm vụ biên phòng, xây dựng, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Cùng với đó, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân, đặc biệt xây dựng thế trận lòng dân.

“Để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng BĐBP đã tổ chức nhiều chương trình, phong trào hành động cụ thể và đem lại hiệu quả, xây dựng niềm tin nhân dân với Đảng, Nhà nước. BĐBP đã thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mái ấm biên cương”; “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”; Bò giống cho người nghèo”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; chương trình “Nâng bước em tới trường”. Đặc biệt, Mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, các đồn Biên phòng đã nhận nuôi những con em đồng bào các dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nuôi dạy đến 18 tuổi. Các em được nuôi dạy chăm sóc tốt, sẽ trở thành những hạt nhân tiêu biểu, lực lượng nòng cốt để xây dựng biên giới vững mạnh. Do đó, những nhiệm vụ này cần phải được cụ thể hóa thành nhiệm vụ của BĐBP” - Đại biểu Nguyễn Phước Lộc đề nghị.

Đại biểu Hà Thị Lan. Ảnh: Đức Nghĩa

Đối với quy định hợp tác quốc tế, các đại biểu đồng tình cao với quy định này và cho rằng đây là vấn đề quan trọng xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang): Thời gia qua công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại quốc phòng biên giới đạt được kết quả cao, như Giao lưu Quốc phòng biên giới, Biên cương thắm tình hữu nghị; Kết nghĩa Đồn - Trạm hữu nghị biên giới bình yên; Kết nghĩa bản - bản...

Đặc biệt, thời gian qua, các lực lượng bảo vệ biên giới hai bên đã có sự phối hợp phòng, chống hiệu quả dịch Covid - 19 trên biên giới, đây là yếu tố quan trọng tạo nên sự pháp triển trên biên giới và mở rộng hợp tác quốc tế xây dựng đường biên giới hòa bình, giải quyết kịp thời những phát sinh trên biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ. Ảnh: Đức Nghĩa

Đối với ý kiến một số đại biểu băn khoăn về quy định nhiệm vụ BĐBP nòng cốt, chuyên trách trong duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biên giới, Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nhấn mạnh: BĐBP có nhiệm vụ duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, việc giao nhiệm vụ này cho Bộ Quốc phòng và trực tiếp là BĐBP luôn là chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Từ năm 1996 trở về trước, khi Bộ Công an quản lý BĐBP thì Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ này. Từ năm 1996 khi lực lượng BĐBP giao về Bộ Quốc phòng, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 8-8-1995 của Bộ Chính trị, giao cho BĐBP thực hiện nhiệm vụ này và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật.

Khoản 2, Điều 31 của Luật Biên giới quốc gia năm 2003 đã giao BĐBP chủ trì phối hợp với các lực lượng thực thi nhiệm vụ duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biên giới; Luật Quốc phòng khoản 2, Điều 35 được ban hành trước Luật Công an năm 2018, giao Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Công an duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới. Vì vậy, quy định như dự thảo Luật vừa phù hợp với thực tiễn và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tránh được những bất cập trong công tác xây dựng, bảo vệ biên giới trong tình hình mới.

Viết Hà

Bình luận

ZALO