Biên phòng - Tây Nguyên mùa này chao chát nắng và lênh loang gió. Có cảm giác nếu sống lâu ở Tây Nguyên, người ta sẽ ngấm màu nắng ấy mà làn da óng mật, ngấm cái gió ấy mà tính cách cũng khoáng đạt, lãng tử hơn. Trong cơn lốc đô thị hóa, ngày càng có nhiều gia đình đồng bào dân tộc bản địa phá bỏ các ngôi nhà dài truyền thống để làm nhà trệt, nhà mái bằng, cao tầng, biệt thự... như người Kinh, thì buôn Akô Dhông nằm giữa Buôn Ma Thuột đang phát triển từng ngày, tựa như một mảnh văn hóa Ê Đê rất riêng, rất lịch lãm và đáng nhớ.

Theo lịch sử của thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), thì buôn Akô Dhông được thành lập từ năm 1958 với hàng trăm ngôi nhà dài truyền thống nằm ngay đầu nguồn nước của Buôn Ma Thuột. Mỗi khi màn đêm xuống, cả làng cùng nhau tụ họp quây quần bên bếp lửa, vừa đánh cồng chiêng, vừa kể khan và họp bàn những chuyện trọng đại của buôn mình. Những người dân Ê Đê đầu tiên khi đến với vùng đất bazan này hẳn đã vì một lí do rất đặc biệt mà cho xây cất những ngôi nhà của dân tộc mình chạy dài có khi đến hàng chục mét. Đây là nơi ở chung có khi của cả một dòng họ và thường xuyên được nối dài thêm mỗi khi một thành viên nữ trong gia đình bắt chồng.
Đồng bào đã từng tự hào về ngôi nhà truyền thống của mình bằng một hình ảnh thật đẹp là: “ngôi nhà dài như tiếng chiêng ngân”, bởi nếu đánh chiêng ở đầu hồi thì người phía cuối chái chỉ có thể nghe được những thanh âm rất nhỏ cuối hồi chiêng mà thôi. Nhà dài truyền thống thường được xây dựng bằng vật liệu gỗ, tre, nứa và lợp mái tranh. Cột kèo, đà ngang, đòn dông được đẽo hoàn toàn bằng tay và có kết cấu vững chãi, đảm bảo chịu được giông gió. Thường các ngôi nhà đều dựng theo hướng Bắc - Nam, mái nhô ở hai đầu hồi che cột hiên. Cầu thang thì nằm ở hai đầu hồi tránh được gió Đông Bắc vào mùa khô và gió Tây Nam vào mùa mưa.
Phên dựng ở hai đầu hồi thẳng đứng, còn phên dựng theo chiều dài thì ngã ra hai bên. Từ xa, nhìn buôn Akô Dhông ngày nay có cảm giác như đang được thấy một đội thuyền hùng hậu nằm xen giữa những mướt mát cây xanh và hoa cỏ bốn mùa. Được biết, ở Akô Dhông từng có những ngôi nhà có chiều dài trên 100m, nhưng ngày nay, chiều dài chỉ phổ biến từ 25-30m, bởi cùng với thời gian, những cây lớn trong rừng cũng không còn nhiều và mẫu kiến trúc nhà dài cũng là một thách thức không nhỏ đối với những người thợ hiện đại. Già làng Amah Rin lúc còn sống đã nói rằng, nhà dài truyền thống của dân tộc ông là sản phẩm tiêu biểu của tổ chức công xã thị tộc nhằm thích ứng với môi trường thiên nhiên, tránh thiên tai, thú dữ và bảo vệ sự sống của các thành viên trong cộng đồng, đồng thời, cũng là nơi sinh hoạt văn hóa của đồng bào.
Đến thăm ngôi nhà dài của già Amah Đé nằm ngay chính giữa buôn, sẽ được chủ nhân giới thiệu ngay rằng ngôi nhà được chia làm hai phần biệt lập. Nửa đằng cửa chính gọi là Gah, là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung của cả nhà dài. Tại Gah thường trưng bày cồng chiêng, trống và dàn ché quý. Nửa sau gọi là Ôk, là bếp đặt chỗ nấu ăn chung và là chỗ ở của các đôi vợ chồng, chia đôi theo chiều dọc và phía cuối nhà là nơi đặt bếp lửa... Hai khu nhà đều có cầu thang. Cầu thang Cái đặt ở trước nhà dùng cho khách và đàn ông, con trai. Cầu thang Đực nằm khuất phía sau nhà dùng cho đàn bà, con gái.
Người Ê Đê tin rằng, số chẵn là số của ma quỷ, số lẻ mới là số của người nên cầu thang thường có 7 bậc. Cầu thang Cái được gọi là cầu thang ván làm từ một thân cây lớn, được tạo hình như chiếc thuyền lướt sóng, phía đầu cong lên và được chạm khắc hình vành trăng non và đôi bầu vú. Bà H’lin, một chủ nhà ở Akô Dhông nói rằng, vành trăng non tượng trưng cho sự chung thủy, đôi bầu vú tượng trưng cho chế độ mẫu hệ. Cầu thang Đực đơn giản hơn thì dùng ván hay cây gỗ đều được cả. Nếu thấy nhà ai đó lật ngược cầu thang Cái thì có nghĩa là gia chủ đang có chuyện buồn phiền và không muốn tiếp khách.
Nhiều buôn làng gần như hoàn toàn chỉ có những công trình nhà ở kiểu mới. Ngay chính buôn Akô Dhông vốn được kì vọng như một biểu tượng văn hóa Ê Đê giữa lòng phố núi cũng chỉ còn tồn tại trên 50 nóc nhà dài và đều ở trong tình trạng cần được bảo trì, tu bổ. Những ngôi nhà dài đó còn giữ được cho đến ngày hôm nay là nhờ công của già làng Amah Rin. Chính ông đã cùng với chính quyền địa phương tổ chức họp dân, thống nhất quy định đồng ý cho dân làm nhà xây theo kiến trúc hiện đại của người Kinh, nhưng phải làm phía sau lưng ngôi nhà dài truyền thống. Ai không nghe, buôn làng xử phạt, dỡ bỏ. Từ đó, trong buôn ai cũng chấp hành làm theo.

Nhà dài được gìn giữ, các giá trị văn hóa khác cũng nhờ thế mà có cơ hội phát huy. Đồng bào giữ được hơn 30 bộ chiêng cổ, 54 khung dệt truyền thống, cùng nhiều loại ché, các bức tượng, đồ chạm khắc tinh xảo của cha ông để lại. Nhà nào cũng biết làm rượu cần, đan lát và làm được các nhạc cụ của dân tộc mình. Nhiều nghi lễ truyền thống như cúng nhà mới, đón khách, mừng được mùa, lễ trưởng thành, kết nghĩa anh em... đã trở thành một nét đẹp riêng có ở Akô Dhông.
Đêm hôm ấy, chúng tôi ở lại Akô Dhông và cùng tham dự một bữa tiệc âm thanh và sắc màu cùng với những sinh viên ngữ văn đến từ nước Pháp xa xôi. Chứng kiến những người trẻ đến từ vùng tuyết lạnh Tây Âu cùng những bông hoa sớm mai, cây rừng đương độ của cao nguyên huyền ảo say múa trong tiếng chiêng “dài tựa những ngôi nhà dài”, tôi lại nhớ lời già làng Amah Rin từng nói: “Nhà dài là máu thịt của dân tộc Ê Đê mình, chỉ có giữ lại nhà dài thì văn hóa truyền thống của dân tộc mình mới không bị mai một. Còn nhà dài thì còn ghế Kpan, còn cồng chiêng và không gian sinh hoạt nghi lễ của buôn làng”.
Những dân tộc khác, những nền văn minh khác đã đến đây để hiểu và yêu Tây Nguyên. Xin Tây Nguyên cùng những chủ nhân của mình hãy gắng gìn giữ những tài sản vô giá mà cha ông đã truyền lại. Bởi đó là một trong những điều kiện quan trọng cho sự phát triển bền vững của Tây Nguyên và cho cả đất nước.
Tuệ Lâm