Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:51 GMT+7

Lóng Sập và hành trình đi tìm sự bình yên

Biên phòng - Nằm nép mình bên dãy núi Pha Luông huyền ảo quanh năm mây mù bao phủ, thế nhưng, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La lại không có được sự bình yên, kể từ khi bọn tội phạm “chọn” nơi đây làm điểm tập kết ma túy lý tưởng từ Lào đưa về Việt Nam.

5b0bb7b97a76df6343000a29
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP trao Bằng khen của Bộ Tư lệnh BĐBP cho Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập và 2 cá nhân về thành tích xuất sắc trong thực hiện Chuyên án 189L, thu giữ tang vật 1 bánh heroin và 1.400 viên ma túy tổng hợp. Ảnh: Hương Mai

Sở dĩ, Lóng Sập được các “ông trùm” để mắt đến chính là “nhờ” vào địa hình lý tưởng nằm bên dãy Pha Luông (tiếng Thái nghĩa là vách núi lớn) và nằm ở giữa “cung đường” vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam đi các tỉnh phía Bắc và sang nước thứ 3.

Từ Tam giác vàng, các đối tượng người Lào vận chuyển ma túy theo nhiều hướng qua các tỉnh trong nước Lào: Bò Kẹo, U Đôm Xay, Phông Xa Lỳ, Xiêng Khoảng, tập kết tại thị xã Sầm Nưa, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, sau đó móc nối, vận chuyển qua khu vực biên giới huyện Vân Hồ, Mộc Châu (Sơn La) theo 2 hướng. Hướng thứ nhất, từ Lào qua khu vực mốc 268 lên đỉnh Pha Luông. Tại đây, chúng liên lạc với các đối tượng ở nội địa hoặc ở bản Kho Hồng và một số bản lân cận để thống nhất địa điểm giao nhận ma túy. Đội quân vận chuyển sẽ cắt rừng dọc sườn Đông Bắc dãy Pha Luông xuống lưng núi phía sau bản Kho Hồng, xã Chiềng Xuân để đến địa điểm đã thống nhất để giao nhận ma túy.

Hướng thứ hai, từ Lào qua khu vực mốc 269 lên đỉnh Pha Luông. Tại đây, chúng liên lạc với các đối tượng ở nội địa hoặc ở bản Cột Mốc, A Lang, Láy, Bún để dẫn đường, thống nhất địa điểm giao nhận ma túy, sau đó cắt rừng dọc sườn Tây dãy Pha Luông xuống các bản nói trên và khu vực Xa Thấu (bản Chiềng Nưa, xã Xuân Nha) đến địa điểm đã thống nhất để giao nhận ma túy. Đối tượng vận chuyển ma túy thường đi thành từng tốp khoảng 6-10 người mang theo vũ khí nóng vượt biên sang Việt Nam tầm khoảng 4-5 giờ chiều qua một trong 2 hướng trên và đến sáng thì chúng đến điểm tập kết bên Việt Nam, thuộc địa bàn quản lý của các Đồn Biên phòng Tân Xuân, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập.

Để ngăn chặn ma túy thẩm lậu về Việt Nam qua hai huyện biên giới Vân Hồ và Mộc Châu, nhiều năm qua, BĐBP đã tổ chức các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh ngăn chặn, triệt phá được nhiều đường dây vận chuyển ma túy có vũ trang như: Chuyên án 470 do Cục Phòng chống ma túy và tội phạm phối hợp với  BĐBP Sơn La bắt 2 đối tượng là Vàng A Pó và Vàng A Di (ngày 3-11-2009), trú tại khu Huổi Hiềng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, Lào, vận chuyển 50 bánh heroin, 400 viên ma túy tổng hợp, 2 khẩu súng quân dụng từ Viêng Xay qua Sốp Bâu vào Việt Nam.

Gần đây nhất, chỉ trong tháng 4-2018, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP đã phối hợp cùng với lực lượng của BĐBP Sơn La và Cục Phòng chống ma túy, Bộ An ninh Lào; Công an tỉnh Hủa Phăn (Lào) phá thành công Chuyên án 087Av (bắt đối tượng Thoong Sỉ Giàng, thu 120.000 viên ma túy tổng hợp, 40kg ma túy đá, 2 bánh heroin) và Chuyên án 088Av (bắt 2 đối tượng Khăm Pheng và Phôn Sắc, thu 33 bánh heroin và 1 ô tô).

Đặc biệt, kể từ khi Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai Kế hoạch số 892/KH-BTL về “Đấu tranh ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua khu vực biên giới huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La”, hoạt động tội phạm ma túy có vẻ lắng xuống, vì cùng với lực lượng đấu tranh tại chỗ, còn có sự phối hợp hiệu quả của BĐBP Thanh Hóa, Điện Biên. Kết quả, trong tháng 4-2018,  BĐBP Sơn La đã bắt được 6 vụ, 6 đối tượng, thu 5,5kg thuốc phiện, 198 viên ma túy tổng hợp, 2,9g heroin, 2 xe máy, 4 điện thoại di động; BĐBP Thanh Hóa bắt được 1 vụ, thu 1.197 viên ma túy tổng hợp; BĐBP Điện Biên bắt 2 vụ với 3 đối tượng, thu 450g heroin, 6.000 viên ma túy tổng hợp, 2 súng quân dụng...

Đại tá  Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP cho biết: Nguyên nhân ma túy “thẩm lậu” nhiều về Việt Nam qua địa bàn huyện Mộc Châu, Vân Hồ là do đây là tuyến đường ngắn và thuận lợi nhất để các đối tượng vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam. Hơn nữa, cư dân sinh sống ở khu vực biên giới phần lớn là người dân tộc Mông (10/12 bản) có quan hệ họ hàng, dân tộc với người ở bên kia biên giới, trình độ dân trí của một bộ phận người dân thấp, ý thức quốc gia, quốc giới còn nhiều hạn chế, chấp hành pháp luật chưa nghiêm, đời sống kinh tế-xã hội khó khăn, giao thông đi lại cách trở...

Lợi dụng điều này, các đối tượng vận chuyển ma túy đã cấu kết, lôi kéo người dân hai bên biên giới để hình thành những đường dây mua bán, vận chuyển ma túy có vũ trang, tổ chức chặt chẽ với nhiều đối tượng ở cả trong, ngoài biên giới tham gia. Vì vậy, để tiếp tục trấn áp tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy tại khu vực này, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tăng cường cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm của Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập và BĐBP tỉnh Sơn La thường xuyên tuần tra và chốt chặt ở các hướng trọng điểm.

Các toán, nhóm tăng cường móc nối với các đối tượng là người dân tộc Mông ở khu vực biên giới và nội địa để làm “hoa tiêu”, “chim lợn” nắm tình hình trước khi vận chuyển ma túy gây nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới. Vì vậy, chúng tôi xác định công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy ở Mộc Châu và Vân Hồ (Sơn La) là cuộc chiến cam go và dai dẳng trong hành trình đi tìm sự bình yên cho vùng đất này - Đại tá Nguyễn Văn Hiệp bộc bạch.

Cùng với đó, Học viện Biên phòng và Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã tổ chức “Hành quân dã ngoại phối hợp các lực lượng ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang, kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân huyện Mộc Châu và Vân Hồ nâng cao cảnh giác tố giác tội phạm”. Tại đây, các lực lượng đã biên chế thành 4 đội công tác phối hợp với Đồn Biên phòng Tân Xuân và Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập tuần tra đường biên, cột mốc được 28 lần; vận động cá biệt được 351 lượt người.

Ngoài ra, cán bộ, học viên của hai trường đã phối hợp với BĐBP Sơn La, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể tổ chức làm 5km đường bê tông liên bản; dọn dẹp vệ sinh, phát quang, sửa 21,5km đường liên bản; nạo vét, khơi thông 1,5km kênh mương; làm mới 17 nhà vệ sinh cho các bản, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 69 người... và tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi tuyên truyền cho bà con hiểu rõ tác hại của ma túy, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển ma túy; tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao với thanh niên các xã. Những việc làm ý nghĩa của cán bộ, học viên, đã góp phần vun đắp tình cảm gắn bó giữa BĐBP với cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con các dân tộc trên địa bàn. Người dân đã hiểu rõ tác hại của ma túy và cam kết vận động người thân không nghe lời kẻ xấu xúi giục tiếp tay cho các đối tượng vận chuyển ma túy.

Qua công tác nắm tình hình, đến thời điểm này, theo Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, các toán, nhóm vận chuyển ma túy có vũ trang từ Lào vào Việt Nam có dấu hiệu giảm, song vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng người Lào thay đổi phương thức thủ đoạn mới là vận chuyển ma túy từ Lào vào khu rừng đặc dụng Pha Luông hoặc rừng cao su Xuân Nha tập kết, sau đó đối tượng người Việt Nam trà trộn trong số người đi rừng đến “điểm hẹn” vận chuyển ma túy về nội địa, tránh lực lượng mật phục của BĐBP và Công an.

Hương Mai

Bình luận

ZALO