Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:52 GMT+7

“Linh hồn và mạch sống” của người chiến sĩ Biên phòng

Biên phòng - Với bất kỳ quốc gia nào, biên giới quốc gia cũng đều thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế và đối ngoại. Với vai trò nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, suốt 63 năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn vững vàng trên mọi trận tuyến, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, trong mọi giai đoạn. Để có được những chiến công, thành tích vẻ vang đó, có phần trọng yếu của công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong việc xây dựng nên sức mạnh chính trị, sức mạnh tinh thần của người lính Biên phòng, thực sự là “linh hồn và mạch sống” của người lính nơi tuyến đầu hiểm yếu.

Thiếu tướng Phạm Kiệt, Tư lệnh kiêm Chính ủy CANDVT (người đội mũ, thứ 4 từ trái sang) giới thiệu về chiến công bắn rơi máy bay F105D, biệt danh Thần Sấm của không quân Mỹ bằng súng bộ binh năm 1972. Ảnh: TL

Kỳ 1: Vững tư tưởng, mạnh ý chí trong những ngày kháng chiến

Trước yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc XHCN, ngày 19-11-1958, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 58/NQ-TW; ngày 3-3-1959, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 100/TTg hợp nhất các đơn vị công an, bộ đội làm nhiệm vụ trên các tuyến biên giới, bờ biển, giới tuyến và bảo vệ các mục tiêu nội địa thành một lực lượng có tổ chức thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở, lấy tên gọi là Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), nay là BĐBP. Kể từ mùa Xuân ấy, những người lính quân hàm xanh gánh trên vai trọng trách thiêng liêng là kế tục sự nghiệp của ông cha trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Điều hết sức đặc biệt là, dù trực thuộc Bộ Công an, song, ngay từ ngày đầu thành lập, lực lượng đã thực hiện chế độ Chính ủy giống như Bộ Quốc phòng. Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ tầm quan trọng và nhiệm vụ đặc thù của một lực lượng được coi là một minh chứng về sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, nhạy bén và tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta.

Đồng thời, căn cứ vào tình hình gấp rút, khẩn trương trên biên giới và dự báo về những phức tạp, khó khăn nảy sinh trong quá trình xây dựng, tổ chức lực lượng, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của CANDVT đã cùng với Ban Chỉ huy CANDVT Trung ương quyết định phải tiến hành trước mắt “3 mặt về công tác chính trị”. Phương hướng công tác năm 1959 cũng nêu rõ: “Phải tiếp tục giáo dục chính trị và đấu tranh không ngừng để giải quyết tốt tư tưởng”.

Sau rất nhiều biện pháp quyết liệt như xây dựng tổ chức đảng ở các khu ủy, thành ủy và các đơn vị cơ sở; tổ chức sinh hoạt chính trị định kỳ cho cán bộ, đảng viên; ra mắt “Bản tin” để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, phổ cập xuống tận cơ sở; giáo dục chính trị tư tưởng gắn với huấn luyện chiến sĩ mới; chỉ đạo công tác chính trị chung và có trọng điểm trong từng thời gian nhất định; giáo dục nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng cách mạng; tăng cường sưu tra chính trị và củng cố, xây dựng cơ sở chính trị trên các địa bàn... Tất cả cán bộ, chiến sĩ đều nhận thức rõ và sâu sắc hơn về tổ chức, biên chế, chuyển biến tốt về tư tưởng, an tâm nhận và thực hiện nhiệm vụ hiệu quả.

Nhờ làm tốt CTĐ, CTCT nên CANDVT đã huy động được sức mạnh nội tại cũng như sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các địa phương để khẩn trương bố trí lực lượng đồn, trạm trên toàn bộ các tuyến biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, giới tuyến quân sự tạm thời, dọc theo bờ biển và các mục tiêu quan trọng trong nội địa thuộc 33 khu, tỉnh, thành miền Bắc và Thủ đô Hà Nội. Nhiều cán bộ, chiến sĩ ngày nào còn băn khoăn, do dự thì nay đã trở thành hạt nhân tích cực trong mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị, ra sức khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần chủ động, tự lực cánh sinh, dùng vật liệu tại chỗ xây dựng doanh trại, nhanh chóng ổn định nơi ăn, chốn ở để triển khai công tác.

