Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 25/03/2023 06:43 GMT+7

Lính Biên phòng nơi đầu sóng, ngọn gió

Biên phòng - Chúng tôi ra đảo Hòn Khoai (thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) đúng ngày biển động. Tàu mới rời đất liền khoảng 5 hải lý thì gặp mưa dông ập đến, trời tối sầm lại, con tàu thật sự quá nhỏ nhoi và mong manh trước biển. Hơn 20 phút chống chọi với cơn thịnh nộ của thời tiết, con tàu mới thoát khỏi vùng nguy hiểm, trời sáng dần và đảo Hòn Khoai hiện ra trước mắt.

fru7_10b
Vào ngày nghỉ, các đơn vị quân đội trên đảo Hòn Khoai tổ chức thu gom rác, bảo vệ môi trường. Ảnh: Lê Khoa

Xuất phát từ cửa Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, sau hơn 4 giờ đồng hồ, con tàu chở chúng tôi mới cặp được cảng Hòn Khoai. Chuyến đi tuy vất vả nhưng an toàn, gặp anh em bộ đội ai cũng vui, tay bắt mặt mừng. Lên đảo rồi nhưng cảm giác lâng lâng vì say sóng vẫn còn, vậy mà Thiếu tá Trần Văn Khởi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Khoai vẫn “vô tư” nói: “Sóng gió như thế này là chuyện thường. Cách đây vài tháng, đơn vị cứu hộ 1 tàu đánh cá của ngư dân Cà Mau bị sóng đánh chìm, khiến 4 thuyền viên trên tàu đều bị trôi dạt trên biển. Sóng to, gió lớn, nhưng cán bộ, chiến sỹ vẫn quyết tâm ra biển cứu người, trục vớt, kéo tàu vào đảo...”. Nghe đến từ “chìm”, tôi như bị say sóng trở lại, nhưng hình dung ra hình ảnh bộ đội căng mình trong sóng to, gió lớn để cứu hộ ngư dân gặp nạn thì những cơn sóng vừa qua có thấm gì. 

Đặt ly nước xuống bàn, Thiếu tá Khởi nhớ lại: Vào khoảng 20 giờ, ngày 13-2-2019, Đồn Biên phòng Hòn Khoai nhận được tin báo của ông Huỳnh Văn Khải, ngụ khóm 1, thị trấn Rạch Gốc về việc tàu đánh cá CM91088TS của ông, giao cho ông Lâm Văn Que, ngụ cùng thị trấn Rạch Gốc làm thuyền trưởng, trong khi đánh bắt đã gặp nạn trên biển. Trên tàu có 4 người, làm nghề thu mua tôm sú. Khi tàu đang hoạt động trên biển cách đảo Hòn Khoai khoảng 6 hải lý về hướng Đông thì bị phá nước có nguy cơ chìm. 

Tiếp nhận thông tin, đơn vị báo cáo Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau và nhận được lệnh nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện ra biển tìm kiếm cứu nạn. Đồn Biên phòng Hòn Khoai đã sử dụng tàu BP 19-06-01 và cử 5 cán bộ, chiến sỹ ra biển tìm kiếm cứu nạn. Đến khoảng 21 giờ 50 phút cùng ngày, lực lượng cứu hộ của đơn vị đã tiếp cận và cứu vớt thành công 4 thuyền viên lên tàu an toàn, đồng thời lai dắt tàu gặp nạn về đảo để khắc phục sự cố.

Trở lại với câu chuyện, Thiếu tá Khởi chia sẻ: “Ở đảo không có dân, nhưng hằng ngày đều có hàng chục phương tiện của ngư dân hành nghề khai thác hải sản đến từ các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre vào neo đậu tránh gió, hoặc vào lấy thêm nước ngọt. Neo đậu gần đảo nên các thuyền viên hay tổ chức ăn nhậu rồi nảy sinh phức tạp về an ninh trật tự. Nhiều hôm, chúng tôi phải thức cả đêm để giải quyết vụ việc; còn chuyện ngư phủ gặp tai nạn, ốm đau trên biển vào đơn vị xin thuốc và điều trị là thường xuyên”. 

Theo chân tổ tuần tra của Đồn Biên phòng Hòn Khoai tuần tra trên đảo, chúng tôi mới cảm nhận được nỗi gian truân của những người lính ở đây. Đường tuần tra không dài, chỉ hơn vài cây số, nhưng để đi hết cung đường này, chúng tôi phải hành quân từ 7 giờ sáng và đến hơn 11 giờ trưa mới quay về đến đơn vị. Trên đường đi, chúng tôi phải vượt qua những tảng đá to ngăn lối, đất đỏ trơn trượt, cây gai kéo áo, dây leo vướng chân... Đi đến đâu, tổ trưởng tổ tuần tra cũng nhắc nhở anh em cẩn thận, vừa quan sát kiểm tra xem có dấu hiệu gì mới, lạ trên đảo so với ngày hôm trước, vừa phải để ý các loại côn trùng độc có thể tấn công. 

Trên đảo có ngọn hải đăng được xây dựng từ thời Pháp xâm lược nước ta. Đó là một tháp cao khoảng 20m được xây dựng kiên cố bằng đá, bê tông, có bậc thang đi lên đỉnh tháp, trên đỉnh tháp có hàng rào sắt và kính trắng bảo vệ, bên trong là một bóng đèn to xoay quanh trụ bằng lực từ trường, trên bóng đèn có 6 mặt phát sáng (hình lục lăng). Vì vậy, khi đèn sáng, quay tròn từ xa, chúng ta có thể tính trung bình 15 giây, ánh sáng sẽ lóe lên một lần. 

Từ trên độ cao hơn 300m so với mặt nước biển, phóng tầm mắt ra xa, nếu trời trong xanh, chúng ta sẽ thấy được những chiếc tàu đánh cá của ngư dân chỉ nhỏ như bàn tay đang lặn ngụp trên biển. Dưới chân tháp, căn nhà của cán bộ quản lý đèn cũng được người Pháp xây dựng kiên cố còn nguyên vẹn, chia thành nhiều phòng khá rộng. 

Trang bị về đời sống tinh thần của các đơn vị trên đảo khá đầy đủ, ngoài tín hiệu 3G tốt của các mạng điện thoại di động để bộ đội và cán bộ gác đèn thuận lợi trong liên lạc về công việc, thì các đơn vị trên đảo đều được trang bị đầy đủ các thiết bị, từ đầu thu truyền hình kỹ thuật số đến hệ thống âm thanh...

Đại úy Dương Văn Diễn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hòn Khoai cho biết: Sau mỗi tuần học tập, công tác và thực hiện nhiệm vụ theo từng chuyên ngành, chuyên môn của từng đơn vị, vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật, các đơn vị thường phối hợp tổ chức dọn dẹp thu gom rác quanh đảo, sau đó giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm tạo không khí vui tươi, đoàn kết cho cán bộ, chiến sỹ các đơn vị, nhất là đối với chiến sỹ trẻ, để các em thấy được những việc làm có ý nghĩa, từ đó tích cực hơn trong học tập, công tác.  

Xa đất liền và phụ thuộc nhiều vào thời tiết trên biển, vì vậy, các đơn vị trên đảo đều chủ động tăng gia sản xuất cải thiện bữa ăn hằng ngày. Đảo có nguồn nước ngọt dồi dào nên đơn vị nào cũng có vườn rau xanh và cây ăn quả. Đồn Biên phòng Hòn Khoai còn có một ao cá, đàn heo mọi lai rừng, dê, vịt, gà... Khi biển động, không có tàu trong đất liền ra đảo thì bộ đội vẫn đảm bảo tự cung cấp nguồn rau xanh và thực phẩm.

Trên đảo còn có trạm ra đa của lực lượng Hải quân, cán bộ, chiến sỹ sống với nhau gắn bó, thân thiện, chân tình, khi đơn vị này có việc thì đơn vị khác cử anh em phụ giúp và ngược lại. Quanh năm chỉ có mấy chục con người bao bọc sống với nhau như một gia đình. Dù còn biết bao nỗi gian nan, vất vả, nhưng trong tất cả con người họ đều ánh lên niềm tự hào của người chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió, không quản ngại đêm hôm, mưa gió, biển động vì bình yên trên vùng biển, đảo nơi cực Nam Tổ quốc.

Lê Khoa

Bình luận

ZALO