Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 26/03/2023 03:51 GMT+7

Lòng dân Xuân Mậu Thân 1968

Biên phòng - Nhiều xóm làng ở Quảng Tín, Quảng Nam (nay là tỉnh Quảng Nam) trở nên tiêu điều, xơ xác sau Tết Mậu Thân năm 1968. Bọn địch bắt cơ sở bỏ tù, suốt ngày la hét, nổ súng, đánh người, hù dọa... và khủng bố tinh thần những người nông dân nghèo. Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tâm nhớ lại, lúc đó phải về làng, bám dân để giải thích, động viên bà con, sau đó, người dân mới yên tâm tiếp tục che chở cho cách mạng đến ngày chiến thắng.

5ab9a46a471e3c1d0400036d
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tâm. Ảnh: Văn Chương

Đêm giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tâm có mặt tại một ngọn đồi ở xã Kỳ Xanh để chờ giây phút khai hỏa. Đây là vị trí đặt giàn hỏa tiễn 122 ly (ĐKB). Giàn pháo hỏa lực này là loại Ca-chiu-sa của Hồng quân Liên Xô trước đây được cải tạo lại nhỏ gọn, các nòng tháo rời dễ di chuyển, phù hợp với chiến trường miền Nam, Việt Nam. Mỗi quả đạn pháo này nặng 60kg, khi phóng ra và chạm mục tiêu gây thương vong lớn. Giờ giao thừa vừa điểm, giàn hỏa tiễn được lệnh nhấn nút điện. Liên tiếp 100 quả hỏa tiễn 122 ly được phóng đi như những con rồng lửa và chụm về mục tiêu - căn cứ quân sự Chu Lai.

Căn cứ quân sự Chu Lai nằm trên một vùng cát trắng và được Mỹ bố trí hệ thống phòng thủ, bảo vệ dày đặc để chống xâm nhập, trên không sử dụng máy bay trinh sát OV10 để dòm ngó, căn cứ pháo binh ở núi Ông Sầm bắn hỗ trợ. Nhưng đòn đánh từ trên không trung thì lính Mỹ dường như bó tay. Khi giàn hỏa tiễn được phóng đi thì khẩu sơn pháo 75 cũng nhịp nhàng bắn hàng trăm quả đạn về phía căn cứ Ông Sò. Nhìn qua kính quang học, mọi người reo lên khi thấy nhiều mục tiêu tại sân bay Chu Lai trúng đạn, kho tàng bốc cháy đỏ rực trời.

Theo kế hoạch hợp đồng đã được chuẩn bị trước, hàng ngàn người dân ở các xã Kỳ Xanh, Kỳ Khương, Kỳ Thạnh, Kỳ Yên, Kỳ Trà, Kỳ Chánh, Kỳ Vinh cầm cờ kéo đi đấu tranh chính trị. Những cán bộ, đảng viên cốt cán đi trước cầm cờ vải, nhân dân cầm trên tay lá cờ bằng giấy, vừa đi, vừa phất cờ và reo hò. Khi các mũi đấu tranh chính trị đều bị địch chặn lại, bà con khuyên bọn lính đầu hàng về với cách mạng, vì đây là thời khắc nhân dân đã vùng lên làm chủ. Quân địch thấy khí thế quần chúng bừng bừng nên đã đàn áp, nổ súng bắn vào đoàn biểu tình gây nhiều thương vong. Máu đổ đầy đường quê, những túi bánh tét, bánh in, bánh nổ rơi vãi khắp nơi khi đoàn biểu tình bị đàn áp và phải rút lui.

Sau Tết Mậu Thân năm 1968, địch khủng bố và bắt bớ cán bộ cốt cán và cơ sở cách mạng tại địa phương. Vì khi tham gia biểu tình, những cán bộ cốt cán, đảng viên hoạt động bí mật đều phải xuất đầu lộ diện. Họ là những người cầm cờ đi trước, tổ chức lãnh đạo biểu tình, chia sẻ với người dân về chức danh, nhiệm vụ của mình để bà con yên tâm. Vùng địch chiếm đóng và vùng giáp ranh trở thành vùng trắng và cách mạng không còn chỗ dựa. Vậy là các đồng chí trên căn cứ phải luồn về để làm công tác tuyên truyền, động viên giải thích cho bà con rõ về thắng lợi của cuộc nổi dậy toàn miền Nam, góp phần cho Hiệp định Paris.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tâm cho biết, Thường vụ huyện ủy Nam Tam Kỳ phân công anh em xuống xã. Ban đầu bà con gặp anh em, trong lòng thì thương, nhưng bề mặt ngoài thì giận. Bởi lúc đó, ai cũng nghĩ là xuống đấu tranh thì sẽ chiến thắng nên ai cũng mang theo bánh, nước uống để ăn một cái Tết giải phóng ở trung tâm tỉnh lỵ. Nhưng cuối cùng bị địch đàn áp quá dẫn đến thương vong, hy sinh nhiều người, sau đó còn bị địch bắt.

