Biên phòng - Đất nước bước vào tiến trình hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ với nhiều bước chuyển quan trọng, đòi hỏi công tác bảo vệ Tổ quốc cần phải đổi mới để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. Đây là thời điểm công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) của BĐBP có bước chuyển quan trọng về lượng và chất khi triển khai đầu tư bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ chính trị các cấp.
Kỳ 3: Bản lĩnh, linh hoạt và sáng tạo giữa tiến trình hội nhập
Ngay từ năm 2004, Thiếu tướng Hồ Trọng Lâm, Phó Tư lệnh về Chính trị BĐBP đã chỉ đạo Cục Chính trị chủ động phối hợp với các cơ quan Tổng cục Chính trị, Học viện Chính trị - Quân sự mở các lớp tập huấn chuyên ngành Tổ chức, Tuyên huấn, Cán bộ, Bảo vệ an ninh, Vận động quần chúng và một số kiến thức liên quan như dân tộc, tôn giáo, kinh tế, đối ngoại...
Hoạt động bồi dưỡng này hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực chỉ đạo của cấp chỉ huy phó chính trị, chủ nhiệm chính trị BĐBP tỉnh, năng lực tổ chức thực hiện CTĐ, CTCT cho đồn phó chính trị, trợ lý chủ chốt của cơ quan Cục Chính trị. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo này, mà năm 2005, cùng với toàn quân, BĐBP triển khai thực hiện hiệu quả, nhanh chóng Nghị quyết 51/NQ-TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 513/NQ-ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương về “Thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội”. Tới năm 2006, đã đề xuất bổ nhiệm 54 Chính ủy, 50 Phó Chính ủy, 625 Chính trị viên, 308 Chính trị viên phó. Thiếu tướng Võ Trọng Việt được bổ nhiệm giữ chức danh Chính ủy BĐBP; Thiếu tướng, nhạc sĩ Vũ Hiệp Bình giữ chức danh Phó Chính ủy BĐBP.
Trong cơ chế mới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tập trung xây dựng lực lượng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu. CTĐ, CTCT thời gian này có được nhiều dấu ấn nổi bật giữa thời bình. Công tác giáo dục chính trị gắn với quản lý, định hướng tư tưởng, chủ động đấu tranh với những quan điểm, nhận thức sai trái, không để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được tiến hành đồng bộ, chất lượng, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ quân sự và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Công tác luân chuyển cán bộ để đảm bảo cơ cấu, quân số hợp lý giữa ba miền được tiến hành với sự đồng thuận, ủng hộ cao của cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, công tác tuyển chọn con em đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới được coi trọng, để đào tạo, phục vụ lâu dài trong lực lượng...
Bên cạnh đó, kế thừa, tiếp nối thành quả của giai đoạn trước, nhờ đẩy mạnh tham gia xây dựng khu vực biên giới mà các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở các xã, phường biên giới thường xuyên được củng cố. Thường vụ Đảng ủy BĐBP đã tập trung nghiên cứu công tác chính trị, nắm bắt các hoạt động của BĐBP để quan hệ với các ban, ngành, địa phương để khơi mở những hoạt động phối hợp hiệu quả. Có thể kể đến các phong trào, cuộc vận động mới mang tính nhân văn cao như chương trình “Bò giống cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Mái ấm biên cương”, “Quỹ hiếm muộn”, Đề án “Bảo tồn và phát triển đồng bào La Hủ (Lai Châu), Đan Lai (Nghệ An), Chứt (Hà Tĩnh, Quảng Bình)”, Đề án “Đưa văn hóa thông tin về cơ sở”...
Đến nay, các phong trào, mô hình này vẫn phát huy giá trị và được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP duy trì, phát triển với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hoạt động chào mừng 50 năm Ngày Truyền thống BĐBP và 20 năm Ngày Biên phòng toàn dân được tổ chức sôi nổi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi và có tác dụng tuyên truyền, giáo dục chính trị cao, thực sự là “Ngày hội biên cương”. Đồng thời, huy động được sự ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần của các bộ, ban, ngành Trung ương cùng các địa phương và đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, người có uy tín của cả nước hướng về biên giới, hải đảo và BĐBP.
