Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:57 GMT+7

Lồng ghép các nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc: Kinh nghiệm từ Quảng Ninh

Biên phòng - Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các cơ chế ưu tiên nhiều nguồn lực tập trung cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Việc linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn đầu tư đã giúp diện mạo vùng DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ninh ngày càng khởi sắc.

4ynu_17a
Người dân tộc Dao ở Bình Liêu thu hoạch quả hồi. Ảnh: Mai Hoàng

Lồng ghép các chương trình cùng nội dung hỗ trợ

Quảng Ninh là tỉnh miền núi có cả biên giới đất liền và biển, đảo với 21 dân tộc anh em sống chung với nhau; trong đó, DTTS chiếm 12,52% dân số toàn tỉnh. Tính đến năm 2017, toàn tỉnh Quảng Ninh có 17 xã khu vực III, 32 xã khuc vực II và 64 xã khu vực I. Số hộ nghèo cuối năm 2017 của Quảng Ninh là gần 7.800 hộ, chiếm tỉ lệ 2,25%, trong đó, số hộ nghèo DTTS chiếm tỉ lệ 56,51%.

Để phát triển nhanh và bền vững vùng DTTS gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung xây dựng cơ chế, chính sách lồng ghép thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020. Trước hết, triển khai thực hiện Chương trình 135 (dự án 2 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020), Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện lồng ghép nguồn lực thuộc các chương trình cùng mục tiêu, cùng nội dung đầu tư hỗ trợ như: Chương trình 135 gắn với việc triển khai Chương trình nông thôn mới, Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn gắn với thực hiện Quyết số 755/QĐ-TTg ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và Quyết định số 2085/QĐ-TTg hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020.

Trong 3 năm (2016-2018), tỉnh Quảng Ninh đã bố trí 650 tỉ đồng (từ nguồn ngân sách tỉnh) để đầu tư cho các xã, thôn ĐBKK thuộc Chương trình 135 theo cơ chế Chương trình xây dựng nông thôn mới và huy động các nguồn vốn tín dụng triển khai tại các xã, thôn ĐBKK hơn 476 tỉ đồng. Tỉnh Quảng Ninh cũng rà soát, xác định có hơn 9.500 hộ thụ hưởng chính sách theo Quyết định số 755/QĐ-TTg.

Tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư từ ngân sách hơn 110 tỉ đồng, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 31 tỉ đồng và vốn huy động lồng ghép khác cho các hộ này. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh lồng ghép nguồn lực được hỗ trợ từ xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung thuộc Đề án 755 với Chương trình nước sinh hoạt nông thôn kết hợp với việc duy tu bảo dưỡng công để thực hiện đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả và thời gian sử dụng công trình.

Hằng năm tỉnh Quảng Ninh còn tổ chức cuộc vận động kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hảo tâm ủng hộ Quỹ vì người nghèo để hỗ trợ cho các hộ nghèo. Trong 2 năm 2016-2017, tỉnh đã huy động được hơn 54 tỉ đồng, hỗ trợ cho 818 hộ nghèo sửa chữa, xây mới nhà ở và các công trình hạ tầng thiết yếu cho một số xã, thôn đặc biệt khó khăn làm tăng tỉ lệ về tiêu chí về nhà ở, góp phần đưa các xã, thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.

Tập trung xóa các xã, thôn đặc biệt khó khăn

Một trong những điểm mới thực hiện Chương trình 135 của tỉnh Quảng Ninh là triển khai thực hiện Đề án “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK” (gọi tắt là Đề án 196) với mục tiêu đến năm 2020 không còn xã, thôn ĐBKK. Năm 2018, tổng kinh phí bố trí, huy động thực hiện Đề án 196 là hơn 431 tỷ đồng. Ông Lý Văn Thanh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong năm 2018, hơn 3.200 hộ thuộc đề án đã được hỗ trợ vốn sản xuất thông qua 91 dự án. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã trực tiếp hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo về sinh kế, tăng thu nhập, cơ bản đã giúp các hộ có điều kiện thoát nghèo bền vững. 

Ngoài hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, các địa phương phân bổ hơn 307 tỷ đồng vốn Chương trình 135 ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng 321 danh mục công trình hạ tầng năm 2018 thuộc Đề án 196. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng phê duyệt, chỉ đạo thực hiện và hoàn thành Đề án đầu tư hạ tầng lưới điện tại các cụm, điểm dân cư dưới 20 hộ dân. Ngoài ra, hơn 1.700 hộ nghèo tại các xã, thôn ĐBKK được hỗ trợ nhà ở. 

Kết quả rà soát năm 2018 tại 17 xã, 54 thôn ĐBKK số hộ nghèo đã giảm 1.965 hộ; số hộ cận nghèo giảm 676 hộ, đặc biệt, đồng bào DTTS trình độ nhận thức đã được nâng lên, không ỷ lại trông chờ vào sự cứu trợ của Nhà nước. Cụ thể, năm 2018, trên địa bàn các xã, thôn bản ĐBKK đã có 275 hộ viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Tỷ lệ người dân tại các xã ĐBKK tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%. 17/17 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ hộ gia đình tại các xã ĐBKK được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 92,8%. Theo ông Lý Văn Thanh, đến hết năm 2018, tỉnh Quảng Ninh có thêm 5 xã và 40 thôn đạt tiêu chí hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK; vượt 3 xã, 6 thôn so với mục tiêu đề ra.

reji_17b
Bà con dân tộc huyện Bình Liêu phối hợp với BĐBP phát quang đường tuần tra biên giới. Ảnh: Mai Hoàng

Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh còn cho biết, qua 3 năm thực hiện việc lồng ghép các nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020, cùng với các chương trình đầu tư, hỗ trợ khác, đến nay, cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội các xã, thôn thuộc vùng DTTS, nhất là các xã, thôn thuộc Chương trình 135 đã được cải thiện đáng kể. 100% xã có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã; trên 80% đường liên thôn được cứng hóa; hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất của nhân dân; 100% xã có đủ cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và duy trì, nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; 100% xã có trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của nhân dân; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn; 95% số hộ ở các xã ĐBKK được sử dụng điện lưới quốc gia... 

Ấn tượng nhất là 3 xã vùng DTTS, miền núi khó khăn đã đạt chuẩn nông thôn mới; 7 xã ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được ổn định và nâng cao. Kết quả trên là động lực để tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến hết năm 2019 không còn xã, thôn ĐBKK.

Nguyễn Bích

Bình luận

ZALO