Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 05/06/2023 07:51 GMT+7

Luật Biên phòng Việt Nam góp phần nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong bảo vệ biên giới quốc gia

Biên phòng - Theo thông tin từ Ban Soạn thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN), đến nay, đã nhận được các ý kiến góp ý của các Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố, các Ủy ban và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Hiện, Ban Soạn thảo đang phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện Dự thảo Luật BPVN trình Quốc hội Khóa XIV thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ 10 sắp tới. Báo Biên phòng có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Thị Nguyệt, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội (CVĐXH) của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

Đồng chí Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Trần Đức

- Luật BPVN ra đời sẽ có tác động sâu sắc, toàn diện đến toàn bộ các hoạt động, đời sống xã hội. Theo đồng chí, đối với dân cư khu vực biên giới, Luật BPVN sẽ có những tác động cụ thể như thế nào?

- Đây là vấn đề mà chúng tôi rất quan tâm, Ủy ban CVĐXH của Quốc hội đã có báo cáo tham gia gửi cho cơ quan thẩm tra dự án Luật BPVN là Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội. Chúng tôi cho rằng Dự thảo Luật lần này có ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về chính sách hoạt động Biên phòng, trong đó thể hiện được chính sách xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân. Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách, vấn đề an sinh xã hội đối với các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng cũng được dự thảo Luật đề cập. Bởi vì, nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia không chỉ lực lượng vũ trang, lực lượng BĐBP, mà trong đó cả hệ thống chính trị liên quan đến việc xây dựng cơ sở vật chất, các điều kiện để hoạt động và để các lực lượng thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Trong đó, Dự thảo Luật cũng rất quan tâm đến công tác đào tạo, tuyển dụng cũng như theo các quy định của luật đối với nhân dân khu vực biên giới. Vì nơi đó, điều kiện kinh tế xã hội rất khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc miền núi và vấn đề về giới mà Ủy ban CVĐXH rất quan tâm.

- Đồng chí đánh giá như thế nào về việc Dự thảo Luật BPVN quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về Biên phòng?

- Trước đây, các phong trào hướng về biên giới do các tổ chức chính trị xã hội phát động, ví dụ như Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức các hoạt động phối hợp, kết nghĩa với các đơn vị của BĐBP ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng biển để tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về biên giới quốc gia cho phụ nữ và cho người dân ở khu vực không có biên giới. Đồng thời, làm tốt các hoạt động động viên, thăm hỏi, chia sẻ đối với những người trực tiếp tham gia bảo vệ biên giới. Dự thảo Luật BPVN quy định không phải là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân ở khu vực biên giới mà là trách nhiệm của toàn dân đối với việc thực hiện này. Tất cả cấp ủy, chính quyền địa phương không có biên giới cũng phải thực hiện nhiệm vụ biên phòng. Cụ thể, trước đây, khi tôi còn công tác ở Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 1999 đã kết nghĩa với Bộ chỉ huy BĐBP Hà Giang và Đồn Biên phòng Tùng Vài, BĐBP Hà Giang. Sau này, được nhân rộng tới tất cả các huyện của tỉnh Vĩnh Phúc đều kết nghĩa với tất cả các đồn Biên phòng của BĐBP Hà Giang.

Đối với tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ có Hội phụ nữ mà cấp ủy đảng, chính quyền và các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn của tỉnh cũng có rất nhiều hoạt động hướng về biên giới. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành về biên giới. Nếu chúng ta thực hiện Luật BPVN theo những quy định của Luật BPVN hiện nay thì rõ ràng là hoạt động về bảo vệ biên giới quốc gia và hoạt động của BĐBP sẽ tốt hơn, sẽ nâng tầm, phát huy hiệu quả lên rất nhiều.

- Thưa đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban CVĐXH của Quốc hội, đến thời điểm này, Luật BPVN có đủ điều kiện để Quốc hội thông qua trong kỳ họp sắp tới không?

- Tôi cho rằng, ngay từ khi thảo luận tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, số lượng các đại biểu đăng ký phát biểu và tham gia phát biểu về Luật BPVN rất đông, không chỉ đại biểu ở khu vực biên giới mà bao gồm cả đại biểu ở các khu vực khác đều đăng ký tham gia. Như vậy, để khẳng định rằng Dự án Luật BPVN được rất nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm.

Tôi được biết, sau đó, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra của Quốc hội đã tổ chức rất nhiều hội thảo, lấy ý kiến các đối tượng liên quan thụ hưởng, các đối tượng chịu tác động của Dự án Luật. Các Đoàn Đại biểu Quốc hội đều tổ chức các hoạt động hội thảo, lấy ý kiến của các cơ quan chức năng và nhân dân tham gia vào Dự thảo Luật lần này. Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu rất nhiều ý kiến từ kỳ họp thứ 9 đến kỳ họp lần này.

Sau phiên họp thứ 47 của UBTV Quốc hội, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về những vấn đề chung nhất liên quan đến tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật và những khái niệm và nhiều nội dung khác đã được cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, giải trình và đang ở bước chỉnh lý. Hiện nay, Ban soạn thảo Luật BPVN đang tổng hợp ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố; các Ủy ban và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

Tôi cho rằng, Dự án Luật lần này làm rất nghiêm túc, đã lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, các ban, bộ, ngành và tiếp thu, giải trình chỉnh lý rất nghiêm túc, cầu thị. Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ để gửi cho Đại biểu Quốc hội trước khi bước vào kỳ họp thứ 10 sắp tới. Không phải chủ quan, chúng tôi cho rằng với những nội dung tiếp thu như vừa qua cũng như việc chỉnh lý và lấy ý kiến và hoàn thiện hồ sơ này đến nay đã cơ bản đảm bảo được các yêu cầu đáp ứng cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV thảo luận và thông qua.

Đồng chí Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc trao đổi với phóng viên Báo Biên phòng. Ảnh: Anh Nguyên

- Đại biểu có kiến nghị đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian tới để Luật sớm đi vào cuộc sống?

- Sau khi Luật BPVN được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 tới đây, để Luật sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ sẽ ban hành các văn bản, nghị định, hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi rất quan tâm là không nên để nhiều vấn đề do các văn bản dưới luật quy định, có những quy định nên đưa trực tiếp vào luật sẽ tốt hơn. Những vấn đề Chính phủ hướng dẫn thực hiện phải đảm bảo đúng tiến độ, tránh tình trạng rất nhiều nội dung quy định của luật xong nhưng văn bản hướng dẫn thực hiện những quy định của luật lại bị chậm, bị muộn. Như vậy sẽ rất khó cho việc thực thi và cơ quan thực thi pháp luật. Và để luật này đi vào cuộc sống, những cơ quan, bộ, ngành có liên quan cũng phải có những việc hướng dẫn, triển khai thực hiện sớm và công tác tuyên truyền, phổ biến luật này cũng cần được các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội để chúng ta triển khai thực hiện một cách đồng bộ, sớm đưa luật vào cuộc sống.

Trần Đức (thực hiện)

Bình luận

ZALO