Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:37 GMT+7

Lính Biên phòng giữ niềm tin vào giá trị gia đình

Biên phòng - Những người lính Biên phòng cả đời quân ngũ sống xa vợ con thường là những người chồng rất mực coi trọng giá trị của gia đình. Sâu thẳm trong họ là sự biết ơn điểm tựa hậu phương đã luôn bao dung, ấm áp để bản thân mình hoàn thành tốt nhiệm vụ.

zdvb_10a
Gia đình Đại úy Lỳ Hừ Cà. Ảnh: TTH 

“Người phụ nữ vững vàng cả khi khóc, gửi tâm tư miền biên giới ngóng trông” - chính là những vần thơ mà Đại tá Vũ Quang Mạo, Phó Chủ nhiệm BĐBP Lai Châu tặng người vợ của mình. Anh có 40 năm quân ngũ, trong đó, 36 năm gắn bó với mảnh đất cuối trời Tây Bắc Lai Châu, gánh nặng gia đình vợ anh lo cả.

Thời gian xa cách không làm nhạt phai mối tình từ thời son trẻ, thậm chí còn nhân lên trong anh sự cảm phục chính người bạn đời của mình. 32 năm bước vào hôn nhân, vợ anh đã lo chu toàn trách nhiệm với 2 bên gia đình nội ngoại, nuôi dạy 2 con trưởng thành. Anh nói: “Vợ tôi là người phụ nữ yêu chồng, yêu con, vì gia đình mà nhận về nhiều thua thiệt. Bấy nhiêu năm xa cách, nỗi nhớ cứ đầy lên, mỗi ngày phép lại thương chồng nhiều thêm và thấu hiểu những vất vả mà người lính ở biên giới phải đối mặt mỗi ngày”. 

Những năm còn thanh niên trai tráng, Vũ Quang Mạo đóng quân ở biên giới Lai Châu. Trong một lần thực hiện công tác vận động quần chúng ở bản làng đồng bào dân tộc Thái, anh đã phát hiện một bé gái có vết thương nhiễm trùng ở chân trong một gia đình ở bản. Anh BĐBP lúc đó nhất quyết cõng em nhỏ băng rừng xuống trạm xá cấp cứu và chữa trị đôi chân.

Về sau, Đại tá Vũ Quang Mạo bày tỏ, anh nuôi dưỡng một tình yêu lớn với đồng bào các dân tộc Lai Châu, thấu hiểu nỗi khó nhọc của phụ nữ mà hình ảnh người vợ của mình là một điển hình. Anh không ngần ngại giúp đỡ bất cứ ai mà anh gặp trên đường hành quân của một người lính. Anh hiểu, tình yêu và niềm hạnh phúc từ gia đình mình mang lại sẽ là động lực vô giá để vượt qua gian khổ, khó khăn, còn lan tỏa lòng nhân ái đến với cộng đồng. 

Đại tá Vũ Quang Mạo và câu chuyện của anh chỉ là một đại diện cho thế hệ những người lính Biên phòng đã đóng quân vài ba thập kỷ trên biên giới. Thế hệ sau các anh lớp cán bộ trẻ mới lập gia đình, sống trong xa cách và nhiều lựa chọn, giữ được nguyên vẹn niềm hạnh phúc là một thử thách. Xã hội càng biến động, vai trò của người chồng, người cha trong gia đình càng lớn. Nhiều cán bộ Biên phòng phải thường xuyên chuyển đổi địa bàn công tác, đáp ứng nhu cầu công việc. Có anh phải ra các đồn đảo tiền tiêu, tàu bè vào đất liền có khi cả tháng mới có chuyến. Và các kỳ nghỉ phép năm thì nhanh như gió biển thổi qua, con chưa kịp quấn cha đã phải xa cách. Các anh mang theo trong hành trang một bộ sách giáo khoa y hệt của con mình. Mỗi tối con học bài thì cha cũng giở sách để đọc, để dạy con qua điện thoại.

