Biên phòng - Trong những năm qua, Việt Nam đã có rất nhiều chương trình, dự án được triển khai nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có những giải pháp, cơ chế, chính sách, chế độ dinh dưỡng phù hợp với những yếu tố mang tính đặc thù của cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS). Chương trình mục tiêu quốc gia thuộc Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được kỳ vọng là “lời giải” của bài toán giải quyết vấn đề chống suy dinh dưỡng trẻ em vùng DTTS và miền núi.
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc (UBDT) thống kê từ các địa phương năm 2019 cho thấy, tỷ lệ trẻ em người DTTS suy dinh dưỡng vẫn còn ở mức cao so với phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và có sự khác biệt lớn giữa các vùng miền. Đặc biệt là, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở nhóm DTTS rất ít người còn ở mức cao và phân bố không đều giữa các vùng miền trong cả nước, tập trung chủ yếu ở 3 vùng Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và miền núi phía Bắc. Tỷ lệ này ở trẻ em người Chứt là 40%, Si La 21,7%; Bố Y 35%; La Ha 20%; Brâu, Rơ Măm 29,87%; Ơ Đu 12%; Lô Lô 16,91%.
Báo cáo của UBDT cũng cho thấy, nguyên nhân của tình trạng trên là do đồng bào DTTS có điều kiện sống chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí chưa cao, gây trở ngại đến việc chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, sinh con của phụ nữ. Cùng với nguyên nhân nghèo đói, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đang góp phần đẩy cao tỷ lệ suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ của trẻ em. Tình trạng này còn dẫn đến nhiều hệ lụy như: Đẻ non, thai nhi kém phát triển, suy dinh dưỡng, thể trạng yếu, mắc bệnh, tỷ lệ tử vong cao, chất lượng giống nòi suy thoái. Bên cạnh đó, các quan niệm lạc hậu về mang thai, sinh đẻ, tập quán sinh đẻ tại nhà... cản trở việc tiếp cận với các dịch vụ y tế và khoa học kỹ thuật tiên tiến chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Báo cáo “Suy dinh dưỡng dai dẳng trong cộng đồng các DTTS Việt Nam: Vấn đề và các giải pháp can thiệp” của Ngân hàng thế giới (WB) được công bố tháng 12-2019 thống kê rằng, trong 3 trẻ em DTTS thì có 1 em thấp còi và trong 5 em thì có 1 em nhẹ cân. Báo cáo cho biết, chỉ có 39% trẻ em DTTS trong độ tuổi từ 6 - 23 tháng có chế độ dinh dưỡng đầy đủ; 32,7% phụ nữ DTTS trong độ tuổi 15-49 đã đi khám thai và được bổ sung các vitamin và khoáng chất thiết yếu cũng như tư vấn về dinh dưỡng. Theo báo cáo, các yếu tố văn hóa, xã hội cũng góp phần dẫn đến tình trạng này. Kết hôn sớm và mang thai ở tuổi vị thành niên vẫn còn phổ biến ở phụ nữ DTTS, 23,9% phụ nữ bắt đầu sinh con trong độ tuổi từ 15 - 19. Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là tâm lý e ngại của người DTTS trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế.
Trong báo cáo của mình, WB cũng đề xuất một số giải pháp để cải thiện các chỉ số về dinh dưỡng cho trẻ em DTTS ở Việt Nam, như: Xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả hơn trong vấn đề dinh dưỡng, với sự chỉ đạo của Chính phủ và một cơ chế điều phối hiệu quả của các cơ quan liên quan. Bảo đảm tài chính cho công tác dinh dưỡng, trong đó, bảo đảm ngân sách đầy đủ cho các can thiệp đã được kiểm chứng về tính hiệu quả. Đối với các tỉnh có tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng nhất, cần được ưu tiên phân bổ và tiếp nhận ngân sách công để thực hiện các can thiệp dinh dưỡng...
Được biết, Việt Nam đã có Chiến lược phát triển dinh dưỡng quốc gia được Chính phủ ban hành từ năm 2001. Chiến lược đặt mục tiêu mỗi năm giảm 1,5%; phấn đấu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 26% vào năm 2015 và giảm tiếp xuống còn 23% vào năm 2020. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống 15% vào năm 2015 và giảm xuống 12,5% vào năm 2020. Thêm vào đó, là rất nhiều chương trình, dự án được triển khai nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có những giải pháp, cơ chế, chính sách, chế độ dinh dưỡng phù hợp với những yếu tố mang tính đặc thù của cộng đồng các DTTS. Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Huỳnh Nam Phương, chuyên gia dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam cho biết: “Trong các dự án trước đây, đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng chủ yếu là kiêm nhiệm, sự sáp nhập giữa các cơ quan y tế ở cấp cơ sở cũng gây xáo trộn đến nguồn lực để triển khai thực hiện tại địa phương. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính để đầu tư thực hiện các chương trình trong giai đoạn trước vẫn còn dàn trải, chưa tập trung theo khu vực. Hầu như chưa có kinh phí để thực hiện các dự án riêng biệt về dinh dưỡng mà vẫn phải lồng ghép nguồn lực vào các chương trình dự án khác nhau. Chế độ phụ cấp đối với đội ngũ y tế cơ sở thấp nên chưa thu hút được nguồn nhân lực để thực hiện. Mặt khác, từ năm 2016, hỗ trợ kinh phí của quốc tế cho các hoạt động về dinh dưỡng đối với Việt Nam đã bị giảm dần. Đây là những tác động xấu ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện Chiến lược phát triển dinh dưỡng quốc gia”.
Trước thực trạng trên, trong Chương trình mục tiêu quốc gia thuộc Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 do UBDT chủ trì xây dựng đã có một dự án chuyên biệt chăm sóc y tế, trong đó chú trọng vào chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em DTTS. Dự án tập trung vào nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng DTTS và miền núi, phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao thể lực tầm vóc người DTTS. Đối tượng được hỗ trợ sẽ là bà mẹ và trẻ em vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo. “Dự án khuyến khích và áp dụng chính sách ưu đãi để trẻ em gái là người DTTS tham gia và hoàn thành chương trình bậc trung học phổ thông. Mở rộng chương trình trợ cấp tài chính tập trung vào các hộ gia đình DTTS nghèo có phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong giai đoạn phát triển 1.000 ngày đầu đời...” - Ông Bùi Văn Lịch, Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, UBDT chia sẻ.
Theo ông Bùi Văn Lịch, dự án chăm sóc y tế thuộc Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng và phát triển y tế cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi, nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS. Trong đó, tập trung vào việc phổ cập dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước khi sinh và sơ sinh, mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại vùng DTTS và miền núi; nâng cao năng lực quản lý dân số vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đặc biệt, dự án hướng việc chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, nước sạch.
Linh Đan