Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 01/06/2023 01:27 GMT+7

Lĩnh án tù vì tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài

Biên phòng - Ngày 2-3, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Dương Văn Mạnh, sinh năm 1996, trú tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An và Mã Đình Thực, sinh năm 1985, trú tại huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt Dương Văn Mạnh 5 năm tù, Mã Đình Thực 3 năm tù.

Dương Văn Mạnh (bên trái) và Mã Đình Thực tại phiên tòa. Ảnh: Thùy An

Cáo trạng tại phiên tòa chỉ rõ, từ năm 2013 đến 2019, bị cáo Dương Văn Mạnh nhiều lần xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp. Thời gian đó, bị cáo xin được việc làm trong một xí nghiệp sản xuất gốm sứ, thiết bị vệ sinh. Đến khoảng tháng 4-2019, khi đang ở Trung Quốc, Mạnh nhận được điện thoại của chị dâu liên hệ hỏi về thủ tục, chi phí đưa sang đó tìm việc làm.

Từ thực tế bản thân, Mạnh cho biết, nếu sang Trung Quốc làm việc tại công ty sản xuất thiết bị vệ sinh, được bao ăn ở, thu nhập từ 10-12 triệu đồng/tháng. Nhưng do việc sang Trung Quốc là trái phép nên không phải chuẩn bị giấy tờ, thủ tục gì mà phải “đi chui”. Qua câu chuyện giữa hai người, Mạnh cũng thông báo, chi phí đưa người sang Trung Quốc là 1.000 nhân dân tệ, tương đương khoảng 3,5 triệu đồng/người.

Sau khi được Mạnh “tư vấn”, chị dâu Mạnh và một người phụ nữ khác trong xóm đã nhờ Mạnh đưa sang Trung Quốc kiếm việc làm.

Sau khi đã thống nhất, qua mạng xã hội zalo, Mạnh hướng dẫn rất rõ ràng cho 2 người đường đi, cách thức, liên hệ với ai để được đưa sang Trung Quốc lao động mà không bị phát hiện. Theo đó, Mạnh chỉ dẫn cho 2 người phụ nữ trên bắt xe từ Nghệ An ra Hà Nội rồi tiếp tục lên Cao Bằng tìm đến nhà Mã Đình Thực đưa tiền để nhờ đối tượng này dẫn qua biên giới.

Theo cáo trạng, bị cáo Mã Đình Thực vốn là người bản địa, rất am hiểu địa bàn, không có công việc ổn định. Thực biết việc đưa người xuất, nhập cảnh trái phép là vi phạm pháp luật, tuy nhiên, nghĩ đến khoản tiền thu được, Thực đã nhận lời thực hiện.

Do am hiểu địa hình biên giới, Thực đã dẫn theo 2 phụ nữ từ Nghệ An ra, tìm mọi cách băng rừng, né tránh sự tuần tra, kiểm soát chốt chặn của lực lượng chức năng, rồi sau đó vượt sông qua bên kia biên giới. Theo thỏa thuận, khi các đối tượng đến địa phận Trung Quốc, sẽ có xe đón chở về khu vực Mạnh đang làm việc. Trên đất Trung Quốc, Mạnh đã tìm việc làm cho những người do mình “hướng dẫn” xuất cảnh trái phép.

Cũng với hình thức như trên, từ khoảng tháng 4 đến tháng 6-2019, khi được người ở quê “nhờ”, Dương Văn Mạnh đã trực tiếp tư vấn, thỏa thuận, hướng dẫn thêm 6 người khác sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp. Những người này đều được Mã Đình Thực trực tiếp dẫn và xuất cảnh trái phép từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Tuy nhiên sau đó, 1 trong số 8 người được Mạnh và Thực đưa sang Trung Quốc đã bị cơ quan chức năng của nước sở tại phát hiện, bắt giữ và xử lý về hành vi lao động bất hợp pháp. Còn số lao động khác, do công việc không ổn định nên một thời gian sau cũng đã lần lượt trở về quê.

Qua đấu tranh với các công dân do Trung Quốc trao trả, Công an tỉnh Nghệ An đã lần ra đường dây tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép do Mạnh cầm đầu, từ đó mở rộng điều tra vụ án. Đến ngày 23-6-2020, Dương Văn Mạnh bị cơ quan Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ. Từ lời khai của Mạnh và các đối tượng liên quan, ngày 9-10-2020, đối tượng Mã Đình Thực cũng bị bắt giữ.

Quá trình điều tra, Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Dương Văn Mạnh và Mã Đình Thực về hành vi “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Sau thời gian hoàn thiện quá trình điều tra, các thủ tục pháp lý có liên quan, ngày 2-3, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã đưa vụ án ra xét xử.

Tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình và thành khẩn khai báo. Ngoài ra, các bị cáo cũng cho biết, việc tổ chức cho những lao động này sang Trung Quốc xuất phát từ mong muốn giúp đỡ người cùng quê kiếm việc làm, tăng thu nhập mà không lường được những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nên mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Hội đồng xét xử nhận thấy, các bị cáo đã thành khẩn khai báo và có thái độ ăn năn hỗi lỗi. Tuy nhiên, hành vi của các bị cáo xâm hại đến hoạt động quản lý nhà nước về xuất, nhập cảnh, quyền tự do cư trú của công dân, phần nào ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao với nước láng giềng. Chính vì vậy, cần có mức án đủ sức nghiêm khắc, răn đe đối với các bị cáo và cảnh báo với xã hội.

Viết Lam

Bình luận

ZALO