Biên phòng - Những ngày qua, giá điện, giá xăng dầu, giá gas liên tiếp tăng theo quy luật thị trường đang tạo áp lực lớn lên đời sống khi sức mua, thu nhập của người dân bị bào mòn nhanh hơn. Trong khi, Bộ Y tế đang soạn thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 37/2018, theo hướng giá dịch vụ y tế sẽ tăng theo sự thay đổi của mức lương cơ sở, vào tháng 7 tới đây.

Tại thành phố Hà Nội, nhiều người bệnh không có Bảo hiểm y tế (BHYT) thực sự “sốc” khi các cơ sở khám, chữa bệnh công lập đã tiến hành điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế đối với người không có thẻ BHYT, từ ngày 1-5-2019. Theo đó, 10 loại dịch vụ khám, chữa bệnh; 6 dịch vụ ngày giường; 1.937 giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm tại các bệnh viện ở Hà Nội được điều chỉnh giá.
Tuy nhiên, Sở Y tế thành phố Hà Nội khẳng định, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế lần này chỉ tác động đến 13,3% dân số Thủ đô chưa tham gia BHYT. Thậm chí, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, người dân sẽ thấy lợi ích khi tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.
Cùng lập luận trên, Bộ Y tế cho biết: Từ ngày 1-7-2019, mức lương cơ sở sẽ tăng lên thành 1.490.000 đồng. Do đó, giá dịch vụ y tế cũng sẽ phải điều chỉnh theo để tương ứng tỷ lệ tăng của mức lương cơ sở. Do kết cấu lương thấp nên giá dịch vụ y tế tăng từ 1.000 đồng đến cao nhất là khoảng 4.000 đồng cho mỗi dịch vụ, nên sẽ không gây xáo trộn lớn đến chi phí người bệnh.
Các chuyên gia y tế phân tích, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ mang lại những hiệu quả tích cực như: Người bệnh được hưởng lợi vì bệnh viện có kinh phí để mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị xét nghiệm và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế theo quy chuẩn của Bộ Y tế, chất lượng sẽ tăng lên. Đặc biệt, đối với người có thẻ BHYT do được chi trả phí cao hơn sẽ giảm phiền hà cho người bệnh vì không phải tự mua một số thuốc, vật tư hoặc phải trả thêm viện phí do BHYT không thanh toán.
Quan điểm này đúng từ góc độ của cơ quan quản lý y tế. Tuy nhiên, từ góc độ của người bệnh, nhiều ý kiến cho rằng, cốt lõi là đổi mới về cơ chế chính sách viện phí theo hướng coi hoạt động khám, chữa bệnh là một loại dịch vụ, cho nên phải tính đúng các yếu tố chi phí thực hiện dịch vụ, như vậy mới thúc đẩy các cơ sở y tế cung ứng các dịch vụ có chất lượng cho người dân. Mặt khác, phải rành mạch giữa hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người dân, giá dịch vụ phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng.
Từ câu chuyện tăng giá dịch vụ y tế, dư luận cũng kiến nghị: Nhà nước cần minh bạch giá thành của các mặt hàng thiết yếu mà Nhà nước đang quản lý như điện, xăng dầu, y tế hay giáo dục. Giá thành của các mặt hàng này cần phải được kiểm toán độc lập và công khai cho người dân biết.
Việc điều hành giá cho phù hợp với quy luật thị trường là bắt buộc và cần thiết nhưng cần công bố lộ trình cụ thể với những bước điều chỉnh cẩn trọng, tránh điều chỉnh một lần gây “sốc” đối với người dân và doanh nghiệp. Hệ quả giá xăng, giá điện cùng nhiều mặt hàng khác dồn dập tăng giá trong một thời gian ngắn vô hình trung tạo sự bức xúc nơi người dân là bài học cho các quan quản lý cần linh hoạt, chủ động hơn trong công tác điều hành giá, nhất là tăng cường tính dự báo cho người dân và doanh nghiệp.
Thanh Thảo