Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:15 GMT+7

Lên đường biên Đình Lập

Biên phòng - Gần 5 giờ chiều, xe chúng tôi quành vào sân khu nhà khách của Ủy ban huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn). Cửa vừa mở, gió mùa Đông Bắc ập vào xe khiến mọi người rùng mình. Trong tiếng xuýt xoa, tôi khẽ thở phào với ý nghĩ thoáng nhanh trong đầu: Vậy là cả đoàn vừa băng qua ngót 200 cây số quanh một vùng đất biên cương trong giá lạnh kinh người!

pdrw_17a
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chi Lăng tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Hoa Linh

Nhận phòng nghỉ, thu xếp đồ đạc xong, tôi mở điện thoại xem những khuôn hình đã ghi lại trong hành trình vừa đi qua. Bắt đầu từ Đồn Biên phòng Chi Lăng. Trước khi khởi hành cuộc đi mang tính khảo sát, khám phá, Trung tá Nguyễn Xuân Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Chi Lăng tiếp chúng tôi trong căn phòng ấm cúng, sau đó, anh trực tiếp đưa chúng tôi lên cửa khẩu Bản Chắt, có tên chữ là cửa khẩu Chi Lăng. Tôi ngắm người sĩ quan rắn rỏi trong quân phục người lính Biên phòng mà cứ thầm ngạc nhiên. Người trai quê xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (cũ), vùng đất không xa lạ đối với tôi trong những năm tháng cầm bút ở tỉnh Hà Sơn Bình - Người từng cùng đồng đội trấn giữ nhiều vùng biên viễn trong Nam ngoài Bắc, lại là người dễ xúc động.

Nhớ lúc nghe một nhà thơ trong đoàn chúng tôi đọc bài thơ “Tháng Giêng gặp bạn ở Lạng Sơn”, gương mặt Trung tá đằm hẳn lại. “Tháng Giêng tôi về với Lạng Sơn/ Khi điểm cao 820 đạn pháo thù cày nát/ Câu Nhì-à, Thoòng-lầu trai gái Nùng vẫn hát/ Phiên chợ Kỳ Lừa tíu tít những bàn chân...”. Những câu thơ vang lên trong giọng đọc truyền cảm của nhà thơ, gợi nhớ cuộc chiến đấu giữ gìn biên giới mấy chục năm trước, khiến Trung tá hơi cúi mặt, mắt chớp chớp.

“Anh! Vậy ra hồi đó anh cũng ở điểm cao 820?”. “Mình lên sau. Hồi đấy mình là phóng viên báo An ninh Thủ đô, lên đến đỉnh 820 thì chỉ còn được nhìn thấy cảnh tan hoang của chiến trận”. “Còn chú? Chú có mặt trong trận đánh ấy?”. “Vâng. Vậy là cả hai anh em mình từng cùng có mặt ở 820 và anh đã viết được bài thơ. Quý hóa quá. Từ bấy đến nay đã lần nào anh trở lại điểm cao đó chưa? Nếu anh muốn, dịp nào đấy em đưa anh về với đất Tràng Định và anh em mình cùng thăm lại cao điểm 820...”. Tôi ngồi gần, không chỉ nghe được trọn vẹn những lời nhà thơ và Trung tá nói nhỏ với nhau, mà còn thấy những giọt nước lóng lánh trong mắt hai người.

Sau giây phút xúc động cố kìm nén, Trung tá đưa chúng tôi lên cửa khẩu Chi Lăng. “Bác nhìn kìa, ngay phía sau bác có hai cột mốc rất đặc biệt: Một cây thông và một cây sau sau. Cây thông thuộc đất Việt Nam. Cây sau sau là của Trung Quốc đó bác”. Nhìn theo tay Trung tá Thanh, tôi thấy hai cây cùng xanh tốt, chỉ khác màu lá. Cây thông Việt Nam lá màu xanh đậm, dáng cây hình mũi tên vươn lên trời cao. Cây sau sau nhuốm màu lục bạc ngả sang vàng sậm, tua tủa cành vươn ngang. Ngắm hai cây “mốc giới” đường biên không hiểu do người trồng hay cây mọc theo thiên định, trong gió rét lộng thổi, tôi chợt nghe âm vang lời thơ bất hủ của tướng quân Lý Thường Kiệt thuở nào trên sông Như Nguyệt: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư...”.

Tiếng thơ đưa, tôi đến cột mốc số "0" dựng cạnh con đường bê tông mới mở bắt vào đường lớn cửa khẩu, để từ đây con đường men lên sườn núi và khuất vào cỏ cây biên giới. “Đây là đường tuần tra biên giới đã được bê tông hóa. Dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước, Quân đội vẫn quyết tâm xây dựng con đường trên suốt chiều dài biên giới để bớt đi nhọc nhằn cho người chiến sĩ tuần tra. Riêng huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn đã có hơn 40 cây số đường biên thì Đồn Biên phòng Chi Lăng phụ trách tuần tra, bảo vệ hơn 20 cây số, với 33 cột mốc dựng trên địa phận hai xã thuộc huyện Đình Lập và Lộc Bình, trong đó có 6 thôn, bản giáp biên.

Để hoàn thành nhiệm vụ, lãnh đạo Đồn Biên phòng Chi Lăng biên chế đơn vị thành nhiều bộ phận, bám địa bàn và tổ chức tuần tra, bảo vệ biên giới. Tuần tra theo đường bê tông và tuần tra theo đường nghiệp vụ” - Giọng Trung tá Thanh rành rọt trong gió lạnh. Và anh đồng ý để đoàn nhà văn đi thực tế theo đường tuần tra biên giới từ cửa khẩu Chi Lăng sang huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.

Sau bữa cơm vui cây nhà lá vườn đậm đà hương vị và bản sắc dân tộc, do các anh nuôi Đồn Biên phòng Chi Lăng chế biến, đoàn nhà văn lên đường “tuần tra”. Tíu tít bắt tay và những lời hò hẹn. Xuất hiện thêm một chàng đồn phó trẻ măng không thấy có trong cuộc gặp hồi sáng. Hỏi mới biết chàng “phó” trẻ này tên là Vũ Hữu Hưng, quê Lập Thạch, Vĩnh Phúc, vừa bảo vệ xong luận văn Tiến sĩ Luật.

Nghe giới thiệu mà tôi cứ ngẩn ra ngắm chàng trai Vĩnh Phúc cao lớn, khỏe mạnh đang tươi cười chào đón khách văn nhân. Nếu không tận mắt, tận tai chứng kiến và được nắm bàn tay Vũ Hữu Hưng vừa chúc mừng, vừa chia tay, mà chỉ nghe ai đó kể lại, rằng ở đồn Biên phòng trên đất Đình Lập xa vắng chưa nhiều người biết đến, có chàng đồn phó là Tiến sĩ Luật trẻ tuổi, chưa chắc tôi đã tin. Ngẫm mới thấy, Bộ Tư lệnh Biên phòng coi trọng việc xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới đến mức nào.

“Cả đoàn lên xe chưa? Nào, ta lên đường tuần tra!” - Trưởng đoàn Lã Thanh Tùng nghiêm trang phát lệnh. Chiếc xe ô tô cẩn trọng lăn bánh qua cổng Đồn Biên phòng Chi Lăng, rồi tăng ga băng lên đường tuần tra biên giới.

0cpt_17b
Trung tá Hoàng Văn Mừng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Chi Lăng giới thiệu về cột mốc chủ quyền số 1270 với đoàn công tác. Ảnh: Hoa Linh

Chẳng mấy chốc, từ trên lưng chừng dãy núi phân định chủ quyền hai quốc gia, tôi và các nhà văn thật sự choáng ngợp trước đất trời vùng biên cương Đình Lập. Trong gió lạnh, trời quang, nắng vàng, đất phên giậu “Nam quốc sơn hà” ta ngời ngời hiện ra trùng trùng núi non, mà thiên nhiên khéo sắp đặt để phô bày từng cặp, từng đôi ngọn phồn thực và tươi trẻ như vồng ngực các cô gái dậy thì. Những vồng ngực có sức hút hồn văn nhân ấy càng gợi cảm khi được vận thứ trang phục muôn hồng nghìn tía do cỏ cây của đất và nắng gió của trời thêu dệt. Một nhà thơ trong đoàn không kìm được xúc cảm, se sẽ thốt lên: “Chao ôi, thiên nhiên biên ải thật tuyệt vời!”.

Chiếc xe vẫn băng băng lên dốc, xuống đèo. Đến một đỉnh dốc thuộc địa phận Bản Ma, trước những triền lau miên man sắc màu dờn hoa trong gió, xe dừng nghỉ để các nhà văn thi nhau ghi lại những khuôn hình biên cương khó có cơ hội gặp lại trong đời. Tôi đứng bên cửa xe tránh những làn gió buốt lạnh cứ ào ạt thốc thổi, nhìn lại mấy cung đường tuần tra vừa đi qua, trong đầu lương vương tự vấn: Con đường phơi ra trần trụi giữa lưng chừng núi thế kia, anh em lính Biên phòng sẽ phải đội trời, đạp đất trong nắng, trong mưa, trong gió lạnh để làm nhiệm vụ tuần tra, lại còn phải băng rừng, lội suối theo đường nghiệp vụ nữa để giữ yên biên thùy... Gian nan thế, có ai chùn bước không ?...

Ba giờ chiều, xe đến ngã ba có cột mốc số "0" bên đường ghi dấu địa giới giữa Lạng Sơn và Quảng Ninh. Chúng tôi rời đường tuần tra, rẽ theo đường 18C để về Bình Liêu, rồi đi tiếp Tiên Yên, sau đó theo Quốc lộ 4 trở về Đình Lập. Và gần 5 giờ chiều, xe chúng tôi quành vào sân khu nhà khách của Ủy ban huyện, kết thúc hành trình khám phá một miền biên ải xa xôi.

Phạm Ngọc Chiểu

Bình luận

ZALO