Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:55 GMT+7

Lịch sử là bài học để gìn giữ mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị

Biên phòng - Đó là những chia sẻ của Đại tướng Sao Sokha, Phó Tổng Tư lệnh, Tư lệnh Hiến binh, Quân đội Hoàng gia Campuchia trong 2 ngày tới thăm tỉnh Điện Biên trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam, theo lời mời của Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP.

uzn4_6
Đại tướng Sao Sokha (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo BĐBP Điện Biên. Ảnh: Kim Nhượng

Trong 2 ngày tham quan tại các Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Sao Sokha đã tới thăm Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ và Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, huyện Điện Biên. Chuyến đi đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng Đại tướng Sao Sokha cũng như đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Hiến binh, Quân đội Hoàng gia Campuchia.

Đại tướng Sao Sokha - người đã nhiều năm nghiên cứu về chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân đội và nhân dân Việt Nam, chia sẻ: “Điện Biên Phủ là địa danh đã đi vào lịch sử của nhân loại. Quá trình công tác trong quân đội, tôi đã nghiên cứu rất nhiều sách, báo, qua cả truyền hình và hôm nay, tôi đã thực hiện được mong muốn là đặt chân đến Điện Biên Phủ. Với tôi, hôm nay thật sự là một ngày đặc biệt”.

Tham quan những địa danh lịch sử, Đại tướng Sao Sokha khâm phục sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, tinh thần tự lực, tự cường, mưu trí, sáng tạo của những người lính QĐND Việt Nam cũng như người dân Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước những mất mát hy sinh to lớn trong chiến tranh của nhân dân Việt Nam, ông bồi hồi hồi tưởng lại quãng thời gian đã qua của chính bản thân mình. 

Đại tướng Sao Sokha kể: “Năm 1977, khi bè lũ tập đoàn phản động Pol Pot lên nắm quyền, chúng đã tàn sát, giết hại dã man người dân Campuchia. Chúng gây ra cuộc xung đột biên giới với Việt Nam, giết hại người dân Việt Nam. Chúng đốt phá toàn bộ cơ sở, vật chất mà đất nước Campuchia có được trước đó. Gia đình tôi là một trong rất nhiều gia đình là nạn nhân của chúng. Cha, mẹ, anh chị em của tôi đều bị giết trong cuộc thảm sát này, chỉ còn mình tôi sống sót”.

Ngày đó, trong cơn hoảng loạn, Đại tướng Sao Sokha đã cùng với hơn 1.000 người dân Campuchia chạy sang Việt Nam, lánh nạn ở xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai của Việt Nam. Những ngày tháng đến Việt Nam lánh nạn cũng là bước ngoặt cuộc đời Đại tướng Sao Sokha. Tại đây, ông đã gặp những sĩ quan, chuyên gia quân sự Việt Nam đầu tiên. Đặc biệt, ông đã được một sĩ quan QĐND Việt Nam nhận làm con nuôi. Ký ức đó đã theo Đại tướng Sao Sokha tới tận bây giờ và ông mãi không bao giờ quên tình cảm mà những người sĩ quan, chuyên gia quân sự Việt Nam dành cho ông và người dân Campuchia.

Đại tướng Sao Sokha nhớ lại: “Lúc đó, tôi chỉ mới 14-15 tuổi. Đoàn người lánh nạn, đói, khổ, thuốc men không có. Tôi may mắn được Trung tá Hùng (lúc đó là Chính ủy Trung đoàn 778, nay là Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778, Quân khu 7) hết mực yêu mến và coi tôi như con. Chính ông đã dẫn tôi đến gặp Thủ tướng Hun Sen”. 

Cuộc gặp của ông và Trung tá Hùng năm xưa có lẽ là một cơ duyên cũng như bước ngoặt cuộc đời ông. Vào đúng Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6-1978, Trung tá Hùng đã đưa Sao Sokha dẫn đầu 10 em nhỏ Campuchia lúc đó lên phát biểu, kể về những tội ác của bọn diệt chủng Pol Pot. Sau lần đó, Trung tá Hùng thấy Sao Sokha nói tiếng Việt khá tốt nên đã động viên đi học tiếng Việt. Nhưng nguyện vọng của Sao Sokha là muốn tham gia lực lượng vũ trang cứu quốc Campuchia cùng bộ đội Việt Nam về giải phóng quê hương mình. 

Đại tướng Sao Sokha nhớ lại: “Trung tá Hùng đưa tôi đến gặp Thủ tướng Hun Sen, xin gia nhập lực lượng vũ trang cứu quốc Campuchia. Thủ tướng Hun Sen thấy vóc dáng tôi nhỏ quá nên không nhận. Thủ tướng Hun Sen nói đùa: “Cậu còn bé quá, về ăn thêm cho lớn!”. Trung tá Hùng nói với Thủ tướng Hun Sen rằng, cậu thanh niên này nói được tiếng Việt, có thể làm cầu nối giữa lực lượng vũ trang cứu quốc Campuchia và cán bộ, sĩ quan quân đội, chuyên gia quân sự Việt Nam. Chính nhờ đề nghị này mà Thủ tướng Hun Sen đã nhận, giữ tôi làm liên lạc phục vụ ông”.

Khi mới thành lập, lực lượng vũ trang cứu quốc Campuchia chỉ có hơn 200 người. Được sự giúp đỡ từ chuyên gia quân sự Việt Nam cũng như sĩ quan QĐND Việt Nam, lực lượng vũ trang cứu quốc Campuchia ngày càng lớn mạnh. Những người yêu nước Campuchia đã cùng với quân đội của mình, với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, tiến về thủ đô Phnom Penh giải phóng đất nước.

Hình ảnh những chuyên gia quân sự Việt Nam và những sĩ quan QĐND Việt Nam giúp đỡ quân đội Campuchia trong những ngày tháng gian khổ, thiếu thốn nhất, luôn được Đại tướng Sao Sokha cũng như nhân dân Campuchia trân trọng và lưu giữ. Đại tướng Sao Sokha xúc động nói tại bữa cơm thân mật do Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên tổ chức tiếp đoàn: "Cuộc đời tôi, sự nghiệp của tôi khởi phát từ những ngày gian khó nhất của đất nước Campuchia. Điều làm tôi thực sự nuối tiếc nhất, đó là tôi không biết được quê quán của các bác, các chú chuyên gia quân sự Việt Nam, sĩ quan quân đội Việt Nam, những người đã cưu mang, giúp đỡ tôi thuở đó. Nếu như tìm được họ, với điều kiện và khả năng của tôi bây giờ, chắc chắn tôi sẽ đến thăm gia đình và gửi lời cảm tạ đến các bác, các chú". 

Đại tướng Sao Sokha cũng thay mặt phái đoàn Bộ Tư lệnh Hiến binh, Quân đội Hoàng gia Campuchia gửi lời cảm ơn tới Bộ Quốc phòng Việt Nam, gửi lời cảm ơn tới Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh BĐBP Việt Nam; tới Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP cũng như các cấp chỉ huy của BĐBP Điện Biên đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho đoàn được đến thăm những di tích lịch sử nổi tiếng, nơi mà từ lâu ông đã muốn đặt chân tới...

Kim Nhượng

Bình luận

ZALO