Biên phòng - Từ trung tâm thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, qua các bản làng người Thái, chúng tôi tiến sâu vào vùng lõi của Vườn quốc gia Pù Mát. Theo tiếng của đồng bào dân tộc Thái, Pù Mát có nghĩa là những dốc cao. Vườn quốc gia này được thành lập năm 2002 và được tổ chức Khoa học giáo dục và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, năm 2007.

Đỉnh Pù Mát cao 1.840m so với mực nước biển, quanh năm mây phủ. Nơi đây có hơn 2.400 loài thực vật sinh sôi, trong đó có 37 loài nằm trong Sách đỏ của Việt Nam và 20 loài trong Sách đỏ thế giới. Hệ động vật ở đây cũng rất phong phú với hơn 2.400 loài thú quý hiếm như voi, hổ..., đặc biệt là sao la, hay còn gọi là “kỳ lân châu Á” - một trong những loài thú hiếm nhất thế giới sinh sống ở vùng núi rừng Trường Sơn giữa Việt Nam và Lào, được phát hiện vào năm 1992. Từ thị trấn Con Cuông vào khoảng 20km, chúng tôi tới đập Phà Lài. Theo tiếng Thái, Phà Lài có nghĩa là “hoa của trời”. Ở đây có bến thuyền sông Giăng - chi lưu của sông Lam, bắt nguồn từ vùng thượng du Hạnh Lâm chảy qua Thanh Mỹ, Thanh Liên, Thanh Tiên rồi hòa vào dòng sông Lam ở địa phận Thanh Chương, Nghệ An. Sông Giăng trải dài hơn 100km bao quanh Vườn quốc gia Pù Mát.
Dọc bờ sông Giăng, tôi nhận ra vẻ đẹp hoang sơ mà kỳ vĩ của miền Tây xứ Nghệ, đó là những ngôi nhà sàn lưa thưa xen giữa những ruộng ngô, ruộng lúa xanh tươi của dân bản nơi cội nguồn. Những ngọn núi cao mà ngửa mặt lên đỉnh trời mới thấy hết. Những cây cổ thụ mọc chồi trên vách đá xòe tán về phía bờ sông. Có đoạn nước sông trong đến mức có thể nhìn rõ từng đàn cá đang tung tăng bơi lội dưới dòng sông.
Trong chuyến ngược nguồn sông Giăng, tôi được thưởng thức món cá mát đặc sản. Sông Giăng là nơi sinh tụ của cá mát, loài cá quen sống ở vùng nước ngọt. Mình cá có từ 6 đến 8 chấm đen, vi cá có màu hồng. Cá mát nhỏ, chỉ bằng 2-3 ngón tay người lớn, con to nhất cũng chưa tới 1kg. Cá mát sống từng đàn ở trong khe đá và nơi nước chảy xiết, thường bơi kiếm ăn ban đêm. Ăn cá mát ngon nhất là cái đầu, vì mềm ăn cả xương, mùi vị thơm, bùi, béo. Ven sông Giăng, các cụ xưa thường kén cá mát cho con gái, con dâu ăn sau khi sinh nở, bởi cá mát vừa lành, vừa bổ, thịt lại thơm ngon, mỡ béo, ít xương, rất lợi sữa. Trưa đó, ở bến thuyền đập Phà Lài, chúng tôi được thưởng thức món cá mát nướng từ que tre tươi kẹp từ đầu tới đuôi từng con một. Đổ than hoa vào nồi đất, cho vỉ sắt phủ trùm lên trên rồi mới đặt kẹp cá lên, vừa quạt, vừa nướng lật trở đều hai mặt, khi nào thấy cá vàng ươm chảy mỡ tỏa thơm là được...
Về Con Cuông, ấn tượng nhất với tôi là thác Khe Kèm. Nhìn từ xa, thác Khe Kèm như dải lụa trắng trên nền xanh thẳm của Vườn quốc gia Pù Mát. Phía trên và hai bên thác là cả thảm thực vật với hàng trăm loài hoa quanh năm khoe sắc. Dưới chân thác là khe nước trong vắt với những phiến đá phẳng lì như những chiếc bàn lớn làm chỗ ghé chân cho du khách. Đến đây, con người như được trút bỏ bao bụi bặm âu lo mà được tắm trong một bầu khí quyển trong suốt đến từng hơi thở. Bàn tay tạo hóa của thiên nhiên thật kỳ diệu.
Thác Khe Kèm đúng là một điểm nhấn, một tiếng vọng, một ngân vang, một hòa sắc cho Pù Mát. Tôi được ông bạn làm cán bộ Kiểm lâm ở đây chiêu đãi món gà nướng, ở gần chân thác. Món này ngon, thịt dai và ngọt, thơm lừng. Bạn tôi hướng dẫn, cứ để nguyên con ăn đến đâu xé đến đó kèm với xôi nếp chấm với vừng. Xôi nếp ở đây có màu tím từ nước cốt khoai môn - màu sắc cực kỳ hấp dẫn, nhìn đã thấy ngon mắt. Ăn kèm với món này là nộm hoa chuối, từng sợi hoa chuối mỏng tang được trộn đều với chanh, ớt, tỏi; có vị chua, cay, mặn, ngọt.
Buổi chiều, chúng tôi về bản Nưa (xã Yên Khê, huyện Con Cuông), ghé thăm nhà của chị Lò Thị Hoa. Bản Nưa là bản làm du lịch cộng đồng, được nhiều du khách yêu thích; đặc biệt là ẩm thực qua bàn tay tài hoa của phụ nữ dân tộc Thái. Xung quanh gian bếp, người vặn nước, rửa rau, ướp thịt, người băng vườn hái thêm mấy lá chanh để pha trộn nấu nướng thành gần chục món ăn của người Thái ở Con Cuông.
Mâm cơm rất phong phú và hấp dẫn, gồm: Cá mát nướng giòn nguyên con, nguyên vị ngăm ngăm đắng đắng và dai dai; gạo nếp nắm lại bọc trong lá chuối, ninh nhừ phảng phất hương vị bánh chưng của người Kinh; cơm lam nướng trong ống nứa nhỏ trắng nõn; thịt gà xiên lá chanh nướng than; xôi cẩm, canh khẩu khiều; rau bún, măng rừng... Toàn là những cây lá từ vườn nhà, sông suối. Đặc biệt là những chùm hoa đu đủ đực được chần chín xào thơm và bát chẻo làm từ lá hẹ mang hương vị đặc trưng không nơi nào có. Tất cả được bày khéo léo lên chiếc mâm mây lót lá chuối, cạnh những bát, đũa, ống tre; không thấy sắc thái của nhựa công nghiệp, túi ni lông. Một không khí ẩm thực còn vẻ nguyên sơ cốt cách.
Cái ngon ở đây không ở vị giác, mà còn thị giác với món ăn bày biện đẹp, thính giác với lời mời vui vẻ và linh giác khi ở tận sâu xa cội nguồn. Một nếp nhà sàn dân dã, một bữa tiệc trải dài trên nền sàn nứa sạch sẽ và ấm cúng. Tất cả như muốn thu vào đây những tinh túy của núi rừng. Ngoài các sản phẩm còn là tình người, tình đất mà đến khi xa rồi còn nhớ mãi. Nhớ mãi những vườn cam “lộc vàng” trĩu quả; nhớ mãi Pù Mát như một ám ảnh xanh thân thương mà kì vĩ; nhớ mãi dòng sông Giăng chảy lai láng trong lòng.
Ở đây ngỡ như có cả một con công khổng lồ xòe đuôi muôn màu ôm trọn vào lòng bao sắc nước, âm thanh và vị ẩm thực ấn tượng.
Nguyễn Ngọc Phú