Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:42 GMT+7

“Linh hồn và mạch sống” của người chiến sĩ Biên phòng (bài 2)

Biên phòng - Trong suốt 10 năm chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc, 3 năm bảo vệ biên giới Tây Nam và gần 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế của 8 trung đoàn trên nước bạn Campuchia, những người lính CANDVT luôn giữ vững khí tiết của đội quân cách mạng trung kiên, ngoan cường, tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”....

Kỳ 2: Ngoan cường, đảm lược trên trận tuyến bảo vệ biên cương

Lịch sử đất nước bước sang trang mới. Công tác bảo vệ an ninh biên giới, biển, đảo cũng bắt đầu một giai đoạn mới. Sau bao năm chiến đấu trong lòng địch với nguy hiểm trùng trùng, lúc trên bưng, khi xuống biển, chịu đựng xiết bao gian khó trên chiến khu, đến ngày toàn thắng, nhà nhà đoàn viên thì những chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) lại tạm biệt thành đô lên đường ra biên giới, bắt đầu một cuộc chiến đấu mới không kém phần hiểm nguy là trấn áp các đối tượng phản cách mạng, bọn tàn quân FULRO, ngụy quyền…, bảo vệ vùng biển, vùng biên giới Tổ quốc Việt Nam thống nhất. Không chỉ có vậy, hòa bình chưa bao lâu, những chiến sĩ CANDVT lại bước vào trận tuyến mới, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam năm 1977 và biên giới phía Bắc năm 1979, giữ vẹn toàn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngày 7-4-1997, Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký ban hành Pháp lệnh BĐBP. Ảnh: Tư liệu

Nhưng đây cũng là lúc tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ có nhiều dao động, một số có biểu hiện mơ hồ, ngại gian khổ, hi sinh và bi quan, tiêu cực... Thậm chí, báo cáo của Đảng ủy CANDVT Trung ương về việc Tổng kết thực hiện Thông tư 22 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng chỉ rõ, từ năm 1976 đến 1979, số đảng viên vi phạm chiếm 34,16% số vụ việc phải thi hành kỷ luật của toàn lực lượng. Năm 1977, đồng chí Trần Quyết được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy CANDVT và được phong quân hàm Trung tướng. Đồng chí đã chỉ đạo Cục Chính trị triển khai tổ chức Hội nghị Chính ủy toàn lực lượng từ ngày 17-4 đến 25-4-1978 để lắng nghe ý kiến từ cơ sở, thẳng thắn phân tích, đánh giá tình hình và từ đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh xác định phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác xây dựng, chăm lo rèn luyện cán bộ, đảng viên.

Công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) được đẩy mạnh thông qua việc quán triệt các chỉ thị của Đảng và lực lượng, thể hiện trong từng nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với điều kiện từng tuyến biên giới. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo kiện toàn tổ chức về Đảng và chính quyền ở cấp tỉnh, xây dựng chế độ chỉ huy thống nhất trên phạm vi cả nước; hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, thực hiện tốt CTĐ, CTCT trong đấu tranh chống lại kế hoạch “hậu chiến” của Mỹ, ngụy và trong chiến đấu bảo vệ biên giới. Từ đó, đã làm chuyển biến mạnh mẽ, quyết liệt về hành động, tiến hành giáo dục nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, chiến sĩ; chăm lo công tác xây dựng Đảng và các tổ chức quần chúng, giải quyết tốt chế độ chính sách sau chiến tranh và công tác hậu phương quân đội, tạo động lực mới để cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chính vì vậy, trong suốt 10 năm chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc, 3 năm bảo vệ biên giới Tây Nam và gần 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế của 8 trung đoàn trên nước bạn Campuchia, những người lính CANDVT luôn giữ vững khí tiết của đội quân cách mạng trung kiên, ngoan cường, tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Điều đó cũng cho thấy, CTĐ, CTCT trong chiến đấu là vô cùng quan trọng.

