Biên phòng - Những khoảnh khắc đẹp nhất của người lính Biên phòng không chỉ qua câu chuyện họ kể lại, mà còn qua những “hành động đẹp”, mà chính họ cũng không hay biết. Những hành động nhỏ nhưng đầy ý nghĩa trải khắp mọi nẻo đường biên giới vẫn luôn ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi người dân.
Thương dân
Con đường lên xã Ga Ri, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam càng xa ngái vào những ngày mưa đổ. Rừng hiện ra trước mắt chúng tôi với những hàng cây cao vút, thân cây rêu mốc vài người ôm không xuể. Giữa trưa, sương mù như bức màn đột ngột hạ xuống tạo ra không gian mờ mịt và lạnh giá. Chốn hoang lạnh đó vẫn ấm nồng tình cảm quân dân giữa những người lính Biên phòng và đồng bào ở 2 bên biên giới. Thiếu tá Lê Văn Thắng vừa từ địa bàn trở về Đồn Biên phòng Ga Ri. Trời tạnh, nhưng anh vẫn khoác bộ áo mưa để quần áo đỡ lấm lem bùn đất.
Trong sương lạnh, anh kể về câu chuyện đồng bào nơi đây còn nghèo, thiếu thốn đủ thứ, săn bắn được con gì thì gõ chiêng báo hiệu trời cho thức ăn. Giọng trầm ngâm, anh tâm tình: “Anh em trinh sát xuống địa bàn ở chung với dân, mình mua thức ăn về, nhưng thấy họ nghèo quá nên nhường cho con cái họ, mình cùng ăn kham khổ với đồng bào. Thấy con họ thiếu quần áo mặc, thiếu sách vở thì mỗi anh em tự bỏ tiền ra mua cho. Còn đơn vị thì thường xuyên kêu gọi từ miền xuôi ủng hộ cho đồng bào trên này”.
Tôi gặp Thiếu tá Nguyễn Văn Diễn ở Đồn Biên phòng Thuận, BĐBP Quảng Trị, nói chuyện với anh dưới một gốc cây già trong góc sân, khi màn đêm đã buông xuống núi rừng. Câu chuyện của anh quay đi quay lại vẫn là 2 chữ “đồng bào”. Anh Diễn từng là cán bộ tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư thường trực xã Thuận, cùng chia ngọt, sẻ bùi với anh em cán bộ xã. Khi tuổi quân ngũ sắp hết, anh xin về đơn vị làm công tác vận động quần chúng để tiếp tục lo cho đồng bào, xuống thăm từng nhà dân để chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. “Anh định làm gì khi về hưu?”. Nghe tôi hỏi, anh trả lời nhanh: “Chắc thỉnh thoảng lên đây thăm lại đồng bào và anh em cán bộ xã”.
Những người lính ở vùng biên cương nghèo, xa xôi luôn giữ cốt cách của Bộ đội Cụ Hồ. Tôi nhớ lâu nhất là giọng nói của các anh thường “đi ra” từ trái tim và nét ưu tư hiện ra trong ánh mắt. Tình quân dân đã tạo ra chất kết dính bền chặt trên khắp dải biên cương của Tổ quốc.
Lo cho con tội phạm
Ngày cuối năm, thành phố Đà Nẵng tấp nập dòng người giữa phố hoa. Trung tá Lê Xuân Thành và anh em trong Đội Phòng chống ma túy và tội phạm đang ngồi chờ tin từ các nguồn trinh sát để tập trung đánh án vào ngày cuối năm. Trong lúc lo việc chặn bắt tội phạm thì Trung úy Tạ Thiên Sơn lại nhắc đến việc con của những tội phạm có hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh em cần đến thăm hỏi. Đối với lính trinh sát, trước khi bắt tên tội phạm nào thì họ cũng nắm luôn hoàn cảnh gia đình của đối tượng này. Nhưng khi vụ án khép lại thì hoàn cảnh gia đình của những tên tội phạm này lại thấm vào niềm thương cảm của lính trinh sát.
Người mà Trung úy Sơn vừa nhắc đến là con gái của một tên tội phạm ma túy bị anh em bắt giữ cách đây vài năm ở phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Tên tội phạm này đã bị tòa tuyên án 8 năm tù và bắt đầu chấp hành án từ năm 2015. Nếu không được ân giảm thì đến năm 2023, y mới mãn hạn tù. Người vợ của đối tượng này bỏ nhà ra đi, để lại đứa con gái cho bà nội chăm sóc. Hoàn cảnh đó đã khiến những người lính bứt rứt trong lòng.
Trung úy Sơn cho biết, cô bé này học rất giỏi và có lẽ lớn lên trong hoàn cảnh gia đình như vậy nên cháu sống rất nội tâm. Trung úy Sơn và anh em trinh sát kể tỉ mỉ về gia cảnh của cháu. Anh em trinh sát Biên phòng thỉnh thoảng nhắc nhau đến thăm và giúp đỡ, nhắc nhở cháu cố gắng học hành, nếu có việc gì cần thì cứ liên hệ với các chú để được giúp đỡ. Tôi nhờ anh em trinh sát dẫn đến thăm, nhưng cuộc hẹn này không thực hiện được, vì cô bé không muốn mọi người biết về hoàn cảnh khó khăn của mình.
Chỉ tính riêng trong năm 2017, lực lượng trinh sát phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP Đà Nẵng đã bắt được 70 đối tượng liên quan đến ma túy, góp phần vào mục tiêu “5 không, 3 có, 4 an” (5 không bao gồm: không hộ đói, không người lang thang xin ăn, không người mù chữ, không người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của; 3 có gồm: có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị; 4 an gồm: an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an ninh xã hội) của thành phố. Nhưng phía sau mỗi vụ án, những người lính vẫn luôn trăn trở với nỗi niềm “con của tội phạm”. Trách nhiệm gắn với tình cảm đó đã giúp các anh vừa hoàn thành nhiệm vụ, nhưng cũng không quên phận sự và thậm chí, đôi khi xem như món nợ “tình người hậu vụ án”.
Người được lưu danh
Đi qua làng chài Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, nhiều người vẫn luôn nhắc đến “ông già Đạo Biên phòng”. Đại tá Trần Quang Đạo, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sa Huỳnh là người đã rời vùng đất này gần 30 năm, nhưng vì sao ông vẫn được người dân lưu danh lâu đến vậy? Nhiều người còn kể từng chi tiết về việc nửa đêm gặp ông già Đạo cầm đèn pin đi vào từng ngóc ngách xóm chài hỏi, “bữa nay có gió sao không đi biển? Mấy bữa nay đánh bắt ra sao?”.
Đại tá Trần Quang Đạo khi về hưu đã không quay về ngôi nhà riêng của mình trên đường Hùng Vương, thành phố Quảng Ngãi mà sống cuộc đời vui thú điền viên với núi rừng. Ông về quê ở xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ, phát quang rừng, tạo thành một khu V.A.C, suốt ngày nghe tiếng chim kêu, gà gáy, tiếng lá cây lay xào xạc. Những người dân làng chài thỉnh thoảng nhớ “ông già Đạo” thì lại mang vài con cá tìm đến thăm và ôn chuyện cũ. Đó là những thanh niên sau ngày giải phóng vẫn để tóc dài chấm vai, quần ống loe, xăm trổ trên người, thích phong cách “híp pi”, bị “ông già Đạo” đến tận nhà nói chuyện như cha mẹ, yêu cầu phải lo tu chí làm ăn, thực hiện nếp sống mới.
Khắp dải biên cương, có rất nhiều “chân dung” như “ông già Đạo”. Họ luôn sống mãi trong lòng dân, như bức tượng đài vững chắc, không xoay chuyển, đổi dời theo năm tháng.
Đức Anh - Văn Chương