Tháng 1-2011, Thiếu tướng Võ Trọng Việt, Chính ủy BĐBP được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI đã cho thấy sự quan tâm, đánh giá đúng mức của Trung ương Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và sự lãnh đạo của Đảng đối với BĐBP. Thời kỳ này, mỗi đồn Biên phòng thực sự là một “Điểm sáng văn hóa vùng biên”, mỗi chiến sĩ Biên phòng ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cũng tự rèn luyện để trở thành người lính “vừa hồng, vừa chuyên” trên nhiều phương diện. Hoạt động CTĐ, CTCT lúc này chính là quá trình xây dựng cho mỗi cán bộ, chiến sĩ ý thức phấn đấu, rèn luyện nền tảng tư tưởng vững để từ đó mà nâng cao chất lượng của hoạt động CTĐ, CTCT.
Năm 2012, Chính ủy Võ Trọng Việt đảm nhận chức danh Tư lệnh BĐBP; Thiếu tướng Phạm Huy Tập, Phó Tư lệnh BĐBP được bổ nhiệm Chính ủy BĐBP; Thiếu tướng Lê Thái Ngọc được bổ nhiệm Phó Chính ủy BĐBP. Một giai đoạn mới với nhiều khởi sắc của CTĐ, CTCT trong công tác xây dựng lực lượng, đối ngoại và tuyên truyền. Từ mô hình kết nghĩa bản-bản trên biên giới Quảng Trị, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã ban hành Chỉ thị số 2219/CT-BTLBP, ngày 19-9-2012 về việc tổ chức phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” trên cả ba tuyến biên giới đất liền, đến nay, đã có 207 cặp cụm dân cư kết thành anh em. Một loạt các hoạt động đối ngoại ân tình đã được tổ chức hiệu quả như: kết nghĩa “Đồn - Trạm hữu nghị, biên giới bình yên” cho 180 cặp đơn vị; tổ chức các chương trình “Giao lưu hữu nghị biên giới” với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Trung Quốc, Lào, Campuchia và Giao lưu CTĐ, CTCT với Cục Quản lý di dân quốc gia, Bộ Công an Trung Quốc.
Đây cũng là thời điểm công tác tuyên truyền được triển khai mạnh mẽ, đa phương tiện, sinh động cả về hình thức lẫn nội dung. Một loạt các chuyên đề trên báo in, báo điện tử, cùng các chương trình truyền hình như “Âm vang biên giới”, “Giữ mãi màu xanh biên cương”, “Biên cương thắm tình hữu nghị” hay loạt phim tài liệu “Ký sự biển, đảo”, “Những trang sử biên thùy”... đã góp phần giúp nhân dân cả nước hiểu thêm về những cống hiến lặng thầm của BĐBP trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, giúp dân xóa đói giảm nghèo, từ đó, khơi dậy ý thức bảo vệ biên giới, hướng về biên giới trong mỗi người để tạo nên một sức mạnh tổng hợp, một khối đoàn kết, sẻ chia giữa hậu phương và tiền tuyến.
Năm 2017, Chính ủy Phạm Huy Tập nghỉ công tác; Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Phó Chính ủy BĐBP được bổ nhiệm giữ chức Chính ủy BĐBP, trở thành người đứng đầu lãnh đạo, chỉ đạo CTĐ, CTCT của lực lượng quân hàm xanh; Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn giữ chức danh Phó Chính ủy BĐBP. Trước yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới, đội ngũ cán bộ chính trị đã không ngừng đổi mới lề lối, tác phong công tác, tăng cường công tác nghiên cứu cơ bản, bám sát các chủ trương lãnh đạo của trên, bám sát thực tiễn diễn biến rất sôi động trên các lĩnh vực để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự, chống diễn biến hòa bình, xây dựng cơ sở chính trị, tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa bàn biên phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị...
