Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:11 GMT+7

Lớp học đặc biệt bên dòng sông biên giới

Biên phòng - Một lớp học thật đặc biệt khi thầy giáo là cán bộ đồn Biên phòng, học viên là những phụ nữ đã lớn tuổi người Vân Kiều, Pa Cô mới được nhập quốc tịch Việt Nam. Trong mỗi tiết học, các thầy giáo quân hàm xanh không chỉ đơn thuần “dạy nét chữ dáng ngay và dạy trang sách với bao điều hay” mà còn có những câu vận động đồng bào làm ăn phát triển kinh tế, tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia...

Thượng úy Hồ Văn Hữu uốn nắn từng nét chữ cho học viên đặc biệt. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Những thầy giáo quân hàm xanh

Trong câu chuyện của Trung tá Trần Đức Tứ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng, BĐBP Quảng Trị, chúng tôi đặc biệt ấn tượng về lớp học xóa mù cho phụ nữ trên địa bàn. Năm 2018, xã A Dơi (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) có 244 khẩu người Lào sinh sống lâu năm ở thôn A Dơi Đớ được nhập quốc tịch Việt Nam. Trong thực tế, những người này chỉ biết nói tiếng Việt nhưng không biết chữ. Bởi vậy, cuối tháng 10 vừa qua, Đồn Biên phòng Ba Tầng đã phối hợp với với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã A Dơi tổ chức khai giảng lớp xóa mù chữ cho 70 phụ nữ đã quá tuổi đi học, trong đó, phần lớn là công dân mới được nhập tịch.

Thượng úy Hồ Văn Hữu (Đội trưởng Đội Vận động quần chúng) được giao phụ trách lớp học tại thôn A Dơi Đớ, Thiếu tá Hồ Văn Hai (Đội trưởng Đội Kiểm soát hành chính) làm thầy giáo đứng lớp ở thôn Prin Thành. Ngay từ lúc Đồn Biên phòng Ba Tầng và Hội Liên hiệp phụ nữ xã A Dơi lên kế hoạch mở lớp học xóa mù chữ, Thiếu tá Hồ Văn Hai và Thượng úy Hồ Văn Hữu đã lặn lội xuống các bản vận động bà con đi học rồi không ngại ngần nhận phụ trách lớp vì “đó là nhiệm vụ nhưng cũng là giúp đỡ bà con Vân Kiều mình”.

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, 2 thầy giáo quân hàm xanh này thực sự là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học và vượt lên số phận. Tốt nghiệp lớp 12, chàng thanh niên Hồ Văn Hữu thi đỗ vào Đại học Kinh tế Đà Nẵng và Học viện Hành chính Quốc gia. Người anh trai đầu của Hồ Văn Hữu trước đó tốt nghiệp Học viện Hậu cần, công tác tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 đã “nhận trách nhiệm” nuôi em ăn học. Tuy nhiên, khi đang học năm thứ 2 thì anh trai mất nên Hồ Văn Hữu phải thôi học. Để có thể tiếp tục con đường học vấn mà không phải lo lắng chuyện tiền nong, Hồ Văn Hữu đã quyết định thi vào Học viện Biên phòng. Kết quả, anh thừa 3,5 điểm để trúng tuyển.

Còn Thiếu tá Hồ Văn Hai sinh ra trong một gia đình nghèo tại thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông. Khi nhập ngũ, anh mới học hết lớp 6. Anh được đơn vị tạo điều kiện cho theo học lớp học bồi dưỡng kiến thức văn hóa do Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị tổ chức tại thị trấn Khe Sanh. Cứ thế, đến năm 2001 thì anh tốt nghiệp lớp 12 và tiếp tục theo học khóa Dự bị đại học tại Trường sĩ quan Lục quân 1 cho đến lúc có thông báo nhập học vào Học viện Biên phòng.

Lớp học của những điều đặc biệt

Thông thường vào lúc 19 giờ, lớp học sẽ được bắt đầu, thế nhưng Thượng úy Hồ Văn Hữu và Thiếu tá Hồ Văn Hai thường đến sớm để làm công tác chuẩn bị. Để phòng, chống dịch Covid-19, trước khi vào lớp, học viên phải sát khuẩn tay và đeo khẩu trang. Mặc dù đã được “giới thiệu” trước nhưng lớp học của các thầy giáo Biên phòng vẫn mang lại cho chúng tôi nhiều bất ngờ.

Chị Hồ Thị Hươi đến lớp cùng con gái Hồ Thị Liên và chị gái là Hồ Thị Vươi. Chị Hươi và chị Vươi sinh ra trên đất Lào nhưng cách đây khoảng chục năm thì về thôn A Dơi Đớ của Việt Nam sinh sống cùng họ hàng. Năm 2018, Chị Hươi cùng chị gái và con gái được nhập quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, mọi người chỉ nói được mà không biết chữ. Đợt bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, vì không biết chữ nên chị Hươi gặp không ít khó khăn trong việc tìm hiểu tiểu sử người ứng cử, phải nhờ người khác đọc giúp. Chị Hươi cùng chị gái và con gái của mình quyết tâm đi học để từ nay không phải “điểm chỉ” và muốn “là một người Việt thực thụ”.

Thiếu tá Hồ Văn Hai hướng dẫn các học viên sát khuẩn tay trước khi vào lớp. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Người phụ nữ ngồi ở gần cửa lớp với đứa con nhỏ chừng 1 tuổi đã khiến chúng tôi chú ý. Đó là chị Hồ Thị Căn Vật ở thôn Xa Doan, xã A Dơi. Chị Vật bảo, việc nhà cửa, nương rẫy, con cái cũng đủ mệt nhưng chị vẫn quyết tâm đến lớp. Biết chuyện của chị Vật mà nhiều người còn “lưỡng lự” đến lớp đã thấy mình phải suy nghĩ lại. Đối với việc sắp xếp lịch học, các thầy giáo Biên phòng còn phải “chạy” theo học viên.

Ban đầu, lớp học được tổ chức vào thứ 6, 7 và Chủ nhật nhưng ngẫm lại, thứ 2, 3, 4, 5 là quãng thời gian nghỉ khá lâu nên các thầy quyết định học xen kẽ hoặc thứ 3, 5, 7 tuần này, tới tuần sau học 2, 4, 6. Học viên cũng “không phụ” thầy giáo bằng cách cố gắng thu xếp công việc đến lớp đông đủ. Khi Thượng úy Hồ Văn Hữu thông báo phải ghép 2 lớp thành 1, mọi người không ngại đêm tối, trời mưa đi thêm mấy cây số sang thôn Prin Thành để lớp học diễn ra đúng tiến độ.

Thêm một điều đặc biệt nữa là lớp học của các thầy giáo quân hàm xanh không chỉ đơn thuần dạy chữ và các phép tính cơ bản. Vào giờ giải lao, thầy giáo Hữu thường kể về những gương làm ăn kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo. Thầy Hai biết người Vân Kiều ở A Dơi này có mối quan hệ thân tộc lâu đời với bà con người Lào tại các bản phía đối diện. Biên giới rất gần nên còn có bà con bỏ qua các thủ tục khi xuất cảnh.

Bởi thế mà những lần lên lớp, thầy Hai không quên kể những câu chuyện bên lề để tuyên truyền pháp luật về biên giới. Thầy Hữu và thầy Hai cũng bảo rằng, việc anh em qua lại thăm nhau là điều rất quý nhưng dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, việc qua lại thăm thân phải tạm dừng để phòng, chống dịch. Nghe xong, ai cũng gật gù, các thầy giáo Biên phòng nói rất đúng.

Trời mưa rả rích cả tuần nay, gió từ sông Sê Pôn thổi dàn dạt càng làm cái lạnh đầu Đông thêm giá buốt. Thế nhưng, lớp học của các thầy giáo quân hàm xanh vẫn sáng đèn và các học viên đến rất đông đủ. Cả thầy và trò đều cố gắng để hướng tới những điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lai.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO