Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 07:42 GMT+7

Lớp học tình thương của người thầy giáo Biên phòng

Biên phòng - Chúng tôi gặp Thượng úy Dương Văn Chung, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng của Đồn BP Đắk Ơ, BĐBP Bình Phước, trong một lớp học xóa mù chữ cho bà con đồng bào dân tộc Stiêng, xã Đắc Ơ. Nhìn dáng người săn chắc, nước da ngăm đen và tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát của anh, ai ngờ rằng, đây là người "Thầy giáo quân hàm xanh" nổi tiếng khắp vùng núi rừng biên giới huyện Bù Gia Mập.

5yvu_9a
Thầy giáo Dương Văn Chung luyện bài cho các học viên. Ảnh: Đức Hiệp

Vào buổi tối một ngày đầu tháng 5, chúng tôi được cán bộ Biên phòng đưa đến thăm lớp học xóa mù chữ ban đêm tại chốt của Đồn BP Đắk Ơ. Men theo những khúc đường quanh co, vượt qua những quả đồi heo hút của núi rừng Bù Gia Mập, chúng tôi đến với lớp học xóa mù chữ cho bà con dân tộc Stiêng nơi đây. Khi chúng tôi đến nơi cũng là lúc tiếng kẻng báo hiệu giờ học bắt đầu. Đúng 19 giờ 30 phút, các học viên ổn định chỗ ngồi, thầy giáo mang quân hàm xanh - Thượng úy Dương Văn Chung cũng bắt đầu công việc của mình, ân cần chỉ bảo cho các học viên đánh vần tiếng Việt. Tiếng đánh vần, tiếng đọc đồng thanh đã xua đi cái tĩnh lặng vốn có của núi rừng Bù Gia Mập.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lớp học xóa mù chữ của đồng bào dân tộc Stiêng do Đồn BP Đắk Ơ phối hợp với chính quyền xã Đắk Ơ, được mở dạy vào cuối năm 2014. Hiện tại, lớp có hơn 50 học sinh theo học. Những người tham gia học có nhiều thành phần từ trẻ em, phụ nữ, đàn ông, đều là người dân tộc Stiêng. Trong đó, học sinh ít tuổi nhất là 14 tuổi, cao tuổi nhất là 62 tuổi. Được biết, đây là những người dân quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", việc cầm cây bút viết những chữ cái đầu tiên khó khăn hơn nhiều so với việc làm trên nương rẫy.

Trong giờ nghỉ giải lao, chúng tôi ngồi nói chuyện với học viên Điểu Gion (62 tuổi), ở thôn 2, Bù Khơn, ông tâm sự: "Trong gia đình tôi, chỉ có mỗi tôi là không biết chữ, nhiều khi đi chơi không muốn nói chuyện với mọi người, hay đi mua đồ trả tiền thường bị nhầm. Từ ngày có lớp xóa mù chữ, tôi đã quyết tâm theo học. Tôi bảo với vợ con, buổi tối tôi đi học chữ, để còn biết đọc, biết viết, biết con số. Đến nay, sau gần 5 tháng theo học, giờ tôi đã biết đọc, biết viết, làm phép toán đơn giản. Cảm ơn thầy Chung đã mang con chữ đến với bà con chúng tôi".

Ngồi cạnh bên ông Gion là chị Điểu Luyến, thôn 4, Bù Khơn, chia sẻ: "Ban đầu tôi cũng ngại đi học lắm, gần 50 tuổi đầu rồi mà đi học với mấy thằng Thiên, Long, con Thảo ở tuổi con, tuổi cháu với mình. Nhưng được sự động viên của thầy giáo Chung, tôi thấy học cái chữ là rất cần thiết, giúp mình biết tính tiền, biết đọc sách, nên tôi đã quyết tâm đi học".

Những năm qua, bên cạnh việc đưa con chữ đến với bà con nơi đây, thầy giáo Chung còn đảm nhận nhiệm vụ Đội trưởng Đội Vận động quần chúng của Đồn BP Đắk Ơ, thường xuyên bám địa bàn, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào dân tộc Stiêng. Thượng úy Chung còn thường xuyên cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Đắk Ơ, đến từng gia đình để tuyên truyền cho bà con những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đường lối ngoại giao nhân dân, để người dân nơi đây hiểu được vai trò, trách nhiệm công dân cũng như nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Trung tá Phạm Văn Đảng, Chính trị viên Đồn BP Đắk Ơ cho biết: "Đắk Ơ thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí thấp, trong xã vẫn còn 200 người mù chữ, mức hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân hạn chế, giáo dục còn nhiều khó khăn, tục tập lạc hậu vẫn còn nên việc vận động đồng bào dân tộc đi học là một điều rất vất vả. Thời gian qua, thầy giáo Chung đã và đang góp sức, đồng hành cùng nhân dân xã Đắk Ơ đẩy lùi mù chữ, nghèo nàn lạc hậu".

Người làm công tác dạy chữ cho đồng bào dân tộc phải thực sự tâm huyết với công việc, biết nói tiếng đồng bào, hiểu phong tục tập quán của bà con các dân tộc thiểu số, đồng cảm chia sẻ cùng người học. Thầy giáo Chung không chỉ tâm huyết, hiểu phong tục tập quán, mà còn luôn nỗ lực giúp đồng bào dân tộc nơi núi rừng Bù Gia Mập thêm tri thức để từng bước xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đức Hiệp

Bình luận

ZALO