Nhiệm vụ của CANDVT lúc này là nhanh chóng ổn định tình hình chính trị, an ninh trên các tuyến Biên phòng. Do đó, để đưa CTĐ, CTCT của lực lượng đi vào chiều sâu và trở thành nền nếp, Hội nghị chính trị toàn lực lượng CANDVT lần thứ nhất xác định phải thường xuyên coi trọng công tác tư tưởng vì đó là “vấn đề có tính then chốt, rất cơ bản đối với từng bước đi lên của lực lượng” và “muốn làm tròn nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ CANDVT phải xây dựng phòng tuyến chính trị vững chắc, giác ngộ chính trị cao, ý thức tổ chức kỷ luật chặt chẽ, tinh thần cảnh giác sắc bén, nội bộ đoàn kết, gắn bó, liên hệ với nhân dân mật thiết”.

Khi đã vững về tư tưởng, mạnh về ý chí, người chiến sĩ Biên phòng năm ấy vững vàng trước mọi thách thức, sẵn sàng đối đầu với nhiều loại kẻ thù hiểm ác. Các anh bám dân, tiến hành công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, vận động nhân dân định canh, định cư, xây dựng hợp tác xã, xây dựng đời sống mới.

Đầu năm 1961, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ được Thủ tướng Chính phủ điều động sang làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Đại tá Phạm Kiệt được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công an kiêm Tư lệnh CANDVT và Đại tá Nguyễn Quang Việt được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công an kiêm Chính ủy CANDVT. Đến năm 1968, Thiếu tướng Phạm Kiệt được giao thêm trọng trách Chính ủy CANDVT. Có thể nói, đây là thời kỳ công tác Biên phòng cũng như CTĐ, CTCT trong CANDVT có nhiều dấu ấn quan trọng. Cùng với sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng, CTĐ, CTCT cũng từng bước hoàn thiện về nội dung, phương thức hoạt động và tổ chức, đi sâu vào các mặt hoạt động trọng tâm và thực sự là “linh hồn, mạch sống” của người lính biên thùy.

Dù cho môi trường hoạt động, hoàn cảnh công tác xa xôi, hẻo lánh, tổ chức sinh hoạt, học tập tách biệt, nhỏ lẻ, phân tán, xa sự chỉ huy của cấp trên và chịu sự tác động không nhỏ của cám dỗ, tiêu cực, gặp áp lực với điều kiện chiến đấu, công tác ác liệt..., dễ bị sa sút ý chí, thậm chí dẫn đến thoái hóa, biến chất, song, mỗi cán bộ, chiến sĩ CANDVT đều có ý chí và nghị lực thép.

Những bài giảng nâng cao nhận thức về tình tình nhiệm vụ mới, về cuộc vận động thường trực chiến đấu, về phong trào xây dựng Đảng “4 tốt”... đã tạo nên những đợt sinh hoạt chính trị ý nghĩa, giúp cho cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ, chiến sĩ nắm vững hơn yêu cầu đòi hỏi của tình hình mới để nâng cao trách nhiệm của mình. Một loạt các phong trào thi đua như: “Ba Nhất”, “Noi gương liệt sĩ Trần Văn Thọ”, “Học tập lá cờ đầu Quang Chiểu”, “Thường trực 24 giờ quyết thắng giặc Mỹ”, “Noi gương Đồn Roòn quyết hạ máy bay Mỹ bằng súng bộ binh”... đã cổ vũ tinh thần bộ đội, khơi dậy ý chí quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ trong toàn lực lượng.

Mặc dù phải khẩn trương tổ chức chiến đấu, nhưng Đảng ủy CANDVT đã dành thời gian để tiến hành chỉnh huấn chính trị, mở các Hội nghị quan trọng để bồi dưỡng quan điểm cơ bản của Nghị quyết Trung ương 11, Hội nghị xây dựng lực lượng CANDVT lần thứ 3; tổ chức các lớp huấn luyện cho cán bộ những nơi vẫn đang chiến đấu căng thẳng, quyết liệt như Quảng Bình, Vĩnh Linh và thậm chí là bồi dưỡng chính trị luân phiên cho thành viên các Phân đội an ninh vũ trang đang hoạt động trong lòng địch; công tác xây dựng Đảng, Đoàn trong chiến đấu vẫn được coi trọng; việc đề bạt, phong cấp, khen thưởng và chính sách cho cán bộ, chiến sĩ vẫn được tiến hành chu đáo.

Trên vĩ tuyến 17, cuộc đấu tranh bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời của quân và dân ta cũng vô cùng căng thẳng. Nhờ được giáo dục tư tưởng, chỉnh huấn nghiêm túc nên những chiến sĩ giới tuyến không những đấu tranh kiên quyết, làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn chia rẽ hai miền, tung gián điệp, biệt kích chống phá của địch, mà còn luôn nêu cao phẩm chất đạo đức của người chiến sĩ cách mạng, hiện thân của nền văn hóa trong sáng của chế độ XHCN miền Bắc. Chính lối sống lành mạnh với mục tiêu rõ ràng và lý tưởng cách mạng cao cả của chiến sĩ ta đã làm thức tỉnh một bộ phận trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền, củng cố niềm tin cho đồng bào bờ Nam Bến Hải.

Thời kỳ này, tình hình an ninh nội địa toàn miền Bắc vẫn còn rất phức tạp bởi có tới hơn 300.000 tên ngụy quân, ngụy quyền, gián điệp chỉ điểm của địch cài cắm lại. Lực lượng bảo vệ nội địa của CANDVT đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác, xây dựng kế hoạch và xử lý xuất sắc nhiều tình huống, đảm bảo an toàn cho các cơ quan Trung ương, các chuyến công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Các trinh sát đặc nhiệm lại mưu trí, nhạy bén trên mặt trận ngăn chặn các âm mưu gây bạo loạn ở Quang Chiểu (Thanh Hóa), ở Hồ Thầu, Giào San, Phong Thổ (Lai Châu), Ý Tý (Lào Cai), Thanh Ý (Quảng Ninh), tiến hành tiễu phỉ ở Hà Giang, đập tan vụ “Châu Phà” ở Kỳ Sơn (Nghệ An). Bằng nhân cách cao đẹp và việc làm nhân văn, họ đã kêu gọi hàng nghìn tên phỉ ra đầu thú trở về sinh sống với gia đình, các tổ chức phản động đội lốt tôn giáo bị bóc gỡ và xử lý nghiêm minh. Điều đáng nói là, các hoạt động ấy đều được tiến hành đúng nguyên tắc, đầy tình người và thể hiện sự hi sinh, tận tụy, hết lòng với biên cương Tổ quốc của người lính quân hàm xanh.

Đặc biệt, từ năm 1964 đến năm 1972 - giai đoạn chống “Chiến tranh phá hoại” ra miền Bắc của Mỹ - ngụy, dù nguy hiểm trùng trùng, nhưng ý chí và bản lĩnh của người lính quân hàm xanh đã tỏa sáng bằng những hành động quả cảm. Trên mọi trận tuyến, mọi địa bàn, các anh bám đồn, bám dân, bám mục tiêu, kiên quyết cùng các lực lượng đánh trả máy bay giặc, lăn lộn trong khói lửa bom đạn cứu dân, cứu tài sản của Nhà nước, tháo gỡ bom mìn, thủy lôi của địch, giữ vững an ninh trật tự địa bàn.

Toàn lực lượng trực tiếp bắn rơi 219 máy bay Mỹ, phối hợp với các lực lượng bắn rơi 225 chiếc, bắn bị thương 128 chiếc; lập các kế hoạch nghiệp vụ, phản gián để câu nhử, bắt và tiêu diệt trên 100 toán gián điệp biệt kích với gần 2.000 tên; hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ An ninh vũ trang miền Nam ưu tú đã chiến đấu ngoan cường trong lòng địch, tiêu diệt nhiều ác ôn, phá hủy nhiều mục tiêu quan trọng của Mỹ - ngụy, bảo vệ Trung ương Cục và cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam.

Có thể nói, trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, trong những đoàn quân chiến đấu ngoan cường trên mọi mặt trận, trong mọi nhiệm vụ, có phần đóng góp quan trọng của những người lính quân hàm xanh vững về tư tưởng, mạnh về ý chí và sáng ngời phẩm chất, đạo đức cách mạng, cùng quân dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, biên cương nối liền một dải từ địa đầu Móng Cái đến Mũi Cà Mau.

Kỳ 2: Ngoan cường, đảm lược trên trận tuyến bảo vệ biên cương

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO