Biên phòng - Trong những năm qua, BĐBP luôn phát huy tốt vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn khu vực biên giới, kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu. Qua đó, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, được Đảng, Nhà nước và nhân dân, nhất là cấp ủy, chính quyền và nhân dân ở khu vực biên giới ghi nhận, đánh giá cao.
Chính vì vậy, tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP, đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam để khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh cũng như thể chế hóa được đầy đủ mục tiêu, quan điểm của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; đồng thời, thể hiện toàn diện, đầy đủ nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng, chính sách Nhà nước về nhiệm vụ biên phòng trong tình hình mới...
Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày Tờ trình về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Dự án luật gồm 7 chương, 33 điều, đảm bảo tính logic, hợp lý; ngay thuật ngữ “biên phòng” như tên gọi của luật cũng đã khẳng định rõ “biên phòng là tổng thể các biện pháp để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới”.
Trong Dự án Luật Biên phòng Việt Nam đã quy định cụ thể về nhiệm vụ biên phòng, nguyên tắc và trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực thi nhiệm vụ biên phòng, đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ. Đồng thời, Dự án luật cũng luật hóa được các hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới; các nội dung cụ thể để xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân. Bên cạnh đó, Dự án luật cũng nội hóa các điều ước quốc tế về biên phòng trên các lĩnh vực phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm tăng cường đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, xây dựng biên giới, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Trong đó, Điều 5, Điều 7 của Dự án luật quy định và xác định rõ lực lượng chuyên trách, lực lượng nòng cốt, lực lượng tham gia thực thi nhiệm vụ biên phòng theo hướng khái quát, cụ thể hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW. Trong đó, quy định nhiệm vụ biên phòng là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan, lực lượng chức năng và sự tham gia của nhân dân ở khu vực biên giới, nhất là chính quyền và nhân dân biên giới.
Với việc xác định nhân dân là chủ thể tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia theo quy định của Hiến pháp 2013 về quyền và nghĩa vụ của công dân, Dự án luật đã thể chế hóa được mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, phương châm chỉ đạo của Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, đó là “... Xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể...”.
Đồng thời, Dự án luật cũng quy định cụ thể nhiệm vụ biên phòng và trách nhiệm thực thi nhiệm vụ biên phòng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan ở khu vực biên giới, cửa khẩu trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng. Trong đó, BĐBP là lực lượng chuyên trách cũng được thể chế từ Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia: “BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới”; và thể chế hóa từ Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8-8-1995 của Bộ Chính trị về xây dựng BĐBP trong tình hình mới và Khoản 2, Luật Biên giới quốc gia: “BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách phối hợp với Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật”.
Các quy định này của Dự án luật đã cụ thể hơn so với các quy định của Luật Biên giới quốc gia (các Điều 31, 35, 36, 37). Bởi Khoản 1 của Điều 31, Luật Biên giới quốc gia chỉ quy định khái quát về “Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ của Nhà nước và của toàn dân, trước hết là của chính quyền, nhân dân khu vực biên giới và các lực lượng vũ trang nhân dân”, chưa quy định cụ thể nội dung xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới và khu vực biên giới. Còn Điều 35, 36, 37 của Luật Biên giới quốc gia cũng chỉ quy định về nội dung quản lý Nhà nước về biên giới quốc gia và quy định trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp có biên giới trong thực hiện quản lý biên giới. Đồng thời, việc quy định lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng như Dự án luật đã đảm bảo nguyên tắc của Nghị quyết 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”.
Về kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, trong Dự án luật quy định BĐBP có quyền “Kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định pháp luật” là hoàn toàn phù hợp, xuất phát từ cơ sở pháp lý được quy định trong các nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp luật hiện hành như Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8-8-1995 của Bộ Chính trị; Điều 49, Luật Xuất nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014; Điều 6, Pháp lệnh BĐBP...
Và trên thực tế, hiện nay, BĐBP đang trực tiếp kiểm soát xuất nhập cảnh đối với người, phương tiện tại 117 cửa khẩu, cảng biển. Trong thời gian gần đây, việc lợi dụng cơ chế kiểm soát hàng hóa thông thoáng ở cửa khẩu để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại ở cửa khẩu diễn biến phức tạp, BĐBP đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc sử dụng phương tiện vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Do vậy, việc kiểm tra hàng hóa do Hải quan chủ trì và BĐBP kiểm tra phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu như Dự án luật quy định là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và địa bàn hoạt động của Hải quan.
Có thể khẳng định, việc sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết như Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã trình bày trước Quốc hội: “Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đang đặt ra sự cần thiết phải có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết; đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới”.
Hoa Hạ