Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:18 GMT+7

Loại bỏ tính hình thức

Biên phòng - Kể từ ngày 20-3, giáo viên mầm non, phổ thông công lập sẽ không còn phải lo lắng về việc phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Đây là nội dung được đề cập trong các Thông tư được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) mới ban hành quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, trường phổ thông công lập.

Nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá, quyết định trên rất đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, giảm bớt những áp lực cho giáo viên. Bởi, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ của giáo viên hiện nay mang nặng tính hình thức, không thực chất, gây ra những hiện tượng tiêu cực cho ngành giáo dục thì cần phải được loại bỏ.

Theo quy định trước đây, giáo viên các cấp học, các hạng chức danh nghề nghiệp, ở các vùng miền khác nhau đều phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ từ bậc 1 đến bậc 3 (tùy hạng và tùy cấp học) và yêu cầu về trình độ tin học ở mức đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

Đối với cấp học phổ thông, giáo viên dạy ngoại ngữ được yêu cầu phải có trình độ ngoại ngữ thứ hai tương ứng như trình độ ngoại ngữ của các giáo viên khác.

Nhưng từ thực tế triển khai những năm qua, các quy định về tin học, ngoại ngữ đã bộc lộ những bất cập. Cụ thể, nhiều người không học thực chất mà chủ yếu tích lũy văn bằng, chứng chỉ. Trong khi việc tổ chức dạy học, thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không đảm bảo chất lượng, thậm chí có nơi còn để xảy ra tiêu cực và vi phạm gây bức xúc cho xã hội.

Ở nhiều địa phương, các cơ quan quản lý giáo dục, các trường học còn “ép” giáo viên phải hoàn thiện đầy đủ chứng chỉ về ngoại ngữ và tin học, nhằm mục đích chuẩn hóa trình độ theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Để khắc phục bất cập trên, trong các thông tư mới được ban hành, Bộ GD-ĐT đã bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên các cấp và bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ thứ hai đối với giáo viên dạy ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT có quy định khác về yêu cầu trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên các cấp theo hướng đưa ra tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ.

Cụ thể, các yêu cầu về ngoại ngữ không còn quy định “cứng” là phải đảm bảo bậc 1 hay bậc 2, bậc 3 như trước đây mà chuyển thành “có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao”.

Yêu cầu về trình độ tin học không còn là đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin mà là “có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ” của giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp.

Cùng với việc điều chỉnh quy định về trình độ ngoại ngữ trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo đưa yêu cầu về trình độ ngoại ngữ vào chương trình đào tạo theo khung trình độ quốc gia và chuẩn đầu ra của sinh viên sư phạm.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, các quy định mới không có nghĩa là trình độ ngoại ngữ, tin học không còn quan trọng với giáo viên. Bộ GD-ĐT chỉ bỏ những yêu cầu mang tính hình thức nhưng vẫn khuyến khích giáo viên học tập, tự nâng cao, bồi dưỡng năng lực cần thiết về ngoại ngữ, tin học. Vì đây là những năng lực quan trọng giúp giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, hỗ trợ dạy học chất lượng hơn, đặc biệt trong thời đại công nghệ số và hội nhập quốc tế như hiện nay.

Vấn đề cần chú trọng là siết chặt khâu kiểm tra, thi tuyển nghiêm túc để đảm bảo đội ngũ giáo viên có trình độ tin học và ngoại ngữ thực sự, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển nền kinh tế tri thức.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO