Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:42 GMT+7

Lời tuyên thệ bên cột mốc biên cương

Biên phòng - Cảm nhận trường ca “Lòng tôi biên giới” (nằm trong chương trình đầu tư sáng tác văn học của Bộ Quốc phòng năm 2020, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành) của nhà thơ, Tiến sĩ, Trung tá Nguyễn Minh Cường (hiện công tác tại Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng), Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) đã nhận xét đây như một lời tuyên thệ bên cột mốc biên cương.

Nhà thơ Nguyễn Minh Cường. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tác phẩm gồm 6 chương: “Cha và con”, “Đất trời biên giới”, “Không phải mùa mưa, sao có sấm chớp?”, “Nơi những người đàn ông hóa núi”, “Dằng dặc những tháng ngày”, “Lòng muôn đời biên giới” lấy cảm hứng từ sự hy sinh anh dũng của 22 anh hùng, liệt sĩ vốn là cán bộ, giáo viên, học viên Trường Sĩ quan Chính trị. Đầu năm 1979, đoàn cán bộ, giáo viên, học viên của Nhà trường (khi đó đóng quân tại thành cổ Bắc Ninh), đã lên đường đi thực tập ở các đơn vị dọc tuyến biên giới phía Bắc. Theo kế hoạch, đoàn sẽ hoàn thành nhiệm vụ thực tập trở về trường vào ngày 20-2-1979, tuy nhiên, chỉ 3 ngày trước đó, chiến sự tại biên giới đã nổ ra. Đất nước bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đoàn nhận chỉ thị từ Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường: Tất cả cán bộ, học viên tiếp tục bám đơn vị chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, “ngày về hẹn sau”. Trên chiến trường biên giới phía Bắc, các cán bộ, học viên của nhà trường đã chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc và đã có 22 đồng chí hy sinh anh dũng.

Từ tuyến nhân vật trung tâm là liệt sĩ Phạm Gia Nguyên (danh xưng “tôi” trong trường ca) và người con là sĩ quan quân đội hôm nay (danh xưng “con”); tác giả đã khắc họa sự hy sinh anh dũng của quân và dân biên giới, trọng tâm là vùng Hà Quảng, Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh. Từ đó, tác giả cắt nghĩa nhiều điều về nguyên nhân của cuộc chiến, về tình yêu Tổ quốc và tinh thần vệ quốc bất khuất hôm qua và hôm nay của dân tộc Việt Nam; về góc nhìn của những người dân lương thiện “không phân mốc nước” đối với tội ác chiến tranh; về vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ QĐND Việt Nam...

Bên cạnh những hư cấu nghệ thuật, trường ca “Lòng tôi biên giới” có sự công phu nghiên cứu, tập hợp tư liệu về những địa danh, những sự kiện, những nhân vật quân và dân biên giới có thật, liên quan đến cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc trong suốt 10 năm từ 1979 đến 1989. Tập trường ca đã được anh viết trong vòng hơn một tháng nhưng nguồn tư liệu và cảm hứng viết nên nó là những chuyến đi thực tế trong nhiều năm trên những nẻo vùng biên.

“Gần một năm qua, dịch Covid-19 quái ác đã trói chân rất nhiều người viết trong toàn quốc và tôi cũng không phải là ngoại lệ. Nằm ở Hà Nội, trong những ngày Xuân dằng dặc tin giãn cách, phong tỏa, cách ly này, lại nhớ những vùng cao xứ Bắc đến nôn nao: “Hoa vẫn nở đầy trên thung lạnh buốt cỏ xước/ trắng hồng tam giác mạch mong manh/ vàng ươm nương cải cuối mùa/ bông dẻ rơi thinh lặng đêm khuya/ nhú nhú Xuân gọi bông tiếp bông rùng rùng rừng sở/ gọi trắng hoa mận, hoa mơ/ tinh khôi lòng lính trẻ” - nhà thơ Nguyễn Minh Cường chia sẻ.

Với Nguyễn Minh Cường, tập trường ca là sự tri ân ý nghĩa của một người lính với một ngôi trường giàu truyền thống của Quân đội, nơi anh công tác nhiều năm qua. Là một tác giả thuộc thế hệ 8X, viết về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc bằng trường ca, anh thừa nhận đó là một thách thức rất lớn. “Làm thế nào để không lặp lại những trường ca về chiến tranh trong quá khứ? Làm thế nào để từ những câu chuyện cụ thể, những nhân vật cụ thể, mang đến một cái nhìn tổng thể về cuộc chiến đấu vĩ đại mà bi tráng của quân và dân ta? Làm thế nào để có thể mang đến những thông điệp lớn, mang đến những sự rung cảm cho thế hệ hôm nay về những gì cha anh đã trải qua trên chiến trường biên giới phía bắc?... Đó đều là những câu hỏi lớn mà tôi nghĩ khó có thể “trả bài” trọn vẹn” - nhà thơ Nguyễn Minh Cường cho biết.

Được biết, công việc chính của nhà thơ Nguyễn Minh Cường vẫn là nghiên cứu và giảng dạy. Bên cạnh đó, việc sáng tác văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính hôm nay lại rất gần với công việc mà anh đang làm. Bởi lẽ, Trường Sĩ quan Chính trị là nơi đào tạo sĩ quan chính trị, những người được mệnh danh là “sĩ quan tâm hồn” trong QĐND Việt Nam. Văn học nghệ thuật sẽ góp phần tích cực trong bồi dưỡng tâm hồn anh Bộ đội Cụ Hồ cho những “sĩ quan tâm hồn” tương lai. Anh hy vọng, những gì mình viết sẽ góp phần nhỏ giúp cho các thế hệ học viên hình dung được một thế hệ cha anh đã anh dũng, bất khuất, bình dị mà rất đỗi hào hoa như thế nào. Từ đó, họ biết sống xứng đáng với màu áo quân nhân mà họ đang mặc mỗi ngày.

Cảm nhận về tập trường ca này, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm cho biết: “Lòng tôi biên giới” nằm trong khuynh hướng của trường ca đương đại khi nhìn về quá khứ với cái nhìn thật gần, đan bện giữa cảm hứng sử thi với cảm hứng thế sự, để nhận ra những câu chuyện của đời sống, con người, dân tộc trong các biến cố lịch sử. Tư tưởng chủ đạo của tập trường ca “Lòng tôi biên giới” là sự tri ân với những người đã đem máu xương gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Phục dựng lại một dòng lịch sử nơi đất trời biên ải, tập trường ca là những suy tư về đất nước, về chiến tranh, hòa bình, sự sống, cái chết và số phận con người. Hơn thế nữa, trường ca này còn như một lời tuyên thệ bên cột mốc biên cương. Đứng trước những hàng bia mộ đồng chí, đồng đội đã hy sinh, trước những người mẹ bạc đầu mòn mỏi tìm con, trước cột mốc chủ quyền nơi biên cương hải đảo, tự soi vào lòng mình, chúng ta hiểu hơn về giá trị của đời sống hôm nay”.

Ngô Khiêm

Bình luận

ZALO