Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 04/06/2023 08:38 GMT+7

“Lỗ hổng” an toàn đường thủy

Biên phòng - Trước tình hình tai nạn giao thông đường thủy nội địa tiếp tục diễn biến phức tạp, dư luận mới tá hỏa trước thông tin đến thời điểm này, việc hoạch định các chính sách đảm bảo an toàn đường thủy vẫn dựa trên số liệu phương tiện thống kê cách đây gần 15 năm.

Cụ thể, năm 2007, lần đầu tiên ngành đường thủy thực hiện cuộc tổng điều tra toàn quốc về phương tiện và thuyền viên, người lái thủy. Kết quả cho thấy, có hơn 806.000 tàu, thuyền các loại.

Con số trên theo Cục Đăng kiểm Việt Nam đã lỗi thời vì số phương tiện thủy có trong dữ liệu đăng kiểm luôn cao hơn so với số liệu đăng ký; chỉ riêng số phương tiện được cấp đăng ký mới thời gian qua đã đạt hơn 53% con số trên.

Năm 2020, khối lượng hàng hóa qua các cảng đường thủy nội địa đã đạt 50 triệu tấn, vượt 295% công suất theo quy hoạch phát triển vận tải sông pha biển đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Điều đó cho thấy, không chỉ số lượng phương tiện đường thủy nội địa đã tăng đáng kể, mà công suất máy của hệ thống phương tiện thủy và số lượng thuyền viên và thuyền trưởng cũng vượt xa quy hoạch.

Theo nhiều chuyên gia, việc phát triển quá nhanh về tổng tải trọng phương tiện đường thủy đang tạo áp lực đáng kể lên hệ thống kết cấu hạ tầng, luồng đường thủy cũng như nguồn nhân lực. Cũng vì chưa có cơ sở dữ liệu về tàu thuyền, chứng chỉ của thuyền viên nên ngành Giao thông vận tải (GTVT) không thực hiện được việc kết nối phương tiện đường thủy nội địa với hàng hải và các cơ quan quản lý nhà nước khác.

Hiện nay, tỷ lệ vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa ngày càng tăng và chiếm khoảng 18% tổng tải trọng hàng hóa của cả nước. Bộ GTVT cũng chủ trương phát triển vận tải thủy nội địa nhằm san sẻ gánh nặng cho đường bộ. Tuy vậy, điều này chỉ có thể thực hiện được khi có đầy đủ những dữ liệu về thuyền viên, người lái, phương tiện và cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đúng mức.

Thế nhưng, sau nhiều lần trì hoãn, đến thời điểm này, Bộ (GTVT) vẫn chưa có số liệu chính xác về phương tiện tham gia giao thông đường thủy khiến các chính sách đảm bảo an toàn giao thông, thực thi pháp luật về an toàn đường thủy không theo kịp thực tế.

Ngay cả quy định yêu cầu các Sở GTVT địa phương phải báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam kết quả đăng ký phương tiện thủy định kỳ hằng tháng cũng đang bị nhiều địa phương phớt lờ, khi mới có 30 tỉnh, thành trong toàn quốc thực thi nhưng cũng không đầy đủ.

Hệ lụy của sự tắc trách là số lượng phương tiện thực hiện đăng kiểm lần đầu chỉ đạt khoảng 60%, tỷ lệ quay lại đăng kiểm định kỳ theo quy định của luật chỉ đạt khoảng 30%. Thậm chí, hầu hết phương tiện thủy gia dụng có tổng tải trọng dưới 1 tấn, sức chở dưới 5 gần như bị buông lỏng quản lý.

Chỉ tính riêng trong năm 2020, tai nạn giao thông đường thủy nội địa xảy ra gần 70 vụ, làm 46 người chết, bị thương 7 người; tăng 20% về số vụ, 91,67% số người chết so với cùng kỳ năm 2019. Hậu quả nghiêm trọng này rõ ràng xuất phát từ những giải pháp, chính sách đảm bảo an toàn giao thông đường thủy chưa được xác định và triển khai nghiêm túc.

Việc nắm bắt chính xác hiện trạng hoạt động của phương tiện thủy nội địa là cơ sở quan trọng để thực hiện các chính sách đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, góp phần bịt những “lỗ hổng” về công tác đăng ký, quản lý, kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện; đào tạo, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn; quản lý hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy...

Do vậy, ngành GTVT không thể chần chừ trong việc hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu để đề ra các chính sách phát triển bền vững vận tải thủy nội địa và đảm bảo an toàn đường thủy phù hợp với thực tế.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO