Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 04/10/2023 06:09 GMT+7

Lớp học trên ngọn sóng

Biên phòng - Nằm cách cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau 17 hải lý về phía Tây, đảo Hòn Chuối có diện tích khoảng 140ha. Trên đảo có 41 hộ/144 nhân khẩu, trong đó, có 12 hộ người dân tộc Khmer. Người dân trên đảo chủ yếu sống bằng nghề thả lưới, giăng câu, cuộc sống quá khó khăn nên không có điều kiện chăm lo việc học hành cho con cái. Vì thế, nhiều năm nay, việc học hành của con em họ được cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Hòn Chuối đảm nhận.

6wpq_4a-1.jpg
Thầy Phục tặng cặp, vở mới cho học sinh. Ảnh: Lê Khoa

Thượng úy Trần Bình Phục, cán bộ đồn Biên phòng được cử làm thầy giáo cho biết: Hiện tại, lớp học có 19 em, trong đó có 1 em lớp 5 và 1 em lớp 6, còn lại là từ lớp 1 đến lớp 4. Qua tâm sự của anh, có thể thấy, để đáp ứng được chương trình cấp tiểu học đã là một quá trình vất vả, vậy mà anh còn được giao kiêm luôn 1 em lớp 6. Nhiều bài toán theo chương trình mới, thầy giải kết quả đúng nhưng về phương pháp thì sai, phải điện thoại "cầu cứu" từ các thầy cô giáo trong đất liền.

Gọi là "lớp học” nhưng thực ra chỉ là một căn phòng dựng tạm, diện tích gần 50m2, bàn ghế do cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Hòn Chuối tận dụng gỗ cũ đóng lại. Rất may, từ tháng 5-2014, trường Tiểu học Sông Đốc đã gửi tặng lớp học 10 bộ bàn ghế mới thay thế.

Nhớ lại những ngày đầu đi vận động học sinh đến lớp, Thượng úy, thầy giáo Trần Bình Phục kể: "Trước đây, cư dân trên đảo nghèo lắm, giờ thì đã đỡ hơn nhiều. Xa đất liền nên nhận thức của một số bà con có phần hạn chế. Nhiều phụ huynh cho con đi học là "tiếc" mất một công lao động của gia đình, thế nên, để bà con thay đổi nhận thức thì quả là điều không dễ. Anh em trong đơn vị họp bàn với nhau và đi đến thống nhất, không còn cách nào khác phải chia nhau ra, mỗi người phụ trách vài nhà, trực tiếp đến từng nhà để làm công tác tư tưởng, vận động bà con tạo điều kiện cho con tới lớp.

Kể từ đó, những hôm mưa gió, chúng tôi thay phiên nhau xuống tận nhà đón các em đến lớp, dạy xong lại đưa về. Những ngày nghỉ, anh em tranh thủ đến từng nhà thăm hỏi, động viên, giúp đỡ công việc cho các gia đình và hướng dẫn các em học tập...".

Trong câu chuyện với chúng tôi, thầy Phục tâm sự, trưởng thành từ lớp học tình thương, hiện nay đã có 3 học sinh từ các "thế hệ đầu" sau khi được xóa mù chữ ở đảo, vào bờ học tiếp đã tốt nghiệp đại học và hiện tại cũng có 1 em đang theo học trường Đại học Bình Dương, chi nhánh Cà Mau. Nhưng đó là những trường hợp đặc biệt vì những gia đình này có điều kiện và họ có người thân trong đất liền, còn lại, nhiều thế hệ học sinh ở đây đều chỉ học để biết đọc, biết viết.

Ông Lê Tứ Phương, Tổ trưởng tổ tự quản trên đảo Hòn Chuối cho biết: Ở đảo, cư dân thiếu thốn đủ bề, đặc biệt là nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Mấy năm gần đây, điều kiện tàu thuyền ra vào đảo thường xuyên nên cuộc sống của cư dân được cải thiện hơn. Trên đảo có đồn Biên phòng, có trạm ra-đa, có trạm Hải quân nên bà con có công việc gì đều nhờ cậy anh em bộ đội. Ốm đau bệnh tật, thiếu ký gạo, lít nước... đều chạy lên các đơn vị nhờ giúp đỡ. Việc học hành của con em trên đảo giao hết cho các chú BĐBP.

Cũng nhờ có những người lính quân hàm xanh mà con em chúng tôi biết chữ, biết lễ nghĩa, biết lịch sử quê hương, đất nước. Gia đình tôi hiện có 4 cháu đang học tại lớp học tình thương của các chú Biên phòng. Biết là thiệt thòi nhiều so với đất liền, nhưng chúng tôi luôn an tâm bám trụ trên đảo này để làm ăn, phát triển kinh tế và sát cánh cùng các lực lượng bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.

Trong năm học 2015 - 2016, các đồn Biên phòng trong tỉnh Cà Mau đã nhận đỡ đầu hỗ trợ tiền, sách vở cho 27 em học sinh nghèo trên địa bàn, mỗi em hằng tháng nhận từ 250 ngàn đồng - 500 ngàn đồng. Đồng thời, các đơn vị phối hợp vận động hàng trăm em bỏ học trở lại trường và tham gia hàng trăm ngày công lao động sửa chữa trường lớp cho các em học sinh.
Tuy nhiên, có một điều khiến cho những người tâm huyết như Thượng úy Trần Bình Phục luôn trăn trở, đó là sự nghiệp trồng người của các anh tuy đã được các cấp, ngành, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đánh giá cao, nhân dân trên đảo đồng tình ủng hộ, song cũng chỉ mới dừng lại ở mức độ xóa mù chữ, hoặc đạt cấp tiểu học. Nhiều em muốn học để phát triển lên bậc cao hơn và mơ ước vào đại học đang là điều rất khó khăn đối với đảo xa này.
Lê Khoa

Bình luận

ZALO