Biên phòng - Xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) đang từng ngày thay da đổi thịt, những tuyến đường trước đây gập ghềnh nhiều ổ gà, ổ voi, nắng bụi, mưa lầy, nay được trải nhựa, bê tông hóa khang trang, sạch đẹp, đời sống kinh tế nâng cao, an ninh trật tự được giữ vững... Bước chuyển mình ở Lộc Thịnh hôm nay đã minh chứng cho những nỗ lực, cố gắng trong xây dựng nông thôn mới của chính quyền, nhân dân và BĐBP ở khu vực biên giới này.

Nỗ lực vượt khó
Năm 2005, xã Lộc Thịnh được thành lập (tách từ địa phận 3 xã: Lộc Thành, Lộc Hưng và Lộc Khánh, thuộc huyện Lộc Ninh). Địa bàn này có khoảng 35% đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống như: Stiêng, Khmer, Nùng, Mường... Những ngày đầu xã mới được thành lập, cuộc sống của người dân nơi đây rất vất vả, đường giao thông nội đồng ở địa phương nhỏ, phần đa là đường đất đỏ; vào mùa mưa, đường trơn trượt; mùa khô, đường đất bụi mịt mù, đi lại rất khó khăn. Trong khi đó, điện lưới mới chỉ đến 50% dân cư trên địa bàn.
Tuy nhiên, từ khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội được đẩy mạnh. Cùng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, bà con nhân dân đồng thuận, khắc phục khó khăn để Lộc Thịnh khoác lên mình một diện mạo mới.
Thiếu tá Trần Đức Minh, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lộc Thịnh được tăng cường về xã Lộc Thịnh, hiện giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Năm 2008, được sự quan tâm của các cấp, ban, ngành trong tỉnh, Lộc Thịnh được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất điện, đường, trường, trạm và có những bước tiến mới về kinh tế, xã hội. Năm 2012, địa phương lại bước vào xây dựng nông thôn mới. Với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn, đến nay, đời sống của nhân dân trong xã đã được cải thiện, nhiều tuyến đường nông thôn mở rộng, những hàng đèn điện chiếu sáng thẳng tắp, tạo cho xã diện mạo khang trang, sạch, đẹp. Đến thời điểm hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của người dân trên địa bàn xã Lộc Thịnh đạt gần 30 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo từ 80 hộ/1.254 khẩu năm 2017 đến nay đã giảm xuống còn 67 hộ”.
Chị Thị Dân (sinh năm 1976), người dân tộc Khmer, trú tại ấp Chà Là, xã Lộc Thịnh phấn khởi nói: “Mấy năm nay, người dân chúng tôi ai cũng vui mừng khi chứng kiến quê hương đổi thay từng ngày, trường học được xây dựng khang trang, đường sá rộng rãi, bằng phẳng, đi lại thuận tiện, điện lưới đã đến từng gia đình. Nhờ đó, cuộc sống cũng đỡ cơ cực hơn, các cháu học sinh được tạo mọi điều kiện đến trường. Người dân chúng tôi biết ơn Đảng và BĐBP nhiều lắm!”.
Lộc Thịnh hiện có hơn 300 gia đình hoạt động kinh doanh tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ, với các lĩnh vực chủ yếu như chăn nuôi, xây dựng, thương mại, dịch vụ ăn uống, kinh tế trang trại...
Từ khi Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, nhiều ngành nghề dịch vụ, thương mại phát triển nhanh, giúp giải quyết việc làm và nâng cao đời sống người dân.
Bên cạnh đó, khoảng 1 năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đạt nhiều kết quả tích cực, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng cao so với những năm trước. Toàn xã hiện có 1.936,9ha diện tích trồng cây lâu năm như: Cao su, điều, tiêu, cà phê... và 247,9ha diện tích trồng cây hàng năm chủ yếu là lúa nước; hơn 3.000 con gia súc, 23.284 con gia cầm. Với những kết quả đã đạt được đó, chính quyền, nhân dân xã Lộc Thịnh đang phấn đấu cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2019.
Sát cánh cùng nhân dân
Thiếu tá Trần Đức Minh chia sẻ thêm: “Để Lộc Thịnh vươn lên mạnh mẽ như thời gian qua, bên cạnh sự nỗ lực, đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, còn phải kể đến sự giúp sức của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lộc Thịnh. Bởi, từ khi xã triển khai xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ huy đồn đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã xây dựng chủ trương, biện pháp lãnh đạo thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai, thực hiện tốt các chương trình, mô hình phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội ở xã như: Tặng quà, khám bệnh miễn phí cho người nghèo, tham gia làm đường giao thông nông thôn, mô hình “Bò giống cho người nghèo”, “Hũ gạo tình thương”, “Nâng bước em tới trường”.
Đồn Biên phòng cửa khẩu Lộc Thịnh cũng chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức ký kết với 1.007 hộ gia đình và chính quyền 6 ấp thuộc xã Lộc Thịnh thực hiện hiệu quả Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 2015 đến nay. Đồng thời, phối hợp với Công an, Quân sự xã, các tổ, chốt trên biên giới ngăn chặn có hiệu quả vi phạm quy chế biên giới; trao đổi tình hình, tuần tra, truy quét địa bàn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chia sẻ về những đóng góp của đơn vị trong việc chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Lộc Thịnh, Trung tá Phạm Văn Hoàn, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Lộc Thịnh cho biết: “Ngoài góp sức cùng địa phương hoàn thành tiêu chí về quốc phòng-an ninh, những năm qua, đơn vị còn tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hướng về người nghèo biên giới.
Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lộc Thịnh phối hợp với các tổ chức, đơn vị trong và ngoài tỉnh khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí được 3 đợt với hơn 550 lượt người dân, tặng 250 phần quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn, với tổng trị giá 75 triệu đồng. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị cũng nhận đỡ đầu 3 học sinh với mức 500 ngàn đồng/tháng, hỗ trợ bò giống cho các hộ nghèo... Ngoài ra, mỗi tháng đơn vị còn tiết kiệm 18kg gạo để giúp 1 hộ nghèo trên địa bàn giảm bớt khó khăn...”
Hồ Phúc