Biên phòng - Cả Nga và Nhật Bản đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Nhật Bản sắp tới của Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin. Vấn đề nổi cộm nhất của hai nước trong cuộc đối thoại là vấn đề quần đảo Cu-rin. Liệu Nga có quyết định chuyển giao quần đảo Nam Cu-rin cho Nhật Bản và Nhật Bản có ký Hiệp định hòa bình với Nga, sau gần 70 năm kể từ Hội nghị Xan Phran-xi-xcô năm 1951?
![]() |
Đảo I-tu-rúp. Ảnh: Lenta.ru |
Ngày 20-5, hãng thông tấn Tass của Nga đưa tin Phó Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do, cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Ma-xa-hi-cô Cô-mu-ra cho biết, Tô-ki-ô rất trông chờ chuyến thăm của Tổng thống Nga V.Pu-tin để thảo luận vấn đề quần đảo Nam Cu-rin.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn của báo "Nước Nga", Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp đã nhấn mạnh, đến thời điểm hiện nay, Nhật Bản là quốc gia duy nhất không công nhận kết quả cuộc Chiến tranh thế giới thứ II, trong đó, luôn đưa ra đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Cu-rin. Người Nga luôn đặt câu hỏi đối với Nhật Bản về việc Nhật có công nhận kết quả cuộc Chiến tranh thế giới thứ II không? Người Nhật trả lời, về kết quả chung thì họ công nhận, nhưng về vấn đề riêng thì không!
Tại sao Nhật Bản nói vậy, khi họ đã phê chuẩn Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó có Điều 107 nói rõ: "Tất cả những việc mà bên các cường quốc thắng cuộc trong Chiến tranh thế giới thứ II đã làm đều buộc phải tuân theo, và là điều bất khả xâm phạm". Còn Tổng thống V.Pu-tin tuyên bố: "Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Nhật Bản về vấn đề này (vấn đề quần đảo Cu-rin) dựa trên cơ sở Tuyên bố chung Xô - Nhật 1956 đã được Quốc hội Nhật Bản phê chuẩn".
Tháng 9-1945, sau khi tuyên chiến với Nhật Bản, Quân đội Liên Xô đã chiếm phần lãnh thổ phía Nam Xa-kha-lin và toàn bộ quần đảo Cu-rin. Tháng 9-1951, tại Xan Phran-xi-xcô (Mỹ), Hiệp ước hòa bình giữa Nhật Bản và các đồng minh đã được ký kết, trong đó mục c, Điều 2 quy định: "Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, cũng như các cơ sở pháp lý và những đòi hỏi về chủ quyền đối với quần đảo Cu-rin, cũng như phần lãnh thổ đảo Xa-kha-lin và các đảo phụ cận, mà trước đó Nhật Bản có chủ quyền đối với các khu vực kể trên theo Hiệp ước Pốt-xmao ngày 5-9-1905".
Nhưng khi đó, Liên Xô đã từ chối ký Hiệp ước hòa bình, mà một trong những lý do là văn kiện này không xác định rõ những điều kiện Liên Xô thu hồi lãnh thổ và Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền đối với Xa-kha-lin và quần đảo Cu-rin. Mặc dù trước đó, vào tháng 2-1945, đã diễn ra Hội nghị Y-an-ta và ký kết Hiệp định giữa Xta-lin, Sớc-xin và Ru-dơ-ven, trong đó chỉ rõ, Liên Xô tham gia chiến tranh chống Nhật Bản nhằm thu hồi phần lãnh thổ Nam Xa-kha-lin và chuỗi đảo Cu-rin.
Hơn nữa, văn bản này không có bản thuyết minh mô tả chi tiết quần đảo Cu-rin, hoặc chí ít là bản liệt kê các đảo nằm trong quần đảo, do đó sẽ là một trở ngại lớn trong quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô (và hiện nay là Nga) với Nhật Bản.
Vấn đề là ranh giới phân chia lãnh thổ giữa hai nước Nga - Nhật mãi đến năm 1855, mới được xác định. Theo cách hiểu trước đó, những vùng đảo phụ cận thuộc Xa-kha-lin và quần đảo Cu-rin còn bao gồm cả một số đảo của Nhật Bản nằm tách rời quần đảo Cu-rin. Người Nhật coi những đảo này thuộc lãnh thổ của mình, còn người Nga cũng cho là của họ, người Ai-nu (cư dân bản địa trên các đảo) thì coi các đảo này là của riêng người Ai-nu. Ví dụ, như đảo Mát-xu-ma-ê (Hốc-cai-đô) được ghi trong giáo trình giảng dạy cho học sinh thuộc lãnh thổ Nga hoặc đảo Mát-may thuộc quần đảo Cu-rin.
