Biên phòng - Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, song 9 tháng năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Ngành nông nghiệp đang tạo ra hơn 14% GDP, trong đó, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang đứng tốp đầu thế giới như: Hạt tiêu, gạo, cà phê, sắn, cao su, thủy hải sản...
Thế nhưng có một nghịch lý là chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu và thương hiệu nông sản Việt chưa được quan tâm. Điều này dẫn đến chuỗi cung ứng ở nền kinh tế Việt Nam bị phân tán và ít được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức. Đáng lo ngại là năng lực nông nghiệp của Việt Nam về giống cây trồng, máy móc nông nghiệp, vận tải và năng suất lao động ở dưới mức trung bình của thế giới.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra, nguyên nhân chính là mối quan hệ “6 nhà" (nông dân - nhà nước - nhà khoa học - ngân hàng - doanh nghiệp - nhà phân phối) còn nhiều “điểm nghẽn” cần giải quyết.
Thực hiện chủ trương liên kết “6 nhà” của Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp và chủ động tạo liên kết với nông dân, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường nông sản xuất khẩu.
Tuy vậy, cả nước mới có gần 4.500 doanh nghiệp (chiếm 1,01% tổng số doanh nghiệp cả nước) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, mới ghi nhận 20 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động.
Rõ ràng, nếu các doanh nghiệp và hộ nông nghiệp trong nước không chủ động và đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, đầu tư công nghệ và tham gia chuỗi liên kết sản xuất thì sẽ khó cải thiện năng lực cạnh tranh trong hội nhập, nhất là trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...
Theo nhiều chuyên gia, đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn lớn và thực sự là vấn đề nan giải đối với doanh nghiệp và nông dân muốn tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, khiến cho mối liên kết sản xuất trong các chuỗi sản xuất thường không thành công.
Thực tế, trong giai đoạn 2011-2020, vốn đầu tư vào nông, lâm, thủy sảnchỉ chiếm tỷ lệ từ 5,8-6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Số dự án FDI vào nông nghiệp hiện chỉ chiếm 2,9% tổng dự án và chiếm khoảng 1% vốn. Do vậy, giải pháp căn cơ để nâng cao đời sống cho người làm nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp phát triển, hội nhập quốc tế phải bắt đầu từ đẩy mạnh liên kết “6 nhà” giúp doanh nghiệp, nông dân tháo gỡ “rào cản” về nguồn vốn và công nghệ cao.
Việt Nam đang hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao hiệu quả và bền vững. Ngoài công tác quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở cung - cầu của thị trường, chúng ta nhất thiết phải tạo lập được môi trường thuận lợi để thiết lập và tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người nông dân và giữa người nông dân nhằm hình thành mối liên kết sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm.
Chỉ thông qua chuỗi sản xuất, các sản phẩm mới được hình thành và bảo vệ theo quy trình, kiểm soát tốt về chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và xuất xứ hàng hóa. Việc sản xuất theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp các hộ nông dân vượt qua những hạn chế và rủi ro về vốn, công nghệ, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”; đồng thời, giúp cho doanh nghiệp có nguồn cung ổn định, phát triển hiệu quả công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thanh Thảo