Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:06 GMT+7

Lòng dân nơi biên giới Leng Su Sìn

Biên phòng - Hơn 12 năm gắn bó với những người lính Biên phòng nơi cực Tây của Tổ quốc, chưa một lần từ chối khi được giao nhiệm vụ đi tuần tra biên giới, anh Sừng Giá luôn có câu nói cửa miệng quen thuộc “Bộ đội gọi là mình đi”. Người con của dân tộc Hà Nhì tại bản Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên chia sẻ với chúng tôi, anh không bao giờ nề hà khó khăn, vất vả, không đòi hỏi thù lao, tất cả vì trách nhiệm cùng cán bộ, chiến sỹ BĐBP bảo vệ đường biên, cột mốc.

rzsj_9a
Cán bộ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn tới thăm gia đình anh Sừng Giá. Ảnh: Kim Nhượng

Gian nan đường lên cột mốc 

Nhắc tới cột mốc số 8 và số 9, do Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, BĐBP Điện Biên quản lý, nhiều người lính Biên phòng tại tuyến biên giới huyện Mường Nhé không còn xa lạ gì. Cung đường lên cột mốc với những con dốc ngược lên tới 90 độ, phải trèo, bám vào những dây rừng treo mình lên vách đá, băng qua những con suối lạnh buốt vào mùa Đông.

Trung tá Chu Ngọc Lệ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Leng Su Sìn nói với chúng tôi: “Mốc số 8 và mốc số 9 là 2 mốc xa nhất mà đồn quản lý, bảo vệ. Bình thường bộ đội đi khỏe mất 2 ngày 2 đêm, người bình thường đi không quen thì lâu hơn. Đã có nhiều đoàn công tác muốn lên cột mốc, nhưng đa phần chưa đi được một phần ba quãng đường đã phải quay xuống. Những người có sức khỏe, hăng hái nhất để lên tới cột mốc cũng phải mất 4 ngày cả đi và về. Địa hình rừng núi hiểm trở, heo hút nên mỗi lần tuần tra mốc, một đội tuần tra cần phải có 7 hoặc 8 người cùng đi để hỗ trợ lẫn nhau”.

Trong suốt quãng đường 30km dốc ngược đó, cán bộ, chiến sĩ phải bò, trườn, vịn, níu vào cây, vào khe đá để leo lên. Đã thế, khi xuống còn khó khăn và nguy hiểm gấp nhiều lần. Những ngón chân trong đôi giày bộ đội lúc nào cũng phải bấm, ghì, bám chặt vào bất cứ chỗ nào có thể đặt chân lên được. Đầu gối luôn trong tư thế chùng xuống, mỏi nhừ. Mùa khô, cỏ gianh mọc tràn dọc đường lên mốc. Nhiều cán bộ, chiến sĩ, dân quân địa phương bị lá gianh sắc nhọn cứa rách cả áo, quần. Người không có kinh nghiệm đi rừng có thể bị lá gianh sắc lẹm cào vào người. Mùa mưa, cỏ rậm um tùm lấp hết lối đi, đường lên cột mốc rất khó khăn. Để ứng phó với thời tiết khắc nghiệt đó, trước những chuyến tuần tra biên giới, Đồn Biên phòng Leng Su Sìn phải xây dựng kế hoạch chi tiết sao cho thật đảm bảo an toàn. 

“Người lính” không mang quân hàm

Trò chuyện cùng những người lính Đồn Biên phòng Leng Su Sìn trong những chuyến tuần tra cột mốc, câu đầu tiên mà họ nhắc tới chính là sự đóng góp nhiệt tình, tự giác và đầy trách nhiệm của anh Sừng Giá, người dân tộc Hà Nhì, ở bản Leng Su Sìn, xã Leng Su Sìn - người luôn đồng hành với những người lính Đồn Biên phòng Leng Su Sìn ngay từ khi nơi đó mới chỉ là điểm đánh dấu phân định, chưa được cắm mốc. 

Hơn 12 năm qua, những chuyến tuần tra không lần nào vắng mặt anh Sừng Giá. Dẫu cỏ gianh cào khắp mặt, trượt ngã, vết thương ăn sâu vào da thịt, nhưng anh không hề nản. Khi chúng tôi đến thăm, vết thương trên tay anh vẫn còn chưa lành hẳn. Tiếng cười vô tư, sảng khoái quá đỗi của con người hiền lành, chân chất ấy đã xua tan trong chúng tôi cái cảm giác gian truân trong hành trình lên với mốc số 8 và mốc số 9 của những người lính Biên phòng. Anh nói: “Tôi bị thương ở tay, vừa được cán bộ quân y Biên phòng khâu cách đây mấy ngày thôi, mong khỏi nhanh để cùng anh em đi lên cột mốc”.

nghd_9b
Bữa cơm trên đường tuần tra của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn cùng dân quân xã Leng Su Sìn. Ảnh: Kim Nhượng

Đối với cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, anh Sừng Giá là người nhiệt tình hiếm có. Nếu không có anh thì mỗi lần tuần tra lên mốc số 8 và mốc số 9 sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Sau mỗi lần đi, cây cối, cỏ dại mọc um tùm sẽ làm đường đi bị mất dấu. Anh Sừng Giá đi trước, đi đến đâu, anh phát quang đến đấy. Những người dân nơi đây không phải ai cũng thông thạo địa bàn như anh, nhiều khi trên đường tuần tra, những dây thang làm bằng dây rừng đan với gỗ đã mục, phải đan lại để du người bám lên những vách núi hiểm trở.

Đầu tháng 6-2018, đoàn công tác liên ngành bảo vệ lâm sản của huyện Mường Nhé kết hợp cùng Đồn Biên phòng Leng Su Sìn đi tuần tra, nghiên cứu trên tuyến biên giới, một thành viên của đoàn trong quá trình di chuyển không may trượt chân ngã, không thể đi tiếp. Anh Sừng Giá một mình cõng người bị thương, luồn rừng cả một ngày đường để ra tới trung tâm xã băng bó vết thương, sau đó lại ngược đường lên mốc. Sự nhiệt tình, cộng với trách nhiệm không nề hà khó khăn đã làm cho các thành viên trong đoàn tin yêu, cảm phục. 

Chiều muộn, chúng tôi chia tay gia đình anh Sừng Giá, trở về đơn vị. Cách cổng đồn, chếch sang phía tay trái vài chục mét, hình ảnh Khu tưởng niệm Anh hùng Trần Văn Thọ sừng sững, trang nghiêm khiến ai nấy không khỏi bùi ngùi. Bao đời nay, từ khi “khai hoang, mở đất”, người dân nơi đây đã gắn bó cùng những người lính Biên phòng, một lòng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Cho tới tận ngày hôm nay, tinh thần gắn bó, sắt son ấy vẫn không hề phai nhạt.

Kim Nhượng

Bình luận

ZALO