Biên phòng - Những ngày qua, vụ việc Công ty cổ phần du lịch (CPDL) Tràng An tự ý xây dựng trái phép công trình tại núi Cái Hạ thuộc vùng lõi quần thể di sản danh thắng Tràng An (Ninh Bình) bị phát giác, khiến nhiều người không khỏi xót xa. Với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Công ty CPDL Tràng An phải tiến hành tháo dỡ, tuy vậy, cảnh quan thiên nhiên của khu vực này cũng không thể trở về trạng thái ban đầu được. Đây là bài học đắt giá mà các địa phương có di sản cần cảnh giác.

Những vi phạm nghiêm trọng
Quần thể danh thắng Tràng An từng được công nhận là “Di sản thế giới hỗn hợp” đầu tiên của Việt Nam và của cả Đông Nam Á, phải được bảo vệ nghiêm ngặt, giữ nguyên hiện trạng, cấm mọi hoạt động xâm hại. Trong trường hợp muốn trùng tu tôn tạo phải có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền theo các quy định, điều ước quốc tế có liên quan.
Vậy mà từ tháng 8-2017, núi Cái Hạ thuộc vùng “lõi” di sản Tràng An đã bị Công ty CPDL Tràng An xâm hại nghiêm trọng. Công ty này đã tự ý xây dựng một một loạt công trình gồm: Cổng chào bề thế, đường bê tông lên núi Cái Hạ với tổng chiều dài hơn 1.000m (hơn 2.000 bậc thang), nhà vệ sinh công cộng trên đường đi lên núi, ban thờ trên đỉnh núi... Điều đáng nói là công trình này được xây dựng dù không được cấp có thẩm quyền nào phê duyệt.
Để xây dựng công trình “khủng” này, Công ty CPDL Tràng An đã chặt nhiều cây xanh, phá nhiều đoạn núi đá, khoan sâu vào lòng núi, đổ hàng trăm cột bê tông làm giá đỡ đường đi và hơn 2.000 bậc thang cũng được đổ bê tông dẫn lên đỉnh núi Cái Hạ. Công trình được xây dựng vắt qua các ngọn núi. Một vùng núi non cổ kính, nên thơ bỗng bị khoan sâu, cắt xẻ, thậm chí phá một phần núi để đắp lên đó thứ vôi vữa, bê tông thô kệch, xấu xí, làm mất đi vẻ đẹp hoang sơ vốn có của núi Cái Hạ.
Bên cạnh đó, một số nhà vệ sinh công cộng được xây tại những chỗ nghỉ chân trên đường lên núi càng khiến cho công trình nhếch nhác, khó coi. Đầu năm 2018, cây cầu với tổng chiều dài hơn 1.000m hoàn thành và đưa vào khai thác.
Ông Nguyễn Văn Son, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CPDL Tràng An cũng tự ý đổi tên núi Cái Hạ thành núi Huyền Vũ và bịa ra câu chuyện vua Đinh lập đàn Kính Thiên (tế trời) năm 967 sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, hòng biến nơi đây thành chốn “linh thiêng” để hút khách tham quan.
Lời cảnh tỉnh
Những ngày Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua, khách du lịch tìm đến Tràng An khá đông. Đường lên núi Cái Hạ cũng là một trong những điểm được đông đảo du khách tìm đến. Con đường mới xây lên núi Cái Hạ có những ngày ken dày, chật kín người đi du xuân với mong muốn tận mắt thấy “nơi xưa kia vua Đinh từng cho lập đàn Kính Thiên”?!
Sự việc chỉ được phát hiện khi báo chí đồng loạt lên tiếng và dư luận tỏ thái độ bức xúc. Chính quyền địa phương đã gửi văn bản yêu cầu dừng hoạt động du lịch tại đây. Tuy nhiên, Công ty CPDL Tràng An vẫn tiếp tục khai thác du lịch. Lúc này, Bộ VHTTDL mới vào cuộc, lập đoàn thanh tra xuống làm việc với Sở Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao Ninh Bình, thanh tra toàn bộ công trình (ngày 5-3).
Kết quả, đoàn thanh tra công bố, công trình không có hồ sơ được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng (đồng nghĩa với công trình đã xây dựng trái phép). Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Quyết định 230/QĐ-TTg ngày 4-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An và vi phạm Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21-9-2017 của Chính phủ Quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam. Ngày 6-3, công trình mới dừng đón khách tham quan.

Dư luận khá bức xúc khi một công trình “khủng” không phép như thế lại ngang nhiên được xây dựng và hoàn thành ngay trong vùng “lõi” di sản. Dù các cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản yêu cầu dừng thi công nhưng Công ty CPDL Tràng An vẫn bất chấp. Rõ ràng là công ty này đã phớt lờ Quyết định 230/QĐ-TTg ngày 4-2-2016 về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An. Và dư luận cũng tỏ ra nghi ngờ: Có hay không việc những người thừa hành Quyết định 230/QĐ-TTg tại đây không biết, không nghe báo cáo, không thấy hiện trạng này?
Việc làm này của Công ty CPDL Tràng An không những xem thường pháp luật, mà còn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng con người, bởi việc để du khách ùn ùn đi lên cây cầu chưa qua kiểm định chất lượng là vi phạm pháp luật. Dư luận cũng đặt ra câu hỏi về vai trò quản lý di sản của cả một hệ thống các các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Bình. Công trình "khủng" được xây dựng và hoàn thành trong vòng nửa năm mà chính quyền sở tại vẫn không có cách nào dừng được việc xây dựng? Đây là chuyện quá lạ!
Ngày 30-3, Công ty CPDL Tràng An đã cho công nhân tiến hành tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trong vùng “lõi” Tràng An, sau khi có sự can thiệp của Bộ VHTTDL. Cả dãy núi vốn đẹp tự nhiên, nguyên sơ là thế mà giờ thành ra nham nhở, mất vẻ tự nhiên vốn có. Nếu không trả lại được hình ảnh ban đầu, điều tệ hại nhất có thể là UNESCO rút danh hiệu Di sản thế giới mà Tràng An đã được công nhận. Bài học từ Tràng An đặt ra nhiều vấn đề cần phải khắc phục cho các cơ quan quản lý ở cấp cả Trung ương và các địa phương có các di sản được UNESCO công nhận.
Thanh Thuận