Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:13 GMT+7

Lựa chọn bảo hiểm thất nghiệp để an tâm giữa dịch bệnh, thiên tai

Biên phòng - Thế giới hiện nay đang phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm không thể lường trước được như dịch bệnh, thiên tai, bão lụt, hỏa hoạn và người lao động có thể mất việc bất kể lúc nào… Trong bối cảnh đó, bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành cứu cánh cho người lao động khi bị mất việc làm. Bảo hiểm thất nghiệp giúp người lao động sớm ổn định cuộc sống, là bàn đạp để có thể quay lại thị trường lao động.

Người lao động đến làm thủ tục Bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Báo Tin tức

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 và chính thức triển khai từ ngày 1-1-2009 với mục tiêu hỗ trợ người lao động bị mất việc một phần thu nhập, hỗ trợ học nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm, giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động.

Trên thực tế, trong lần bùng phát dịch Covid-19 tại nước ta thời gian qua, rất nhiều người lao động đã mất việc làm khi thực hiện giãn cách xã hội, nhiều cơ sở kinh doanh bị đóng cửa. Chính hoàn cảnh này, bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy được tác dụng, nhất là đối với các đối tượng lao động chân tay, nghề dịch vụ...

Cụ thể, anh Hoàng Duy Thái, quê Hà Tĩnh ra Hà Nội làm bảo vệ cho cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Trong lần bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, cơ sở kinh doanh nơi anh Thái làm việc cũng đóng cửa để đảm bảo an toàn phòng dịch. Trong lúc Chính phủ kêu gọi việc hạn chế đi lại, anh Thái cũng đành ở lại Hà Nội “chơi dài” tại nhà trọ của mình.

Sau khi hết thời gian giãn cách xã hội, cơ sở kinh doanh nơi anh Thái làm việc thua lỗ dẫn tới đóng cửa, khi không được kinh doanh mà chi phí thuê mặt bằng khá lớn. Đấy cũng là tình trạng chung của nhiều cơ sở kinh doanh khác, nên nhu cầu việc làm trở nên ít hơn. Anh Thái một mặt vẫn phải duy trì cuộc sống, trả tiền thuê trọ, mặt khác chưa xin được việc làm mới.

“Mấy tháng ròng như thế, tôi đã phải tự xoay xở rất chật vật, cũng may được hưởng lợi từ bảo hiểm thất nghiệp, nên cuộc sống cũng bớt phần nào khó khăn. Đồng thời, tôi cũng được tạo điều kiện để nhanh chóng tìm được một công việc mới phù hợp”.- anh Thái chia sẻ.

Những chính sách từ bảo hiểm thất nghiệp mang lại rất nhiều lợi ích cho người lao động. Chính vì vậy, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã tăng lên đáng kể. Năm 2009 có gần 6 triệu người tham gia, tới năm 2019, đã có hơn 13 triệu người tham gia. Tổng số người được chi trả trợ cấp thất nghiệp hàng tháng gần 5,7 triệu người với số tiền chi trả trên 52.000 tỷ đồng. Tổng số người hưởng hỗ trợ học nghề trên 200.000 người với số tiền hỗ trợ 408 tỷ đồng. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cũng chi trả tiền đóng Bảo hiểm y tế cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp với gần 2.400 tỷ đồng.

Cũng như trường hợp anh Thái, chị Đào Thị Duyên, làm nghề hướng dẫn viên du lịch tại thành phố Đà Nẵng, cũng là một trong nhiều lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ mất việc làm sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Cũng nhờ tham gia bảo hiểm thất nghiệp mà giờ đây chị đã tìm được một công việc mới phù hợp. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp không chỉ chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp cho người lao động khi mất việc làm mà còn hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kĩ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động như chị Duyên.

Trong một thế giới đầy biến động như hiện nay, bảo hiểm thất nghiệp thật sự đã trở thành “cứu cánh” cho hàng triệu người lao động. Bảo hiểm thất nghiệ vừa giúp người lao động có nguồn tài chính để vượt qua giai đoạn khó khăn, lại vừa giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động. Mặt khác, bảo hiểm thất nghiệp cũng giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự, thủ tục để tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này.

Tuấn Khang

Bình luận

ZALO