Thời điểm đó, ông Tâm là Chính trị viên phó Huyện đội Nam Tam Kỳ. Khi ông Tâm và các chiến sĩ vào nhà một cơ sở tốt là ông Tuất ở thôn Khương Vĩnh, xã Tam Hiệp thì ông Tuất ngồi quay lưng lại và không nói câu gì. Sau đó, ông Tuất bảo là rất bực, vì có một người không chịu nổi sợ hãi đã ra đầu thú chỉ điểm bắt nhiều cán bộ nằm vùng; bà con xuống đường không giành được thắng lợi mà nhiều người còn bị thương vong. Chờ cho ông Tuất nói xong, anh em trong đoàn mới bắt đầu phân tích về cuộc nổi dậy dù có bị thương vong nhưng toàn miền Nam đã giành thắng lợi, việc địch khủng bố là để khỏa lấp sự hoang mang cao độ của chúng.

Lúc đó, khuôn mặt ông Tuất mới thôi buồn rầu. Ông quay sang phân tích về việc địch đang tổ chức các hoạt động phục kích ra sao, bắt bớ thế nào, nếu xuống vùng địch chiếm đóng thì anh em phải cảnh giác, phương pháp ổn định tình hình nhân dân, những chị em bị địch đưa về trụ sở ép phải cưới hỏi, đưa đi tới đi lui để nhân dân nghi ngờ cán bộ này đã đầu hàng địch, tung tin gây ra sự xáo trộn trong làng xóm... Nói chuyện xong, ông Tuất quay sang bảo vợ: “Bà xem trong lu còn ít củ và gạo thì gói lại đưa cho anh em”.

Suốt 4 tháng đi tuyên truyền vận động, tình hình nhân dân được ổn định. Những cơ sở mới được xây dựng trở lại đã trở thành điểm trụ bám. Ông Tâm cho biết, ở những vùng giáp ranh, vùng địch chiếm đóng, anh em cách mạng đều sống bình thường trong dân. Ở trên căn cứ về làng, bắt liên lạc với cơ sở, vậy là bà con đưa xuống hầm bí mật. Ban ngày, bọn ngụy tỏ vẻ hung hăng, súng ống kè kè. Nhưng khi về chiều thì bọn ngụy sợ và co lại trong đồn. Lúc đêm xuống thì xóm làng trở thành vùng hoạt động của các chiến sĩ cách mạng. Hầm bí mật được mở nắp cho anh em chui lên để đi xây dựng phong trào.

Câu chuyện về “lòng dân” sau Tết Mậu Thân năm 1968 đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Đó là lòng dân chung sức đồng lòng theo cách mạng thì khó khăn nào cũng vượt qua. Ông Tâm cho biết, có những điều vượt ra ngoài sự tưởng tượng. Đó là trước Mậu Thân năm 1968, anh em trên căn cứ về các xã vùng ven, kể cả vùng địch chiếm để tổ chức họp dân vào ban đêm. Nội dung cuộc họp là bàn chuyện đấu tranh chính trị, thực hiện cuộc nổi dậy giành chiến thắng “ngàn năm có một”.

Những cuộc họp được tổ chức rất quy mô, cả làng không ai vắng mặt. Vậy mà khi trời sáng, bọn tề ngụy kéo xuống làng thì dường như không nắm được bất cứ tin tức gì về những cuộc họp vừa diễn ra trong đêm. Xóm làng vẫn lặng im, những người nông dân vẫn ra đồng cấy cày bình thường. Bọn ngụy có điều gì nghi ngờ, nhưng vặn hỏi thì cả làng không một ai hé nửa lời.

Lòng dân như những phiến gỗ ghép khít đến độ nước không thể thấm vào và tạo thành chiếc tàu, con tàu đó đưa cách mạng đến ngày toàn thắng.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO