Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:02 GMT+7

Lớp học đong đầy yêu thương

Biên phòng - Đối với nhiều người dân là lao động nhập cư về làm ăn, sinh sống trên địa bàn quận 7, thành phố (TP) Hồ Chí Minh, lớp học tình thương thuộc phường Phú Mỹ chính là nơi chắp cánh ước mơ đến trường cho con em họ. Những năm qua, bằng tình thương, trách nhiệm của thầy, cô giáo phụ trách, mà nhiều trẻ em không có điều kiện học tập tại các trường chính quy đã biết đến con chữ, phép tính.

59yj_4a
Các giáo viên phụ trách lớp học luôn tận tình hướng dẫn các em học tập. Ảnh: Hồ Phúc

“Ngôi trường” của trẻ em nghèo

Những ngày đầu tiên của năm học mới 2019, tôi có mặt tại lớp học tình thương thuộc phường Phú Mỹ, quận 7, TP Hồ Chí Minh. Trong căn phòng rộng chừng 15 mét vuông nằm sâu trong con hẻm thuộc đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Mỹ, quận 7 rất đông các em nhỏ đang miệt mài ghi chép. Trên bục giảng, Thiếu tá Vũ Trường Tính, cán bộ Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Mỹ, Biên phòng cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh, BĐBP TP Hồ Chí Minh - một trong những giáo viên phụ trách lớp học đang ghi từng phép tính trên tấm bảng xanh. Sau đó, lại đến tận chỗ từng em để hướng dẫn cách tính. Chứng kiến hình ảnh đó mới thấy tình cảm của người thầy giáo dành cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt này. 

Mãi đến giờ giải lao, tôi mới được trò chuyện với Thiếu tá Tính. Anh cho biết: “Từ giữa tháng 8 năm nay, chúng tôi đã tổ chức cho các em đến lớp, phần để ổn định tình hình, bố trí lớp học, phần để tìm kiếm sự hỗ trợ tập sách, quần áo cho các em. Đặc biệt, thời gian qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo BĐBP TP Hồ Chí Minh, chính quyền địa phương, sự đóng góp của các mạnh thường quân mà lớp học đã được sửa chữa khang trang hơn. Trong lớp học, bàn ghế, đồ dùng dạy học đầy đủ, các em cũng có quần áo mới đến trường. Các em ngày càng chăm ngoan và nắm bắt bài giảng rất tốt. Các bài tính toán viết trên bảng gồm phép tính cộng, trừ, nhân, chia, các em đều viết câu trả lời chính xác”.

Được biết, trên địa bàn phường Phú Mỹ, có rất đông người dân là lao động nhập cư về làm ăn sinh sống. Đa phần họ là công nhân, bán vé số, làm thuê hay buôn bán nhỏ lẻ. Do không có hộ khẩu hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhiều con em họ mặc dù đã quá độ tuổi đến trường nhưng vẫn không biết đến con chữ, phép tính. Hằng ngày, các em phụ cha mẹ bán hàng, hay đi bán vé số, lượm ve chai... Xuất phát từ thực tế đó nên lớp học tình thương đã được thành lập. Suốt hơn 20 năm qua, lớp học được cô giáo Ngô Thị Mạnh Hòa và con trai Phan Trung Hải cùng những người lính Biên phòng duy trì đều đặn vào các buổi chiều tối thứ 2, 4, 6. 

Vượt khó tìm đến con chữ

Cô giáo Ngô Thị Mạnh Hòa, giáo viên gắn bó với lớp học tình thương nhiều năm qua chia sẻ: “Những năm trước, mỗi khi bước vào năm học mới, lớp học gặp phải rất nhiều khó khăn, một phần vì thiếu bàn, ghế, sách, vở để các em học tập, phần nữa là việc vận động các em đến lớp. Bởi một số phụ huynh không chịu, họ sợ con em học rồi không còn thời gian phụ giúp việc nhà. Tuy nhiên, thấy được lợi ích và ý nghĩa của lớp học, con em họ chăm ngoan, siêng năng và nghe lời hơn, thế nên nhiều gia đình đã đồng ý cho các em theo học. Từ vài em theo học ban đầu, đến nay, nhiều bậc cha mẹ đã tự nguyện đưa con mình đến học tập. Hiện tại, có 20 em học sinh tuổi đời từ 6 đến 21 theo học các lớp từ 1 đến 5. Nhiều em lúc đầu đến theo học ở đây rất bướng bỉnh, nhưng giờ đã chăm ngoan hơn rất nhiều!”.

Trong lớp học tình thương có em Trương Thị Quỳnh Như, sinh năm 1998, lớn tuổi nhất, đây là trường hợp có hoàn cảnh khá đặc biệt. Bản thân Như vì bệnh tật nên không thể theo học ở các trường chính quy mà phải xin học ở lớp học này. Đến nay, sau gần 4 năm theo học, Như đã đọc được chữ. Tâm sự với tôi về trường hợp của con gái mình, anh Trương Văn Liên (bố của Quỳnh Như) xúc động nói: “Cháu nó bệnh tật như thế nên nếu theo học chính quy, không tiếp thu như các bạn khác được. Vì thế, tôi đã xin cho cháu vào lớp học tình thương. Những năm qua, được sự chỉ bảo tận tình của thầy Tính, thầy Hải và cô Hòa mà cháu đã biết đọc, biết viết. Cảm ơn các thầy, cô nhiều lắm!”. 

Từ ý nghĩa thiết thực của lớp học tình thương, thời gian qua, BĐBP TP Hồ Chí Minh và các mạnh thường quân thường xuyên tổ chức đến thăm, tặng quà, hỗ trợ sách, vở, quần, áo cho các em đang theo học tại đây, nhất là những dịp đầu năm học mới và Tết Thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán... Thiếu tá Vũ Trường Tính chia sẻ: “Chúng tôi đang kiến nghị với chính quyền địa phương và Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 7 tiếp tục quan tâm các em, giúp các em được học lên trung học cơ sở và trung học phổ thông để các em có thể nối tiếp được việc học của mình. Chỉ mong các em chăm chỉ học tập để tiến xa hơn trên con đường học vấn, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội”.

Trong sự tất bật của cuộc sống đô thị, với nhiều nỗi lo trong cuộc sống,  nhưng các thầy, cô giáo của lớp học tình thương thuộc phường Phú Mỹ vẫn miệt mài dạy dỗ, giúp những trẻ em nghèo không chỉ biết đọc, biết viết, mà còn có thêm những hiểu biết, cách ứng xử có văn hóa với gia đình và xã hội. Mong rằng, những năm tháng ngắn ngủi được đến trường học chữ, được dạy điều hay, lẽ phải từ những người thầy, người cô sẽ hướng các em đến những điều tốt đẹp hơn...

Hồ Phúc

Bình luận

ZALO