Biên phòng - Nỗ lực tiêm chủng đang được đẩy mạnh khắp nơi trên thế giới, bước đầu mở ra những triển vọng phục hồi hậu Covid-19. Tuy nhiên, những ngày gần đây, cả thế giới sôi sục lo ngại bởi sự xuất hiện của biến thể Covid-19 mới mang tên Omicron được phát hiện lần đầu tại Nam Phi. Biến thể này được xác định ban đầu có khả năng lây nhiễm cao hơn, dẫn tới việc nhiều quốc gia đã thiết lập các lệnh hạn chế mới, làm những triển vọng phục hồi phần nào bị kìm hãm lại.
Omicron đang là mối quan tâm hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và mọi quốc gia. WHO chỉ rõ, Omicron là một biến thể đáng lo ngại, đồng thời cảnh báo rằng, những rủi ro toàn cầu do biến thể này gây ra là rất cao, dù hiện chưa có những dữ liệu chắc chắn về tác hại của nó. Các nhà nghiên cứu đang tích cực phân tích những dữ liệu cần thiết để định hình rõ tính chất của biến thể này. Dù là một biến thể được nhận định phức tạp, song, việc khiến “ẩn số” này “lộ diện” cũng chỉ là vấn đề thời gian. Dự báo, việc nghiên cứu về Omicron sẽ cần vài tuần để đưa ra những kết quả chính xác và thuyết phục.
Ở góc độ tích cực, các nhà khoa học cho rằng, biến thể Delta là một biến thể phức tạp và nguy hiểm, trong khi thời gian qua, các quốc gia trên thế giới đã ứng phó tương đối hiệu quả với biến thể này. Omicron có nhiều điểm tương đồng nên năng lực y tế toàn cầu hiện vẫn đảm bảo có thể thích ứng hiệu quả. Thậm chí, nhiều dự đoán cho rằng, Omicron dù phức tạp ở một số khía cạnh, song, về tổng thể chưa chắc đã nguy hiểm hơn Delta. Nhiều nhà khoa học dẫn giải, dữ liệu ghi nhận trên toàn cầu cho thấy, Delta có tốc độ lây truyền cao hơn các biến thể trước đó nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy, nó gây ra bệnh nặng hơn, nguy cơ tử vong cao hơn, cũng như kháng vaccine.
Sau hơn 1 tuần phát hiện Omicron, có những dữ liệu cho thấy, biến thể này chỉ gây bệnh nhẹ, song, các quan sát này chủ yếu dựa vào phần lớn ca nhiễm ở Nam Phi. Trong khi đó, hầu hết những ca nặng tại Nam Phi ở mức phải nhập viên đều là chưa tiêm chủng. Nhiều quan điểm từ một số ít quan chức và chuyên gia quốc tế cho rằng, biến thể này chưa chắc có thể lan truyền rộng trên phạm vi toàn cầu và chỉ lây truyền trong một số vùng địa lý có điều kiện thời tiết nhất định.
Một tín hiệu tích cực khác là các nhà sản xuất vaccine như Moderna, Pfizer-BioNTech và Johnson & Johnson đều bày tỏ sự tự tin rằng, Omicron chưa ghi nhận những sự khác biệt quá lớn so với các biến thể trước. Trong trường hợp xấu, các nhà sản xuất có thể điều chỉnh công thức để đảm bảo vaccine hiệu quả với biến thể này.
Giới khoa học y tế quốc tế đặt ra nhiều lo ngại về Omicron bởi có rất nhiều điều chưa thể biết về biến chủng này, bao gồm việc liệu nó có thực sự dễ lây lan hơn, chuyển biến bệnh nặng hơn, cũng như kháng vaccine hay không. Vì vậy, nhiều nhà khoa học cho rằng, điều cần thiết nhất hiện nay là phải lùi lại các nỗ lực thiết lập trạng thái bình thường mới cho tới khi biết chính xác tác hại của biến thể mới.
Bình luận về các phản ứng bị đánh giá là tiêu cực của một số nước trước biến thể mới, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, mọi biện pháp phòng, chống dịch cần phải dựa trên cơ sở khoa học, tránh áp dụng những biện pháp mạnh nhưng phản khoa học, làm trầm trọng thêm tình hình dịch bệnh. Cùng nhận thức với giới khoa học về mối nguy mang tên Omicron, các nhà lãnh đạo thế giới hết sức quan tâm và lo ngại đến sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo thế giới cũng chỉ ra rằng, mọi người không nên hoảng sợ và hãy tiêm phòng đầy đủ.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đầu tuần này lập luận rằng, mục tiêu trong chiến lược tiêm chủng toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề ra là tiêm vaccine cho 40% người dân ở tất cả quốc gia vào cuối năm nay và 70% vào giữa năm 2022. Ông Antonio Guterres nhấn mạnh: “Tất cả mọi người ở mọi nơi phải được tiếp cận với vaccine Covid-19. Đây là cách duy nhất để thoát khỏi đại dịch toàn cầu”.
Thanh Trúc