Biên phòng - Trong 20 năm qua, các chương trình dự án sử dụng vốn ODA trong lĩnh vực nông nghiệp đã mang lại lợi ích thiết thực cho hàng chục triệu người dân tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Hiệu quả rõ rệt nhất là các dự án, chương trình ODA đã góp phần đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành nước đảm bảo vững chắc về an ninh lương thực cho quy mô 100 triệu dân, đồng thời cũng là một cường quốc xuất khẩu nông sản trên thế giới.
Những đổi thay trên thực tế
Trong thời gian từ năm 2010-2014, Chính phủ Pháp đã tài trợ Việt Nam thực hiện Dự án hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh (Movimar). Dự án được thực hiện tại 28 tỉnh, thành phố ven biển với tổng vốn 15,124 triệu Euro (vốn vay 13,9 triệu Euro).
Ông Trần Thành Định, Giám đốc dự án cho biết: Dự án đã trang bị thiết bị kết nối vệ tinh cho 3.000 tàu cá đánh bắt xa bờ của 28 tỉnh, thành ven biển. Nhờ đó, ngư dân kịp thời tiếp nhận thông tin cảnh báo bão và áp thấp nhiệt đới, hướng dẫn tránh trú bão, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời, tàu cá gửi về trung tâm các thông tin vị trí, tình hình hoạt động trên biển, truy suất nguồn gốc hải sản và các thông tin liên quan đến an toàn, an ninh trên các vùng biển.
Một dự án khác sử dụng nguồn vốn ODA là Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tài trợ. Dự án được thực hiện từ tháng 5-2011 đến tháng 6-2017, với tổng số vốn 138 triệu USD (trong đó, Chính phủ Việt Nam đối ứng 30 triệu USD).
Ông Trần Văn Lam, Giám đốc Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh miền núi phía Bắc cho biết, dự án đã đạt được kết quả như mong đợi, tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng cơ sở hạ tầng nông thôn của người nghèo và người dân tộc thiểu số. Được triển khai tại 15 tỉnh phía Bắc, dự án đã nâng cấp và xây mới 568km đường giao thông; đầu tư xây mới, nâng cấp 10 chợ. Bên cạnh đó, dự án cũng nâng cấp kênh thủy lợi giúp 12.400ha đất canh tác được tưới, tiêu ổn định, 2.100 hộ dân được cấp nước sinh hoạt.
Với số vốn hơn 124 triệu USD từ Ngân hàng thế giới, qua 6 năm thực hiện, Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) đã mang lại sự đổi thay rõ rệt cho người dân ven biển 9 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Dự án đã đề xuất nhiều sáng kiến mới bao gồm quy hoạch không gian liên ngành, quản lý mặt nước khai thác, đa dạng hóa sinh kế cho ngư dân và giải pháp nuôi tôm quy mô hộ thân thiện với môi trường. Các sáng kiến này đã giúp gợi ý chính sách phát triển, cải thiện thu nhập cho người dân, quản lý môi trường tài nguyên thiên nhiên.
Thành công nổi bật nhất là đã vận động thành lập 252 tổ cộng đồng trong các vùng nuôi với gần 100% hộ dân tham gia. Các tổ xây dựng quy chế hoạt động như “Hương ước” và được UBND xã tham gia quản lý. Mọi hoạt động cải tạo ao, tìm nguồn giống, thức ăn, quản lý chất lượng nước thải, chất thải giám sát dịch bệnh đều được cả cộng đồng thực hiện.
Ở góc độ địa phương, tỉnh Đắk Lắk hiện đang được hưởng lợi từ các dự án: Đa dạng hóa nông nghiệp, Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP), Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) và Dự án phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên. “Các dự án đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển nông nghiệp và kinh tế của tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua, dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2020 của tỉnh sẽ cao gấp 1,5 lần so với năm 2015. Các dự án cũng tác động, nâng cao thu nhập tới hàng ngàn hộ nông dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và phụ nữ” - ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đánh giá.
Gần 2 tỷ USD vốn ODA đầu tư cho nông nghiệp
Ông Lê Văn Hiến, Trưởng ban Quản lý các dự án nông nghiệp cho biết: “Trong 20 năm qua, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao quản lý và triển khai thực hiện 23 chương trình, dự án với tổng số vốn đầu tư ước tính khoảng 1,968 tỷ USD từ các nhà tài trợ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng thế giới (WB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Chính phủ Đan Mạch (Danida) và Chính phủ Cộng hòa Pháp”.
Trong số 23 chương trình, dự án, có 17 chương trình, dự án đã hoàn thành và 6 dự án đang triển khai thực hiện. Các dự án có phạm vi hoạt động tại 63 tỉnh, thành trên cả nước và đa dạng về lĩnh vực bao gồm: Trồng trọt, chăn nuôi, khai thác và nuôi trồng thủy sản, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, phòng chống thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Được hưởng lợi từ nguồn vốn ODA, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang cho biết: “Chúng tôi được hưởng lợi từ 8 dự án sử dụng vốn ODA, các dự án này đều rất ý nghĩa và thiết thực. Ví như dự án chè, cây ăn quả; khí sinh học... khi thực hiện đã tạo động lực cho tỉnh phát triển tam nông và xử lý tốt môi trường trong chăn nuôi, trồng trọt rất hiệu quả. Dự án còn giúp tỉnh quản lý chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh hiệu quả giúp nông dân có thu nhập ổn định, bền vững”.
Qua các chương trình, dự án ODA, đến nay, gần 5.000km đường giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đi lại, sản xuất nông nghiệp và vận chuyển nông sản của người dân. Hơn 700km kênh mương cùng với công trình hồ đập thủy lợi, 22 trạm bơm được cải tạo giúp đảm bảo lượng nước tưới, tiêu ổn định cho khoảng 100.000ha các loại cây trồng. Gần 600 chợ nông thôn và chợ an toàn thực phẩm được cải tạo, nâng cấp tại 18 tỉnh, thành phố với 25.000 hộ tiểu thương được hưởng lợi; gần 100km đê kè biển, đê kè sông được chống lún, phục hồi; nâng cấp 21 cảng cá/bến cá và gần 50 vùng nuôi được nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Theo ông Hiến, kết quả đầu tư của các chương trình, dự án đã góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp tại các địa phương cũng như trình độ sản xuất cho nông dân, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
Thanh Thủy