Hiệp ước Si-mô-đa giữa Nga với Nhật Bản được ký kết vào năm 1855, trong đó Điều 2 xác định: "Đường biên giới Nga và Nhật Bản đi giữa các đảo I-tu-rúp và U-rúp". Nói cách khác, về pháp lý thì các đảo I-tu-rúp, Cư-na-xia, Si-cô-tan và chuỗi đảo Ha-bô-mai đến trước năm 1945 không thuộc lãnh thổ của đế chế Nga trước đây, hoặc Liên Xô sau này. Hơn nữa, các đảo Si-cô-tan và Ha-bô-mai nằm trong dãy đảo thuộc quần đảo Cu-rin con, mà người Nhật coi là quần đảo riêng biệt, không thuộc quần đảo Cu-rin lớn.
Điều này đã được phản ánh trong Tuyên bố Xô - Nhật năm 1956, nhằm điều chỉnh một số vấn đề trong Hiệp ước hòa bình Xan Phran-xi-xcô. Điều 9, Tuyên bố chung nêu rõ: "Xem xét đến những lợi ích, cũng như đáp ứng nguyện vọng của phía Nhật Bản, Liên Xô đồng ý chuyển giao cho Nhật Bản các đảo thuộc Ha-bô-mai và đảo Si-cô-tan. Việc chuyển giao này chỉ được thực hiện sau khi Nhật Bản ký Hiệp ước hòa bình".
Như vậy, tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Nhật Bản chỉ xoay quanh các đảo Cư-na-xia và I-tu-rúp. Phía Nhật Bản kiên trì đề nghị Nga chuyển giao các đảo này với lập luận là các đảo này theo quan điểm của luật pháp quốc tế thì không thuộc lãnh thổ Nga. Còn phía Nga thì sử dụng quyền của bên thắng trong Chiến tranh thế giới thứ II, bằng cách đưa ra Hiệp định Y-an-ta về trật tự thế giới sau chiến tranh.
Thực chất ở đây, ngoài các vấn đề lịch sử, còn có những vấn đề về chiến lược và kinh tế. Có được các đảo tranh chấp này, một mặt cho phép Nhật Bản tăng cường kiểm soát biển Ô-khốt-ka. Mặt khác, nếu trao trả các đảo này thì Nga sẽ mất lối vào cửa vịnh nối eo biển Ô-khốt-ka với Thái Bình Dương, đồng thời hạn chế sự cơ động của Hạm đội Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Nhật Bản sẽ tiếp cận được các mỏ dầu khí ở thềm lục địa, cũng như các nguồn tài nguyên biển và hải sản. Đối với Nga, nếu chỉ chuyển giao cho phía Nhật Bản đảo Si-cô-tan và chuỗi đảo Ha-bô-mai ở phía Nam eo biển Cu-rin thì vẫn đảm bảo an toàn đối với các vị trí chiến lược của Nga tại Viễn Đông. Điều này đã được tính toán kỹ trong Tuyên bố chung Xô - Nhật năm 1956.
Một khía cạnh kinh tế nữa là trên đảo I-tu-rúp có mỏ kim loại Renium, khai thác từ năm 1992, trữ lượng ước tính khoảng 10-15 tấn, tuy không lớn nhưng đó là kim loại rất quý hiếm được dùng trong chế tạo máy bay, tên lửa. Kiểm soát mỏ Renium, Nhật Bản sẽ có điều kiện đột phá về công nghệ.
Mặc dù phía Nhật Bản hết sức mong muốn và đã thực hiện các bước mở rộng hợp tác kinh tế, tuy chưa hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu đặt ra. Nhưng đối với Nga, các đảo I-tu-rúp và Cư-na-xia có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng. Chuyển giao cho Nhật Bản những đảo này là đánh cược với số phận. Hơn nữa, cư dân trên các đảo này hoàn toàn nhất trí phát triển trong chính thể Nga.
Tuy vậy, việc Tổng thống Pu-tin nhắc đến văn bản năm 1956 đã cho thấy, phía Nga sẵn sàng giải quyết một cách thỏa đáng với phía Nhật Bản về các đảo trong chuỗi đảo thuộc Cu-rin con. Về kỹ thuật không khó, thực chất chỉ là tiến hành rút các đồn Biên phòng, đồng thời di chuyển khoảng hai ngàn cư dân địa phương và công nhân lao động thời vụ ra khỏi các đảo này.
Tuy nhiên, quyết định này sẽ có tác động chính trị mạnh, có thể dẫn đến tình hình nghiêm trọng. Từ sau khi sáp nhập Crưm vào thành phần Liên bang Nga, thì mọi việc giải quyết về chủ quyền lãnh thổ, thậm chí kể cả dựa trên mức độ cần thiết về chính trị, đối ngoại và có các chứng cứ pháp lý, tài liệu lịch sử chặt chẽ thì giải quyết vấn đề này vẫn không hề dễ. Tổng thống Pu-tin đang đứng trước một nhiệm vụ hết sức khó khăn, đó là phải tìm cho được giải pháp Xô-lô-mông thỏa mãn tất cả các bên.