Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 07/06/2023 09:21 GMT+7

Leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran

Biên phòng - Căng thẳng giữa Iran và Mỹ tiếp tục leo thang khi ngày 23-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Iran sẽ phải đối mặt với những hậu quả "ít ai từng thấy trong lịch sử" nếu Tehran đe dọa Washington.

swlrxncz9u-2220_1341419710518735055_anh_bai_chinh_25
Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên trái) và Tổng thống Iran Rouhani. Ảnh: AFP

Trong một bình luận trên tài khoản Twitter gửi trực tiếp tới người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, Tehran sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu một lần nữa đe dọa nước Mỹ. Ông cũng tuyên bố, Mỹ "không còn là một đất nước chấp nhận những ngôn từ về bạo lực và chết chóc" và cảnh báo Iran "hãy cẩn trọng". 

Các tuyên bố trên của Tổng thống Donald Trump là lời đáp trả cho phát biểu trước đó của Tổng thống Rouhani cảnh báo việc Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước này cũng như các quốc gia có quan hệ thương mại với Tehran sẽ là nguyên nhân gây ra "các cuộc chiến tranh". Nhà lãnh đạo Iran cũng cảnh báo nếu nước này không thể xuất khẩu dầu của mình, các nước khác trong khu vực cũng sẽ không thể xuất khẩu dầu của họ.

Bên cạnh đó, Tổng thống Rouhani chỉ rõ Mỹ đang bị cô lập trong thế đối đầu với toàn bộ các nước còn lại trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Đức), có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). 

Ông Rouhani cho rằng, Mỹ đã từng thất bại trong việc phá hoại cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 thông qua các cuộc đảo chính kỹ thuật và lần này sẽ lại thất bại trong thực hiện âm mưu của mình, vì hiện không có cơ quan quốc tế nào ủng họ các biện pháp trừng phạt “bất hợp pháp” chống lại Iran.

Quan hệ giữa Mỹ và Iran trở nên căng thẳng sau khi Tổng thống Trump ngày 8-5 vừa qua tuyên bố Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015 giữa Iran với Nhóm P5+1, đồng thời Nhà Trắng quyết định áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ trước đó đối với Iran.

Trong một tuyên bố ngày 22-7, trong bài phát biểu tại Quỹ Reagan, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tái khẳng định quyết tâm của Washington áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran, đồng thời nhấn mạnh Mỹ muốn tất cả các nước giảm nhập khẩu dầu mỏ Iran "xuống càng gần mức 0 càng tốt" vào ngày 4-11. 

Ngoài việc trực tiếp chỉ trích Tehran, ông Mike Pompeo còn được cho là người đứng đầu một chiến dịch nhằm làm xói mòn sự ủng hộ đối với các nhà lãnh đạo Iran, kích động sự bất ổn và gây sức ép buộc Iran chấm dứt chương trình hạt nhân. 

Một số quan chức Mỹ cho hay, chiến dịch truyền thông này nhằm bôi xấu hình ảnh các nhà lãnh đạo Iran và một số thời điểm còn sử dụng những thông tin phóng đại hoặc trái ngược với các tuyên bố chính thức.  Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về chiến dịch này.

Trong khi Mỹ tìm mọi cách làm “tê liệt” thỏa thuận hạt nhân Iran thì ngược lại, châu Âu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì JCPOA, đồng thời thúc giục Iran tiếp tục sự hiện diện của mình trong thỏa thuận quốc tế này.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Hội đồng quốc gia Áo Adreas Schieder cho rằng, những khó khăn thời gian qua cần được biến thành cơ hội mở ra những giải pháp giúp xây dựng các mối quan hệ đưa đến những triển vọng mới. Theo ông Adreas Schieder, sự hợp tác giữa các công ty châu Âu sẽ là một trong những yếu tố chứng minh cam kết của EU đối với thỏa thuận hạt nhân Iran. 

Tuy nhiên, bên cạnh các tuyên bố và cam kết, các nước châu Âu cũng cần có hành động cụ thể, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 22-7 nhấn mạnh. Ông Zarif cho rằng, cho tới nay, Tehran chưa thấy các bước đi đáng kể nào từ các nước châu Âu. Iran sẽ tiếp tục các cuộc trao đổi với châu Âu, song sẽ không chờ đợi quá lâu.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO