Biên phòng - Lần nào có dịp về huyện vùng cao Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam), tôi cũng tranh thủ thời gian để đi về các thôn của người dân tộc Cor dọc theo dòng con sông Kót thuộc xã Trà Kót. Tôi luôn ấn tượng với một loại nhạc cụ nhỏ như chiếc đũa ăn cơm, nhưng âm thanh của nó rung lên rất đặc trưng, làm say đắm lòng người được bà con gọi là Amáp. Giữa rừng núi thâm u của đại ngàn Trường Sơn, mỗi lần nghe Amáp, âm thanh đó cứ thôi thúc tôi suốt cuộc hành trình dài trong những lần điền dã...

Cũng như bao người con dân tộc Cor sinh ra giữa xứ sở được mệnh danh là “Cao Sơn - Ngọc Quế”, chị Trần Thị Xinh, ở thôn 1, xã Trà Kót, huyện Bắc Trà Myluôn đau đáu giữ tiếng Amáp. Chị Xinh nói với tôi: “Những người già nơi đây bảo, nếu muốn nghe Amáp cũng phải vượt dốc đến thác Ví, nằm dưới ngọn núi Răng Cưa cao nhất vùng - nơi phân chia địa vực cư trú của người Cor huyện Bắc Trà My và người Cor huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), bởi ở đó không gian khoáng đạt, rộng rãi và bao la. Lên thác Ví mà thổi Amáp thì tiếng trong hơn và vang xa hơn. Có lẽ vì vậy mà từ trước đến giờ, người Cor trong vùng thường lên thác Ví để tha hồ thổi Amáp, bởi nơi đây, âm thanh của Amáp được vang vọng vào những vách núi”.
Theo chị Trần Thị Xinh, bao thế hệ người Cor từ khi nằm trong bụng mẹ, đến khi lọt lòng đã thấm đẫm những điệp khúc của tiếng Amáp. Nhạc cụ này là linh hồn của dân tộc Cor đã từng gắn bó trên quê hương Trà My, nhưng không một người Cor nào biết Amáp có từ bao giờ. Vì quá yêu Amáp nên thỉnh thoảng chị Xinh vẫn vào rừng tìm vật liệu để tự chế tác cho mình một cái Amáp như để cố níu giữ những hoài niệm về một thời xa xưa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để làm một chiếc Amáp không phải quá cầu kỳ, nên không một phụ nữ dân tộc Cor nào ở đây không biết làm. Nhưng để có một chiếc Amáp hay và đạt đến độ chuẩn là rất khó, không phải người phụ nữ dân tộc Cor nào cũng làm được. Đồng bào nơi đây thường chọn những thân cây Amáp già, thẳng rồi hơ qua lửa để bỏ phần lõi bên trong. Amáp dài khoảng 2 gang tay (30-35cm), được bịt kín một đầu, dùng dao sắc khứa mỏng ở phía đầu bịt kín, tạo lưỡi gà dài khoảng một đốt ngón tay (khoảng 2cm). Amáp không bền, chỉ sử dụng ba, bốn ngày là bỏ. Vì vậy, âm thanh của Amáp hạn chế và khó xác định. Khi sử dụng Amáp phải ngâm vào nước để âm thanh hay hơn.
Ở vùng người Cor thuộc huyện Bắc Trà My, ngoài cây Amáp ra còn có cây lông bông, dáng gần giống với cây Amáp, nhưng ống của nó nhỏ hơn, bằng đầu chiếc đũa ăn cơm nên nó cũng được phụ nữ Cor chế tác thành Amáp để thổi. Trong những đêm khuya thanh vắng, người phụ nữ Cor thường tìm sự lắng đọng về tâm hồn của mình qua tiếng Amáp hòa trộn giữa tiếng người thổi, không phải người Cor nào cũng hiểu hết mà chỉ có người trong cuộc và người am hiểu văn hóa dân tộc Cor mới thấu hiểu tiếng Amáp muốn biểu đạt điều gì.
Theo đó, nhạc cụ này thường thổi theo các làn điệu dân ca truyền thống của người Cor, phổ biến nhất là điệu xadru. Ngày xưa, hầu hết phụ nữ Cor đều biết làm và thổi Amáp. Họ không chỉ thổi một mình, những phụ nữ Cor khi gặp nhau trên đường đi làm nương rẫy, vào rừng hái măng, đến những dịp làng tổ chức lễ hội, dịp cưới hỏi, họ còn thổi Amáp để trải lòng mình, sẻ chia về lao động sản xuất.
Chúng tôi đã nhiều lần đến các xã Trà Kót, Trà Nú, nơi có số đông người Cor sinh sống vào dịp làng tổ chức ăn mừng lúa mới, mừng được mùa, cưới hỏi, ngày vui khi con họ đậu đại học… Ngày đại đoàn kết, ngày tuyển thanh niên trong làng lên đường làm nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc hay dịp Tết đến, Xuân về…, mỗi lần đến đây, chúng tôi lại được thưởng thức âm thanh độc đáo của Amáp và cũng để cảm nhận hình ảnh thân thương của các bà, các chị. Có quá nhiều điều để cảm nhận về một vùng quê văn hóa giàu bản sắc.
Thời gian mãi trôi qua, Amáp vẫn gắn bó thủy chung với người Cor như ngày nào. Là người bạn đồng hành, để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và xua tan mọi nỗi ưu tư, phiền muộn, cả những vất vả trong cuộc sống. Tuy nhiên, để giữ gìn, phát huy loại nhạc cụ độc đáo này, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam sớm có đề án bảo tồn Amáp.
Nguyễn Văn Sơn