Biên phòng - Ông Ly Chứ Sùng, 76 tuổi, ở Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang nói: “Tôi có mấy đứa cháu nội ngoại nhưng không phải đứa nào cũng muốn học thổi khèn, có đứa thích nhưng không kiên trì, thấy khó quá bỏ luôn. Đứa thì nhanh trí bắt chước giỏi mà chưa hiểu hết ý nghĩa của tiếng khèn. Tiếng khèn của người Mông là tiếng nói của dân tộc, hiểu khèn như hiểu dân tộc mình”.
Tới thăm nhà ông Ly Chứ Sùng, tôi nhận thấy trong ngôi nhà trình tường đặc trưng dân tộc Mông của gia đình ông ở thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là chứa cả bề dày truyền thống một gia đình dòng họ được truyền đời. Ông còn là người cao tuổi có uy tín của cộng đồng người Mông ở đây. Trong nhà ông có bàn thờ gia tiên bề thế, đại diện cả thế hệ thờ cúng dòng họ và là người có nghề thầy cúng lâu năm. Bên cạnh bàn thờ có để bộ đồ nghề dùng trong các lễ cúng quen thuộc, trong đó không thể thiếu được cây khèn Mông cũ kỹ đã ám màu bồ hóng vì treo rất lâu năm trên tường.
Ông Chứ Sùng nói, mặc dù tuổi cao nhưng ông luôn được người làng bản quanh đây mời tới chủ lễ cúng ma (cách gọi các dịp cúng giỗ tế của người Mông). Trong các lễ cúng đó, ngoài việc sử dụng cây khèn thành thạo để giao tiếp với thần linh, tổ tiên, thì tiếng khèn được coi là lời mở đầu câu chuyện, nghi lễ tâm linh đầu tiên mang theo lời khấn nguyện hoặc cảm tạ tổ tiên, thần linh. Không có tiếng khèn để tạo ra thanh âm giao tiếp, các thầy cúng coi như không thể bắt đầu làm buổi lễ.
Cùng với vải lanh - thứ mà người Mông thường dành dụm chuẩn bị cho mình đến khi xuống mồ, tiếng khèn từ những thầy cúng không thể thiếu được trong các đám tang. Đó là lời đáp từ với thần linh, lời đưa tiễn của anh em họ tộc, lời dẫn đường cho người đã khuất sang thế giới bên kia. Người Mông lo sợ những ông thầy cúng cao tuổi mất đi, không có ai truyền dạy lại nghề thầy cúng và các bài khèn cúng của dân tộc mình. Họ có nỗi lo chính đáng và mối quan tâm trên hết dành cho việc truyền dạy nghề cúng đặc biệt này.
Trong số các cháu nội ngoại của ông Chứ Sùng mà ông đang cố sức truyền dạy nghề thầy cúng bao gồm cả việc tinh nhạy trong học thổi khèn có cậu bé Thào Đức Minh, 10 tuổi. Minh học nhanh, đôi lúc cũng được ông cho đi cùng trong các buổi cúng tế dòng họ nên phần lớn là tự học, tự thấm vào vốn văn hóa dân gian của dân tộc mình. Chưa kể, trong các trường phổ thông của các huyện vùng cao Hà Giang đều có tiết học văn hóa dân gian. Các trường mời các nghệ nhân truyền dạy văn hóa dân gian cho học sinh phổ thông. Các em đều biết khái niệm cơ bản của nhạc cụ có tính biểu tượng văn hóa vùng cao nguyên đá này. Hiện nay, Thào Đức Minh đã biết thổi khèn, biết múa những điệu dân vũ và ở trường em được vào đội văn nghệ của nhà trường biểu diễn văn nghệ và sử dụng nhạc cụ dân tộc vào những dịp có liên hoan nghệ thuật dân gian ở địa phương.
Khèn Mông được xem như là tổng hợp của các loại nhạc cụ vào trong một cây khèn. Thanh âm của khèn như ngàn tiếng sáo, tiếng tiêu, tiếng ống bầu tre nứa hợp thành. Người thổi khèn có thể tạo tác ra âm thanh trầm vút, bay bổng, cũng có thể thổi ra những điều trầm buồn, ai oán tùy theo những bài khèn mà họ học được, được truyền dạy từ nhiều đời. Cây khèn gắn chặt với hình ảnh kiên cường, hào hoa của thanh niên người Mông, đi đám cưới, đi chợ, đi đám ma cũng mang theo. Đặc biệt, tiếng khèn đi cùng họ vào tuổi trưởng thành, khi con trai biết thổn khèn, biết tìm đến con gái, lúc đó làng bản cũng bước vào mùa Xuân - mùa sinh trưởng của cây cối, mùa giao duyên của đôi lứa.
Các cô gái còn có thể chọn bạn đời qua tiếng khèn giữa chợ phiên. Nghe tiếng khèn, điệu múa khèn mà cô gái Mông có thể biết được chàng trai đó có mạnh mẽ và đời sống tinh thần phong phú hay không, mai này có thể trở thành người đàn ông chăm chỉ, tốt bụng hay không.
Động tác múa khèn nhảy đưa chân, nhảy vòng tròn, quay đổi chỗ, nhảy ngang đạp chân, bước trườn, bước lượn, ngoáy chân, đánh chân tại chỗ, quay di động, quay nhích gót, đá gót chân, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi theo bốn hướng... nhìn qua tưởng dễ mà người sức khỏe yếu khó mà đi được vài vòng. Trên các dãy núi cao chênh vênh của cao nguyên đá, tiếng khèn vi vút mà sâu lắng, người thanh niên Mông thổi khèn trở nên gan dạ, kiên trì và thể lực vững chãi phi thường.
Giữa núi cao bỗng nghe tiếng khèn cất lên ở hẻm núi nào đó, chắc chắn ở đó có đôi lứa nên duyên. Vì tiếng khèn là tiếng gọi bạn tình, là lời đáp từ thành thật, lời giãi bày chân thành trong tâm hồn của người Mông.
Tiếng khèn diệu kỳ lắm, nói được tiếng lòng của người con trai Mông. Đàn ông Mông vốn kiệm lời, nội tâm, thì tiếng khèn lại càng đóng vai trò là ngôn ngữ giao tiếp của họ. Chàng trai nào biết nhảy như một vũ công theo nhịp tiếng khèn nữa thì người con gái không thể rời mắt mà bước đi được.
Năm 2015, “Nghệ thuật khèn Mông” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.
Vùng cao nguyên đá Đồng Văn có nhiều nghệ nhân biết chế tác khèn Mông, trong đó có làng nghề nổi tiếng ở thôn Tả Cổ Ván, xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn. Tại “ Festival khèn Mông cao nguyên đá Đồng Văn” lần thứ nhất, năm 2011 đã xác nhận kỷ lục Guinnes chiếc khèn Mông lớn nhất với chiều cao 10m, dài 12m; có tỷ lệ lớn gấp 10 lần so với chiều cao, chiều dài và lớn gấp 100 lần so với thể tích chiếc khèn bình thường của người Mông ở Hà Giang. Đây là một sự ghi nhận đối với lao động nghệ thuật văn hóa đặc thù của người Mông, đồng thời có giá trị bảo tồn nghệ thuật chế tác nhạc cụ dân gian.
Thúy Hằng