Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 30/11/2023 04:51 GMT+7

Loại bỏ một nguy cơ

Biên phòng - Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 4 phút, trên toàn thế giới có một trẻ em qua đời vì tai nạn giao thông (TNGT). Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trẻ em tử vong vì TNGT, chiếm 25% tổng số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích. Đáng lo ngại là 90% số vụ tai nạn liên quan đến học sinh trung học phổ thông (từ 16 - 18 tuổi) và tỷ lệ tử vong do TNGT của nhóm này có xu hướng gia tăng trong 2 năm gần đây.

Đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa về an toàn giao thông nhằm loại bỏ nguy cơ gây tai nạn, thương tích trẻ em. Ảnh minh họa

Trước con số học sinh trung học phổ thông thiệt mạng do TNGT ở nước ta ở mức 7/100.000 học sinh, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực châu Á (gấp 1,25 lần so với Campuchia; 1,84 lần so với Hàn Quốc và 2,73 lần so với Nhật Bản), ngành giáo dục đưa ra nguyên nhân: Lứa tuổi học sinh chưa có nhận thức đầy đủ về an toàn giao thông, thiếu kỹ năng khi tham gia giao thông, mức độ quan tâm đến sự an toàn của trẻ khi đi trên đường từ gia đình đến cộng đồng chưa được xem trọng và đặt ra một cách đúng mức.

Tuy nhiên, các chuyên gia giao thông chỉ ra “hung thủ” chính gây ra tai nạn thương vong cho học sinh khi tham gia giao thông là các phương tiện cá nhân do các em điều khiển: Xe máy, xe máy điện và xe đạp điện.

Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người điều khiển xe gắn máy dưới 50 phân khối, xe đạp điện, xe máy điện không cần giấy phép lái xe. Quy định thiếu chặt chẽ này dẫn đến 52% số học sinh trung học phổ thông thường xuyên sử dụng loại hình phương tiện trên để đến trường hằng ngày. Trong khi cơ quan chuyên môn cảnh báo, phương tiện dưới 50 phân khối, xe máy điện có trọng lượng nhẹ, thiếu các tính năng kỹ thuật an toàn, trong khi có tốc độ tương đối lớn (30-50km/giờ), điều khiển không đơn giản và nếu xảy ra va chạm, hậu quả để lại rất nặng nề.

Cũng vì không cần giấy phép lái xe, đa số học sinh không chỉ thiếu kỹ năng điều khiển phương tiện cơ giới, mà còn xuất hiện tâm lý coi thường pháp luật. Khi tham gia giao thông, các em không chấp hành các quy định về an toàn giao thông dẫn đến TNGT như: Không quan sát, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, lấn chiếm làn đường, vượt sai quy định...

Thế nên, ngay khi 2 dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông và Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, lần lượt được Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và nhiều bậc phụ huynh. Bởi, 2 dự luật trên bổ sung quy định: Người lái xe gắn máy, kể cả xe máy điện có dung tích xi-lanh dưới 50cm3 hoặc có công suất động cơ điện không quá 4kw phải được đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng A0. Người đủ 16 tuổi trở lên được cấp giấp phép lái xe hạng A0.

Dư luận đồng tình, nhất trí cao về sự thay đổi phương thức quản lý loại hình phương tiện trên sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ TNGT. Việc yêu cầu phải học và thi lấy bằng lái xe còn có ý nghĩa quan trọng trong việc trang bị những kiến thức, kỹ năng an toàn giao thông một cách bài bản, có hệ thống cho người trẻ ở độ tuổi vị thành niên, để họ hiểu lý do và chịu trách nhiệm cho hành vi giao thông của mình.

Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe mô tô tại nhiều cơ sở còn lỏng lẻo, nên với việc thêm hàng vạn trường hợp từ 16 đến 18 tuổi cần được cấp bằng lái xe, rất cần có giải pháp nâng cao chất lượng sát hạch. Người dân mong muốn Chính phủ có các quy định siết chặt quản lý, giám sát các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe để đảm bảo tính nghiêm túc, minh bạch của công tác tối quan trọng này.

Nếu ngay từ đầu việc sát hạch không nghiêm túc, nếu những tấm bằng chỉ để hợp thức hóa điều kiện lái xe, khó có thể hình thành ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông cho các em học sinh.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO