Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 27/09/2023 05:38 GMT+7

Liên minh mới ở khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương?

Biên phòng - Chuyến thăm Ấn Độ tuần qua của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đánh dấu sự khởi đầu mới cho kỷ nguyên quan hệ giữa hai nước. Đây là chuyến thăm Ấn Độ lần thứ 3 của ông Abe trên cương vị người đứng đầu nội các Nhật Bản. Tờ Indian Express (Tin nhanh Ấn Độ) nhận định quan hệ đối tác giữa hai nước có thể sẽ là nền tảng của một liên minh lớn hơn nhằm ngăn chặn chiến lược “Chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

urk1glj9aq-66739_17981943661098054982_amd102ap
Thủ tướng Abe dự lễ khởi công dự án tuyến hành lang đường sắt cao tốc đầu tiên ở Ấn Độ, kết nối trung tâm thương mại Mumbai tới thành phố Ahmedabad thuộc bang Gujarat, quê hương của Thủ tướng Modi.

Cuộc gặp thượng đỉnh song phương Nhật Bản - Ấn Độ năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực đang tồn tại 2 vấn đề lớn, đó là cuộc đối đầu nghiêm trọng liên quan vấn đề biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở cao nguyên Doklam (Trung Quốc gọi là Đông Lãng) và tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên với những diễn biến phức tạp, nhất là sau vụ thử bom nhiệt hạch (còn gọi là bom H) hôm 3-9 của Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, cả hai nước đều có những mâu thuẫn chưa thể giải quyết dứt điểm với Trung Quốc liên quan tới vấn đề lãnh thổ.

Hợp tác quốc phòng là nền tảng cho mối quan hệ

Cuộc gặp lần này khác với những cuộc gặp trước bởi giữa hai bên không tồn tại bất cứ vấn đề nổi cộm nào cần tiến hành đàm phán để tìm kiếm giải pháp. Kể từ cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo năm 2014, quan hệ đối tác song phương đã phát triển nhanh chóng và được nâng cấp thành “Quan hệ đối tác toàn cầu và chiến lược đặc biệt”. Hai nước hiện đang nỗ lực thúc đẩy mối bang giao này sâu sắc hơn, mở rộng hơn và thiết thực hơn với mục tiêu xa hơn là định hình cấu trúc kinh tế và chiến lược của toàn châu Á.

Quan hệ kinh tế và hợp tác quốc phòng tiếp tục là nền tảng cho quan hệ đối tác song phương Nhật - Ấn. Các nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) từ Nhật Bản được New Delhi sử dụng trong những lĩnh vực then chốt như giao thông vận tải, thông tin liên lạc, môi trường và chăm sóc sức khỏe.

Hợp tác quốc phòng song phương Ấn - Nhật cũng đã có những chuyển biến quan trọng trong những năm gần đây. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về Hợp tác quốc phòng và Trao đổi năm 2014, cũng như 2 thỏa thuận khung trong lĩnh vực quốc phòng vào năm 2015, tiền đề cho thỏa thuận về chuyển giao trang thiết bị, công nghệ quốc phòng, các biện pháp an ninh để đảm bảo thông tin quân sự mật. Đối thoại quốc phòng song phương trong vài năm trở lại đây được duy trì hiệu quả và đều đặn. Thủ tướng Modi cũng hoan nghênh việc Nhật Bản đóng vai trò then chốt trong hoạt động sản xuất vũ khí của Ấn Độ.

An ninh hàng hải cũng là một trong những nội dung của chuyến công du Ấn Độ lần này của Thủ tướng Abe. Cả 2 nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, đồng thời khẳng định mọi tranh cãi liên quan chủ quyền lãnh hải đều phải được giải quyết bằng con đường hòa bình, phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và không quốc gia nào được phép dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng khu vực.

Đầu tháng 7 vừa qua, Ấn Độ cùng Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung Malabar với quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở vịnh Bengal. Tiếp đó, trung tuần tháng 8, tại các cuộc đối thoại “2+2” ở Washington (Mỹ), Tokyo đã cam kết cung cấp 500 triệu USD để tăng cường an ninh hàng hải ở các quốc gia ven biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Nhật Bản hiện vẫn duy trì hoạt động của căn cứ quân sự tại Djibouti ở vùng Sừng châu Phi trong khi Ấn Độ Dương là tuyến đường quan trọng vận chuyển năng lượng tới Nhật Bản, do đó một thỏa thuận hợp tác an ninh hàng hải được coi là một bước tiến mới trong mối quan hệ hợp tác hàng hải Nhật - Ấn.

“Mối đe dọa” liên minh Ấn - Nhật

Những diễn biến an ninh gần đây trong khu vực đang gây mối lo ngại cho cả Tokyo và New Delhi, đồng thời cũng thử nghiệm sự nhạy bén về ngoại giao và chiến lược của hai nước. Dưới thời Thủ tướng Abe, Tokyo nỗ lực tìm lại ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy ở khu vực. Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do” của Tokyo đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh kinh tế và sự ổn định của Ấn Độ. Hoạt động xây dựng cảng Hambantota ở Sri Lanka do Trung Quốc tiến hành là lời cảnh tỉnh cho New Delhi, rằng Bắc Kinh đang tiến vào “sân sau” của Ấn Độ.

Thực tế, quan hệ Ấn Độ - Nhật Bản đã có một chiều hướng mới sau khi Trung Quốc đưa ra sáng kiến đầy tham vọng “Vành đai và Con đường”. Ấn Độ và Nhật Bản gần đây đã thúc đẩy dự án “Hành lang tăng trưởng Á - Phi” (AAGC). Có ý kiến cho rằng dự án này nhằm mục đích đối trọng với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. “Hành lang tăng trưởng Á - Phi” thực chất là việc khám phá lại những tuyến đường biển cổ đại, hình thành tuyến đường biển mới, tạo ra tam giác phát triển kinh tế khu vực. Nhiều năm nay, cả Ấn Độ và Nhật Bản cũng đã tập trung đầu tư vào khu vực châu Phi.

Tóm lại, mặc dù coi quan hệ đồng minh an ninh Nhật - Mỹ là trụ cột trong chính sách đối ngoại, Chính phủ của Thủ tướng Abe vẫn mong muốn đa dạng hóa quan hệ đối tác chiến lược để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Về phần mình, New Delhi cũng đang thực hiện chính sách “Hành động phương Đông” nhằm tăng cường quan hệ với các nước châu Á khác, trong đó có Nhật Bản, để đối phó với Bắc Kinh. Vì vậy, cái “bắt tay” giữa Nhật Bản và Ấn Độ sẽ ít nhiều tác động đến Trung Quốc.

Nguyễn Trung

Bình luận

ZALO