Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 10:46 GMT+7

Loại bỏ kẽ hở trong cai nghiện

Biên phòng - Sau nhiều phiên thảo luận, ngày 24-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi là Pháp lệnh).

Theo Pháp lệnh, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.

Trước tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy đang diễn biến rất phức tạp, Pháp lệnh đã nhận được sự đồng tình cao của người dân. Hằng năm, cả nước phát hiện khoảng 140.000 người sử dụng trái phép chất ma túy. Đến tháng 12-2021, toàn quốc có gần 250.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và độ tuổi người nghiện ngày càng trẻ hóa.

Đặc biệt là việc sử dụng ma túy tổng hợp trong giới trẻ dẫn đến loạn thần, “ngáo đá” và vi phạm pháp luật rất đáng lo ngại, gây bất an trong xã hội. Trong khi đó, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định hiện hành chỉ bị xử phạt hành chính cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng nên không đủ sức răn đe.

Mặc dù Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã khắc phục được nhiều vướng mắc liên quan đến công tác cai nghiện. Nhưng việc lập hồ sơ đưa người nghiện, nhất là trẻ vị thành niên vào nơi cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn.

Người nghiện ma túy thường chây ì, không thực hiện việc cai nghiện tự nguyện hoặc dùng thuốc thay thế. Bởi, luật chưa quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy cũng chưa quy định đầy đủ, bao quát được hết các trường hợp cần thiết phải hoãn, miễn, tạm đình chỉ cho người phải chấp hành cai nghiện bắt buộc với nhóm tuổi này.

Thế nên, Pháp lệnh ra đời sẽ là căn cứ pháp lý để áp dụng, thi hành pháp luật hiệu quả hơn. Thẩm quyền quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện (nơi người bị đề nghị cư trú hoặc nơi có hành vi vi phạm trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người bị đề nghị) sẽ loại bỏ được kẽ hở để các đối tượng lợi dụng trốn tránh việc cai nghiện bắt buộc.

Trước băn khoăn liệu biện pháp này có đảm bảo quyền trẻ em, các chuyên gia pháp luật khẳng định: Khi đưa người nghiện vị thành niên vào cai nghiện bắt buộc, họ chỉ bị coi là đi chữa bệnh, không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Tức là lý lịch tư pháp của các em không bị ảnh hưởng gì đến sự nghiệp phát triển sau này.

Mặt khác, việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải bảo đảm lợi ích tốt nhất, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức, đời tư của người bị đề nghị. Trong các cơ sở cai nghiện có bố trí khu cai nghiện riêng cho nhóm tuổi này, để các em không bị ảnh hưởng từ các đối tượng khác cũng như bảo vệ các quyền lợi chính đáng của trẻ em...

Rõ ràng, Pháp lệnh mang tính nhân văn nhằm giáo dục, giúp đỡ người nghiện vị thành niên phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Để công tác cai nghiện bắt buộc cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đạt hiệu quả cao, Nhà nước cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo nguồn lực cả về chế độ, chính sách, các điều kiện cai nghiện và chăm sóc trẻ em.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO