Biên phòng - Tôi may mắn có được mấy mươi năm liên tục làm giáo viên văn hóa và trợ lý văn hóa trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), nay là BĐBP. Có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc, đó là lần tôi bất ngờ được trực tiếp chứng kiến sự quan tâm lớn lao của Bác Hồ kính yêu dành cho cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng CANDVT.

Một buổi chiều thứ 5, tháng 8-1959 - chiều Thu Hà Nội nắng đẹp, gió hiu hiu thổi. Như những buổi chiều, buổi tối thứ 2, thứ 5 hằng tuần khác, chiều ấy các đơn vị trong toàn lực lượng CANDVT dành riêng cho công tác bổ túc văn hóa (BTVH). Hầu như tất cả cán bộ, chiến sĩ đều hăng hái tham gia. Người biết chữ dạy người chưa biết chữ. Người có trình độ văn hóa cấp 2 dạy người chưa qua cấp 1. Nhiều cán bộ, chiến sĩ còn được đi học ở các lớp BTVH do các Sở, Ty Giáo dục các tỉnh tổ chức giảng dạy.
Là hạ sĩ quan với trình độ văn hóa cấp 3 phổ thông, tôi vừa tranh thủ các ngày nghỉ, giờ nghỉ tự học thêm, vừa đảm đương nhiệm vụ giảng dạy BTVH - giáo viên bán chuyên nghiệp của Trung đoàn 600 CANDVT, đơn vị có vinh dự được bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch.
Khoảng 3 giờ chiều hôm ấy, khi tôi đang mê mải giảng bài “quy đồng mẫu số” các phân số ở lớp BTVH của Đại đội 1, thì bất ngờ thấy Bác Hồ kính yêu đang đi về phía lớp học của chúng tôi. Đi ngay sau Bác là đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác. Trong nắng Thu vàng, gió nhẹ lay lá cành hai bên đường xoài và dừa tỏa bóng mát, trong bộ quần áo nâu giản dị, dép lốp, Bác ung dung bước. Tới gần cửa lớp BTVH, bỗng Bác bước chậm lại. Tôi cùng 28 học viên (trong đó có cả đồng chí Trung đội trưởng của chúng tôi) im phăng phắc, lòng khấp khởi mừng vui, hy vọng được Bác ghé vào thăm và ân cần dạy bảo như những lần Bác tới thăm đơn vị chúng tôi. Nhưng Bác vẫn chầm chậm bước. Rồi Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ:
- Phải tạo điều kiện cho anh em học thêm.
- Dạ! Thưa Bác! - Đồng chí Vũ Kỳ lễ phép đáp.
Bác đã đi qua rồi, nhưng giọng nói của Bác trong chiều Thu ấy vang mãi, ấm mãi, thấm vào lòng mong ước của chúng tôi...
Mấy hôm sau đó, đồng chí Vũ Kỳ đi cùng Thủ trưởng Trung đoàn 600 đến Đại đội 1. Tôi được chỉ huy đại đội cho gọi lên Sở chỉ huy gặp thượng khách. Giữ đúng lễ tiết tác phong, tôi đứng nghiêm chào Thủ trưởng và đồng chí Vũ Kỳ. Thủ trưởng cười và chỉ ghế cho tôi ngồi. Người mở đầu câu chuyện là đồng chí Vũ Kỳ:
- Bác Hồ khen chú giáo viên hôm thứ 5 vừa qua giảng bài nhiệt tình, nói chậm rãi, rõ ràng, dễ nghe... Nhưng Bác còn băn khoăn là không biết học viên có hiểu bài và có làm được bài tập không? Bộ đội ta ở đơn vị cận vệ này có nhiều đồng chí là con em nông dân các khu căn cứ cách mạng, mấy năm qua vào quân ngũ hăng hái luyện tập kỹ, chiến thuật, chiến đấu, công tác, chưa có điều kiện, chưa quen học tập văn hóa.
- Dạ. Báo cáo... - Tôi lễ phép đáp - Tất cả học viên hiểu bài và làm được hết bài tập trong sách giáo khoa đấy ạ. Cháu đã dành thời gian cho nhiều học viên lên bảng làm bài tập, cả lớp cùng theo dõi. Sau đó đã có kiểm tra viết. Học viên làm bài tốt lắm ạ.
- Thế là tốt – Đồng chí Vũ Kỳ khen, rồi hỏi: Đồng chí có muốn đi học thêm không?
Tôi e ngại nhìn thủ trưởng Trung đoàn, chưa biết trả lời như thế nào cho phải phép, dù trong tâm trí tôi lúc đó rất sung sướng, hồi hộp. Với địa vị một hạ sĩ quan như tôi có được phép đề đạt nguyện vọng riêng tư cao quá mức như vậy không, trong khi hàng trăm đồng đội trong đơn vị còn chưa qua trình độ văn hóa cấp 1, cấp 2? Quê hương miền Trung của tôi ngày đó nghèo lắm. Tháng 3 ngày 8, nhất là những năm mất mùa, nhiều gia đình thiếu gạo ăn, phải bữa rau, bữa cháo. Nhưng bà con quê tôi ai cũng ham học. Họ nói: “Cần nhiều chữ hơn cần gạo”. Tôi nhập ngũ trước khi hòa bình được lập lại trên miền Bắc với ước mơ được tham gia vào sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, được học tập thêm. Đây có phải là cơ hội tốt đẹp đã đến với tôi? Tôi còn đang phân vân suy nghĩ thì thủ trưởng Trung đoàn hình như đã đoán được tâm trạng của tôi nên đã gật đầu, mỉm cười khích lệ. Vô cùng phấn khởi, tôi mạnh dạn thưa:
- Dạ, được đi học thêm để không ngừng nâng cao trình độ, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới là nguyện vọng tha thiết của cháu ạ.
Thật là may mắn và vô cùng vinh dự! Đúng một tháng sau đó, tôi cùng các đồng chí hạ sĩ quan khác của lực lượng CANDVT được cử đi ôn luyện văn hóa, rồi thi đỗ vào Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Vinh. Năm học 1959 – 1960 là năm học đầu tiên tại hai trường đại học có các sinh viên mang quân hàm xanh màu lá. Để xứng đáng với sự quan tâm và công ơn vô cùng lớn lao của Bác Hồ và của các thủ trưởng cấp trên, chúng tôi nhanh chóng hòa nhập vào phong trào thi đua giảng dạy, học tập sôi nổi của nhà trường, gương mẫu chấp hành kỷ luật và hăng say học tập.

Sau khi tốt nghiệp đại học, chúng tôi được trở về làm nòng cốt công tác BTVH trong lực lượng CANDVT. Một số đồng chí được giao nhiệm vụ trợ lý văn hóa ở Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh CANDVT và các đơn vị trực thuộc. Một số đồng chí đảm đương nhiệm vụ giảng dạy các lớp văn hóa cấp 3, cấp 2 và đào tạo giáo viên cấp 2, cấp 1 cho các đơn vị trong toàn lực lượng. Thời kỳ này ở các tỉnh, thành CANDVT đều có các Phân hiệu Văn hóa.
Ở Trung ương có Trường Văn hóa, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh. Từ các mái trường này, hàng ngàn học viên đã miệt mài học tập, thi đỗ tốt nghiệp cấp 3, cấp 2, đủ trình độ thi đỗ vào các Trường Sĩ quan CANDVT, các trường đại học của Công an, Quân đội, của quốc gia và của các nước bạn. Nhiều sĩ quan, trong đó không ít sĩ quan trung, cao cấp, nhiều nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ ưu tú, nhiều thạc sĩ, tiến sĩ đã bắt đầu cất bước đi vào con đường học tập, nghiên cứu ngày càng cao, thành đạt, phục vụ lực lượng CANDVT và BĐBP sau này.
Có được thành tựu vẻ vang đó là nhờ sự quan tâm của Đảng, của Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Trong phong trào chung rất đáng tự hào đó, Trung đoàn 600 CANDVT luôn ở tốp các đơn vị dẫn đầu. Đặc biệt 5 năm giữa thập niên 70 của thế kỉ XX, lần đầu tiên trong lực lượng CANDVT, được cấp trên đồng ý, được Ban Giám hiệu và các giáo sư, giảng viên ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nhiệt tình giúp đỡ, Trung đoàn đã tổ chức thành công một khóa Đại học Ngữ văn tại đơn vị. Gần 30 sinh viên là các cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã được nhận bằng tốt nghiệp đại học. Đơn vị đã long trọng tổ chức lễ báo công trước Lăng Hồ Chủ tịch kính yêu đúng vào một chiều thu nắng đẹp, gió nhẹ...
Đại tá Phan Duy Kỷ kể (Lê Thanh Lâm ghi)