Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 04/06/2023 10:03 GMT+7

Lính Biên phòng nuôi ong rú lấy mật

Biên phòng - Từ tình yêu thiên nhiên, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Hải, BĐBP Quảng Ngãi đã hình thành ý tưởng nuôi ong rú (hay còn gọi là ong dú) trong khuôn viên doanh trại. Không chỉ lấy mật dùng chữa các loại bệnh thông thường cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, phong trào nuôi ong rú đã giúp cán bộ, chiến sĩ chăm chút hơn cảnh quan đơn vị, hạn chế ra ngoài doanh trại trong những ngày nghỉ, giờ nghỉ.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Hải kiểm tra ong rú sinh sản. Ảnh: Văn Tánh

Xung quanh doanh trại Đồn Biên phòng Bình Hải có rất nhiều tổ ong rú sinh sống tự nhiên được người lính quân hàm xanh thuần dưỡng, chăm sóc. Vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Hải thường tới thăm các tổ ong rú, quan sát chúng xây tổ, làm mật.

Chia sẻ về loài ong quý, hiếm trong các loại ong rừng, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Hải cho biết: “Ong rú có màu đen, kích thước chỉ lớn hơn con ruồi, chúng làm tổ trong các bọng cây mục, hoặc trong các bờ đất ven suối. Ong rú rất thân thiện, không chích, đốt, gây nguy hiểm cho con người. Mật ong rú có giá trị kinh tế cao và có nhiều tác dụng trong phục hồi sức khỏe, chữa trị các loại bệnh thông thường, nên việc nuôi dưỡng loài ong này lấy mật đã trở thành phong trào của cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị”.

Trò chuyện với chúng tôi về phong trào nuôi ong rú, Đại úy Phan Tấn Ba chia sẻ: “Địa bàn đơn vị đóng quân, ong rú sinh sống rất nhiều. Những ngày nghỉ, anh em thường đi tìm, hoặc mua lại của người dân rồi mang về đơn vị nuôi. Lúc đầu, có một số anh em tham gia thôi, sau này, thấy nuôi có hiệu quả nên mọi người hăng hái chăm sóc, thuần dưỡng. Từ đó, đàn ong rú trong đơn vị tăng lên ngày một nhiều”.

Đại úy Ba cho biết thêm, việc nuôi dưỡng loài ong này ở môi trường có sự tác động của con người không gặp nhiều khó khăn, không tốn chi phí cho chúng ăn uống và điều trị bệnh tật, tuy nhiên, người nuôi phải am hiểu đặc tính của chúng và cần sự tỉ mỉ trong quá trình chăm sóc.

Ngoài việc giữ cho môi trường thoáng mát, không ô nhiễm, không bị nóng lạnh bất thường, người nuôi ong phải thường xuyên kiểm tra tổ để phòng ngừa côn trùng và các loại thiên địch của ong như thằn lằn, rắn mối, hay chuột... xâm nhập. Kinh nghiệm của một số chiến sĩ cho thấy, một tổ ong có một ong chúa, khi đẻ, ong chúa tạo ra 1-3 ấu trùng ong chúa thế hệ sau. Ấu trùng ong chúa lớn lên trở thành ong chúa trưởng thành. Khi “quân số” trong tổ tăng dần, thì người nuôi chủ động tách đàn cùng với ong chúa sang một tổ khác để chúng tiếp tục sinh sản, làm mật.

Tuy mới phát triển phong trào nuôi ong rú từ giữa năm 2019, song, đến nay, những người lính quân hàm xanh Đồn Biên phòng Bình Hải đã nhân đàn ong giống lên đến 60 tổ, với hàng trăm nghìn con. Đại úy Ba nói: “Mình đi tìm phát hiện ra tổ thì bắt bỏ vào cái hũ. Lấy cả trứng, phấn và đặc biệt là phải bắt cho được con ong chúa, để các con ong khác phải theo nó vào trong hũ. Đến lúc trời tối thì mình mang về đơn vị chăm sóc cho nó sinh sản. Hiện nay, đàn ong rú ở đơn vị đang phát triển tốt, nhiều tổ đã có mật, nhưng chúng tôi chưa khai thác. Thời điểm này là mùa Hè, môi trường tự nhiên có ít phấn hoa, nên lượng mật đó coi như làm thức ăn dự trữ nuôi ong qua mùa nắng nóng”.

Đại úy Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ quân y Đồn Biên phòng Bình Hải thổ lộ: “Khác với các loài ong, ong rú tạo ra mật từ nước dãi và phấn hoa chuyển hóa, cho nên mật ong rú ngọt thanh, hơi chua. Mật của loại ong này có nhiều công dụng trong y học hơn so với các loại mật ong khác. Mùa nắng nóng, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị bị viêm họng, cảm sốt, hay mất nước trong huấn luyện thì anh em hay sử dụng mật ong rú để uống.

Hiện nay trên thị trường, 1 lít mật ong rú có giá từ 1-1,5 triệu đồng, song rất khó mua vì nó thuộc “hàng hiếm”. Thường thì một tổ ong rú chỉ cho từ 0,5-1 lít mật, chứ không nhiều. Nếu đàn ong phát triển tốt như thời điểm hiện nay, thì trong tương lai, chúng tôi sẽ thu nguồn mật ong “quý hiếm” này để dùng vào việc bồi bổ sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và thân nhân gia đình”.

Đến Đồn Biên phòng Bình Hải, nhiều người cảm nhận được tình yêu thiên nhiên của người lính quân hàm xanh qua những tổ ong rú đặt quanh doanh trại. Thành quả bước đầu của việc thuần dưỡng loài ong tự nhiên cũng đã mở ra hướng đi mới cho công tác tăng gia sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, vừa phục vụ đời sống cho bộ đội và có thể cung cấp cho người tiêu dùng.

Văn Tánh

Bình luận

ZALO