Một vấn đề có tính nguyên tắc mà Chính ủy Đỗ Danh Vượng luôn yêu cầu là CTĐ, CTCT phải thường xuyên bám sát cuộc sống xã hội và hoạt động thực tiễn của quân đội. Thực hiện phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, quyết thắng”, từ năm 2017 đến 2021, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng cơ bản hoàn thành “ba đột phá”, đó là: đột phá về tổ chức biên chế, xây dựng lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đột phá về huấn luyện, đổi mới phương pháp, tổ chức huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng tính toàn diện, đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu và đột phá trong xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, cải cách hành chính quân sự.
Nhờ đó, dù áp lực nhiệm vụ tăng do tình hình biên giới, biển đảo có nhiều diễn biến phức tạp, hoạt động của các loại tội phạm xuyên quốc gia tăng, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và nhất là quân số, đầu mối giảm trong quá trình thực hiện Đề án tổ chức lực lượng, song, BĐBP vẫn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao do chất lượng, trình độ nghiệp vụ của cán bộ, chiến sĩ ngày càng được nâng cao.
Vừa tiến hành bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, tấn công các loại tội phạm, vừa tích cực tham gia củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, BĐBP đã chứng tỏ là một đội quân chiến đấu, đội quân công tác vững vàng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Các tổ chức Đảng đổi mới nội dung sinh hoạt, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, làm tốt công tác giáo dục chính trị cho đảng viên và cán bộ, chiến sĩ để xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, xác định quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Hàng năm, có từ 95 - 98% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh, đảm bảo sức mạnh chiến đấu, sức mạnh lãnh đạo để thực hiện đạt hiệu quả cao nhất các nội dung công tác.
Trong tham gia củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, xã hội khu vực biên giới, Đảng ủy BĐBP đã ban hành Chỉ thị 681-CT/ĐU ngày 8-10-2018 “Về việc phân công đảng viên đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”. Đồng thời, triển khai Kết luận số 68 ngày 2-5-2020 của Ban Bí thư về việc tăng thêm cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã trên địa bàn biên giới, biển đảo cả nước... Đến nay, đã có 166 đồng chí cán bộ BĐBP tham gia cấp ủy huyện, 474 đồng chí tham gia cấp ủy xã; tiếp tục duy trì 321 cán bộ tăng cường xã đặc biệt khó khăn và 2.563 đảng viên đồn Biên phòng về sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản.
Các mô hình “Vì những con tàu xa khơi”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Điểm sáng văn hóa vùng biên”, “Tiếng loa Biên phòng”, “Tặng cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ”, “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”... được khởi phát trong giai đoạn này tiếp tục triển khai rộng khắp, với tổng giá trị trên 30 tỷ đồng mỗi năm, góp phần giúp chính quyền và nhân dân khu vực biên giới giảm nghèo, phát triển bền vững. Đặc biệt, công tác đấu tranh chính trị cũng được tiến hành với những cách làm mới, phù hợp với thực tiễn cơ sở đã tạo nên phong trào toàn dân tham gia đấu tranh tố giác tội phạm, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 rộng khắp, được chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc trên biên giới đồng tình, ủng hộ.
Vai trò của CTĐ, CTCT còn thể hiện rõ nét qua việc Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước xây dựng, ban hành hệ thống văn bản pháp luật về biên giới và ký kết các hiệp định, quy chế về biên giới với các nước láng giềng. Đặc biệt, BĐBP đã chủ động vận dụng linh hoạt, sáng tạo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25-10-2013 về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tích cực tham mưu cho Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 về “Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia” và Quốc hội thông qua “Luật Biên phòng Việt Nam” vào ngày 11-11-2020, có hiệu lực ngày 1-1-2022. Đây là hai văn bản mang tính chiến lược và pháp lý cao nhất, một dấu ấn lớn tiếp thêm sức mạnh cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, quân đội ta nói chung và BĐBP nói riêng đã và đang có sự đổi mới tư duy về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từng bước “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, dựa vào nội lực là chính, kết hợp với tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, phát triển, văn minh, hiện đại...” như Nghị quyết số 33/NQ-TW đã chỉ rõ. Giữa tiến trình hội nhập, CTĐ, CTCT của BĐBP đã góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng quân hàm xanh, tạo nên nguồn sức mạnh chính trị - tinh thần vô giá của BĐBP trong thời kỳ mới.
Phạm Vân Anh