Những người lính xa nhà biền biệt cho rằng, đó là cách mà con cái vẫn cảm nhận được hơi ấm của cha, thấy cha vẫn đi cùng với sự trưởng thành của chúng. Và cũng để sợi dây giữ hơi ấm gia đình không bao giờ vuột mất. Một người lính chia sẻ: “Giữ niềm tin vào giá trị gia đình cũng đòi hỏi sự chân thành, trách nhiệm như đối với bất cứ công việc được giao nào. Hậu phương hy sinh cho mình, mình cũng phải có trách nhiệm bù đắp lại, dù bằng cách này hay cách khác. Đó là cách ứng xử, sự cảm thông, chia sẻ. Rồi giá trị gia đình có được lại chia đều cho các thành viên, chỉ mong sao giá trị đó đi cùng với sự trưởng thành của các con. Tương lai chúng nối tiếp tình yêu của cha mẹ đồng hành với lý tưởng của cha, tình yêu của mẹ thì tốt quá”. 

Mỗi kì nghỉ phép về lại đơn vị, các anh kể cho nhau nghe chuyện những đứa trẻ giận dỗi cha mình vì cha đi lâu quá không về như thế nào. Sự ngậm ngùi xen lẫn hạnh phúc, không phải thời gian và khoảng cách đẩy xa tình cảm mà dường như làm tình cảm cha con, vợ chồng gắn bó nhớ nhung hơn. 

07ha_10b
Người lính Biên phòng đóng quân ở đảo Hòn Sơn, Kiên Giang tranh thủ nghỉ phép về thăm gia đình và con nhỏ. Ảnh: TTH 

Đại úy Lỳ Hừ Cà, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, BĐBP Điện Biên lập gia đình với một cô gái cùng dân tộc Hà Nhì với anh. Anh chị có một con trai thường xuyên phải gửi cho em gái của vợ trông nom vì cả hai đều mải miết với công việc bận rộn. Mỗi lần đi công tác vào trong bản, anh mua một túi lớn kẹo bánh, bỏng ngô, trên đường dừng lại chỗ nhà trẻ, vào thăm bế con chốc lát, cho con gói kẹo rồi lại đi tiếp. Số kẹo, bánh, bỏng ngô này anh mang theo chủ yếu để dành cho trẻ em của các gia đình người Mông, người Hà Nhì nghèo trong bản, những gia đình có trẻ mà BĐBP nhận đỡ đầu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” vì hoàn cảnh gia đình chúng khó khăn, thiếu vật chất, thiếu cả tình thương.

"Có những đứa trẻ mồ côi còn chưa được sống trong hơi ấm của cha mẹ. Chúng cũng cỡ tuổi con trai anh và sự háo hức với quà của bố cũng không khác gì nhau" - Anh cười nói. Thời gian anh dành cho những đứa trẻ trong làng có khi hơn cả thời gian anh chơi với con mình. Chính vì người vợ trẻ đảm đang của anh ở nhà có thể lo lắng, quán xuyến gia đình thay cả người chồng quá nhiều công việc kiêm nhiệm ở một đồn Biên phòng đóng quân nơi biên giới gánh trên vai. 

Đại úy Lỳ Hừ Cà chia sẻ, mỗi lần ghé vào nhà trẻ thăm con, anh đều trò chuyện với con rất nhiều. Có thể cháu còn quá nhỏ để nghe và hiểu lời cha nói. Nhưng anh nói cũng là để nói với chính mình, trấn tĩnh tâm trí, làm cho bản thân mạnh mẽ lên. Và dần rồi con trai anh cũng sẽ như cha mình, vượt qua mọi trở ngại bằng ý chí và sự thông minh khôn khéo trong giao tiếp, ứng xử với mọi mối quan hệ công tác. 

Những người lính đóng quân xa nhà năm xưa thương nhớ “Gửi em ở cuối sông Hồng”, nay dường như tâm tư sâu thẳm nhất vẫn là đau đáu xuôi về hậu phương. Người lính quân hàm xanh, tình yêu cũng là màu xanh núi rừng, sông biển ào ạt như nước nguồn mà chỉ những người phụ nữ đủ bao dung, ấm áp mới được sống trọn với tình yêu ấy.

Thụy Văn

Bình luận

ZALO