Việc quán triệt tốt quan điểm, tư tưởng lãnh đạo của Đảng, chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã giúp cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc nguyên nhân, bản chất và quy mô chiến tranh và xác định rõ trách nhiệm chính trị của mình, có sự chuẩn bị kỹ càng về tư tưởng, động cơ chiến đấu, xây dựng quyết tâm chiến đấu dũng cảm và chiến đấu thắng lợi.

Ngày 10-10-1979, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 22/NQ-TW chuyển giao lực lượng CANDVT sang Bộ Quốc phòng, đổi tên thành BĐBP, đánh dấu một chuyển biến lớn về mô hình tổ chức cũng như cơ chế lãnh đạo, chỉ huy mới. Trung tướng Trần Quyết nhận nhiệm vụ mới ở Bộ Công an, và Thiếu tướng Đinh Văn Tuy giữ vị trí Chính ủy BĐBP năm 1980 và năm 1981 giữ vị trí Tư lệnh BĐBP.

Mặc dù có nhiều xáo trộn trong bối cảnh hai cuộc chiến đấu còn ác liệt, song Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vào khuôn khổ chung theo hệ thống chỉ huy của QĐND Việt Nam. Tinh thần chiến đấu, bản lĩnh chỉ huy tác chiến, năng lực chuyên môn, ý thức kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã theo kịp trình độ phát triển của quân đội.

Có được điều đó, là nhờ sự nỗ lực, phối hợp ăn ý giữa Tư lệnh Đinh Văn Tuy và Phó Tư lệnh về Chính trị Trần Linh (được bổ nhiệm năm 1986). Trong nhiều năm, bằng trách nhiệm chính trị và uy tín cá nhân, hai thủ trưởng cao nhất của lực lượng đã trực tiếp báo cáo, tham mưu với Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị hiểu rõ hơn về đặc thù CTĐ, CTCT đối với lực lượng nòng cốt, chuyên trách bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới cũng như sự đa dạng, phức tạp của nhiệm vụ trên cả ba lĩnh vực: quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Từ đó, Tổng cục Chính trị đã có văn bản chỉ đạo hoạt động CTĐ, CTCT trong BĐBP thống nhất từ Tổng cục đến các Quân khu và BĐBP các tỉnh.

Đặc biệt, ngày 26-8-1985, Đảng ủy Quân sự Trung ương ra Quyết định số 10/QĐTW về thành lập Đảng ủy BĐBP. Có được mô hình tổ chức này là cả một quá trình phấn đấu gian khổ khó khăn, trải nghiệm bằng thực tế chiến đấu và công tác của cán bộ, chiến sĩ, tạo niềm sinh khí mới thúc đẩy hoạt động nhiệm vụ công tác biên phòng nói chung, CTĐ, CTCT nói riêng. Đảng bộ Biên phòng tỉnh, thành được chuyển từ Đảng ủy Quân sự về trực thuộc các Tỉnh, Thành ủy. Vai trò và tính chủ động, sáng tạo của hệ thống cơ quan chính trị trong BĐBP ngày càng được khẳng định.

Nhưng thử thách vẫn chưa dừng lại, tháng 11-1987, Bộ Chính trị Trung ương Đảng có Quyết định 07/QĐTW chuyển BĐBP về Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Trước nhiều áp lực về chủ trương đổi tên, chuyển chức năng nhiệm vụ, song, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã nhạy bén, tham mưu, thuyết trình để Ban Bí thư Trung ương Đảng kết luận giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và tên gọi BĐBP.

Dưới sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của Bộ Nội vụ trong gần 7 năm, BĐBP đã có những bước chuyển biến vững chắc về mọi mặt. CTĐ, CTCT đổi mới cơ bản trong giáo dục chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, từng bước giác ngộ quần chúng, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân và đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền đặc biệt. Đây cũng là giai đoạn công tác xây dựng Đảng và triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về đổi mới, chỉnh đốn Đảng trong BĐBP có bước phát triển vượt bậc. 4 đảng bộ thuộc Đảng bộ BĐBP được tặng cờ của Đảng ủy Công an Trung ương và hơn 30 đảng bộ BĐBP tỉnh, thành được tặng cờ của Ban Chấp hành Tỉnh ủy.

Gắn bó máu thịt với nhân dân, hiểu rõ vai trò của quần chúng nhân dân, năm 1989, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị với Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 16/HĐBT, lấy ngày 3-3 hàng năm là “Ngày Biên phòng”. Thiết thực thực hiện Quyết định số 16/HĐBT, những năm tiếp theo, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội hình thành được nhiều phong trào hậu phương tuyến sau hướng về tuyến trước: “Vận động phụ nữ các dân tộc biên giới, hải đảo”, “Nông dân Việt Nam nâng cao tinh thần trách nhiệm trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới”, “Phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ ở khu vực biên giới, hải đảo”, “Nghĩa tình biên giới - hải đảo”, “Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa - thông tin ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số biên giới”...

Ngày 8-8-1995, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VII) ra Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Xây dựng BĐBP trong tình hình mới”, đồng thời, quyết định chuyển BĐBP từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng. Sau một thời gian triển khai Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, lực lượng BĐBP không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Tổ chức lực lượng BĐBP được nghiên cứu, điều chỉnh để phù hợp với chức trách, nhiệm vụ cũng như thống nhất về mặt tổ chức và cơ chế chỉ huy của toàn quân. Cũng trong năm 1995, Trung tướng Trần Linh nghỉ hưu, Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh về Chính trị.

Là người giàu kinh nghiệm thực tiễn, Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chỉ đạo các đơn vị xây dựng “Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”. Năm 1998, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh tiếp tục ban hành chủ trương “Tăng cường cho mỗi xã đặc biệt khó khăn 1 cán bộ BĐBP để tham mưu và tham gia giúp địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh”. Những quyết định quan trọng đó đã thể hiện rõ “ý Đảng, lòng dân” và tinh thần “tất cả vì biên cương thân yêu” của người lính Biên phòng, góp phần củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, xã hội và nhất là khơi dậy truyền thống giữ nước, ý thức bảo vệ cương thổ quốc gia và tinh thần làm chủ biên giới của quân dân nơi địa đầu.

Một điểm nhấn quan trọng của CTĐ, CTCT giai đoạn này, là trong suốt 6 năm (từ năm 1998 đến năm 2004), trên cơ sở thống nhất các vấn đề mang tính nguyên tắc, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã kiên trì báo cáo, thuyết phục để cuối cùng, Bộ Chính trị đã quyết định giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ, hệ thống tổ chức lực lượng. Bên cạnh đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Pháp lệnh BĐBP (năm 1997), Luật Biên giới quốc gia (năm 2003) cùng các điều ước quốc tế, các hiệp định, quy chế biên giới. Những văn bản pháp quy đó đã khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của biên giới quốc gia, nhấn mạnh vai trò nòng cốt, chuyên trách của BĐBP trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.

Trong những năm chiến đấu bảo vệ biên giới, khó có thể đong đếm được những hi sinh, mất mát và định lượng được ý chí, tinh thần xả thân vì nghĩa lớn của người lính Biên phòng. Chỉ biết đã có hàng trăm tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hàng ngàn thương binh, liệt sĩ đã bám trụ từng tấc đất biên cương, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, hơi thở cuối cùng.

Vào giai đoạn đổi mới, thật khó có thể thống kê chính xác có bao nhiêu đồng bào các dân tộc được BĐBP dạy chữ, khám chữa bệnh, giúp xóa đói, giảm nghèo... Chỉ biết rằng, lặng lẽ giữa vùng biên, những chiến sĩ quân hàm xanh ngoan cường trong chiến đấu, đảm lược giữa thời bình vẫn đang không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, trở thành ngọn hải đăng thắp sáng không kể ngày đêm, làm điểm tựa soi đường cho nhân dân biên giới.

Kỳ 3: Bản lĩnh, linh hoạt và sáng tạo trong thời kỳ hội nhập

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO